“Tôi đã từng ghi những bàn như vậy, nhưng đây có thể là pha lập công đẹp nhất, trong trận hay nhất sự nghiệp của tôi”, Richarlison nói sau trận ra quân thắng lợi của Brazil trước Serbia. Khi tỷ số là 0-0, anh nghĩ về một sự thay đổi. Anh nói với đồng đội, “tôi cần bóng, đưa nó cho tôi nhiều hơn”.
Richarlison và cú “cắt kéo” tung lưới Serbia. Ảnh: AFP
Các đồng đội của anh đã làm, và Richarlison có cú đúp giúp Selecao giành chiến thắng 2-0. Bàn thứ nhất khá dễ dàng, nhưng bàn sau đó là một tuyệt phẩm. Bắt đầu từ đường chuyền kiểu trivella của Vinicius, anh đỡ bóng rồi xoay người thực hiện cú “cắt kéo” ngoạn mục theo phong cách capoeira, môn võ thuật của Brazil được ngụy trang dưới các điệu nhảy kết hợp âm nhạc. Có một lưu ý ở đây, capoeira chính là cội nguồn văn hóa Brazil, bao gồm văn hóa bóng đá.
Trong thế giới ngày càng thực dụng, kể cả Brazil cũng mất dần tính trình diễn. Riêng Richarlison thì không. Anh vẫn là một nghệ sỹ, thấm nhuần văn hóa capoeira để tiếp nối Garincha, Rivelino, Socrates và Ronaldinho. Ngôi sao 25 tuổi luôn ý thức được rằng anh thực sự may mắn khi trở thành tiền đạo của Selecao trong số 200 triệu dân Brazil. Và anh cũng may hơn chúng bạn cùng trang lứa ở Nova Venecia, thị trấn nhỏ ở đông nam Brazil.
“Nhiều bạn bè của tôi hiện đã chết. Số còn lại đang ở trong tù”, Richarlison nói, “Còn tôi thì ở đây. Bóng đá đã đưa tôi đi đúng hướng”. Khi còn nhỏ và lớn lên tại Nova Venecia, anh có một số lựa chọn. Hoặc trở thành gã bán lẻ hay buôn ma túy chuyên nghiệp, hoặc trở thành nông dân, phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt trên những cánh đồng cà phê. Anh cũng có thể nối nghiệp ông cố, dậy từ 6h sáng và lái chiếc xe kéo vào thành phố để bán kem dạo. Một công việc vất vả không kém là rửa xe, dành cả ngày để cọ rửa những chiếc lốp đầy bùn rồi trở về nhà với thân hình đau nhức.
Vì gia đình chẳng khá giả gì, một mình mẹ anh phải nuôi 5 đứa con sau khi chia tay ông bố, Richarlison đã trải qua mọi công việc trên trừ ma túy. Anh vẫn còn nhớ kỷ niệm hãi hùng năm 14 tuổi, khi bị đám ma cô chĩa súng vào đầu vì nghĩ anh xâm phạm địa bàn. Lúc ấy bóng đá đã cứu Richarlison. “Em chỉ đá bóng thôi”, anh nói và chìa ra quả bóng.
Khoảnh khắc ấy, Richarlison thề sẽ thoát ra khỏi cuộc sống này. Không phải giấc mơ, nó là nỗi ám ảnh. Và con đường để đi chính là bóng đá.
Nhưng khi đã thành công, Richarlison vẫn không đánh mất chính mình. Đồng đội cũ tại đội bóng khởi nghiệp America Mineiro vẫn luôn ấn tượng với một chàng trai “trong sáng, giản dị, khiêm tốn và sở hữu trái tim bao la”. Anh tiết kiệm từng đồng kiếm được, nhét chúng vào con lợn đất thay vì gửi ngân hàng. Và khi nhận được cả tá đồ thể thao từ bản hợp đồng tài trợ đầu tiên với Nike, anh lặng lẽ về ký túc, thu dọn đồ cũ vào chiếc vali rồi mang tới trung tâm thành phố, phân phát cho những người vô gia cư.