Reuters: APEC bị hủy bỏ bất ngờ, Mỹ-TQ lập tức đề xuất địa điểm thay thế, không từ bỏ quyết tâm ký thỏa thuận

Thủy Thu |

Nguồn tin của hãng tin Anh tiết lộ, Nhà Trắng đề xuất hai địa điểm ở Mỹ gồm Alaska và Hawaii, trong khi Trung Quốc đề xuất một địa điểm ở nước này.

Vào ngày 30/10, Chile bất ngờ tuyên bố hủy bỏ vai trò chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 11 và hội thảo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP25 vào tháng 12 tới, do tình hình bạo động leo thang căng thẳng tại nước này.

Đáng chú ý, trước đó có thông tin rằng, hai nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ tổ chức đối thoại và ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ trong sự kiện bên lề APEC từ ngày 16 đến 17/11.

Do đó, việc Chile hủy bỏ tổ chức APEC làm dấy lên nhiều lo ngại về việc liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ song phương hay không.

Theo giới quan sát, bối cảnh hiện nay cho thấy, quá trình ký kết thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xét từ phản ứng hiện tại của Trung Quốc và Mỹ, hai bên có lẽ đều không hy vọng rằng, hai nước sẽ không thể đạt được thỏa thuận vì Chile hủy bỏ tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC.

Bloomberg ngày 30/10 dẫn lời Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết: "Theo như tôi biết, đến nay vẫn chưa có thông tin liên quan đến hội nghị thượng đỉnh APEC. Chúng tôi cũng đang chờ thông tin".

Tuy nhiên, ông Hogan Gidley khẳng định: "Chúng tôi vẫn mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu mang tính lịch sử với Trung Quốc trong khung thời gian dự kiến".

Trong khi đó, chia sẻ với Reuters (Anh), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, đang trong chuyến thăm Trung Đông, cho biết các cuộc thảo luận giữa Mỹ với Trung Quốc đã có hiệu quả và việc hoàn thiện văn bản thỏa thuận vẫn đang tiếp tục.

Hãng tin Anh dẫn một số nguồn tin thân cận tiết lộ, Nhà Trắng dự định đề xuất một số địa điểm ở Mỹ làm lựa chọn thay thế cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung: Alaska và Hawaii có thể là những lựa chọn tiềm năng mà Trung Quốc chấp nhận được.

Mặc dù hiện nay, Nhà Trắng chưa đưa bình luận nào về các địa điểm thay thế nhưng giới chuyên gia thương mại cho rằng việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thay thế trong thời gian ngắn sẽ rất khó khăn.

Đồng thời, Reuters dẫn nguồn tin khác từ Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đã đề nghị Macau là địa điểm tổ chức khả thi.

Ông Michael Hirson, chuyên gia của hãng tư vấn Eurasia Group, cho biết việc thay đổi vào phút chót có thể trì hoãn quá trình ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ Mỹ-Trung nhưng ông vẫn thấy hai nước có tới 70% cơ hội đối thoại vào cuối năm.

Hai nhà lãnh đạo có động cơ để tiếp tục đàm phán, nhằm tránh leo thang căng thẳng dẫn đến các rủi ro kinh tế và chính trị, ông bình luận.

Theo Reuters, một ngày quan trọng trong thời gian tới giữa hai nước chính là ngày 15/12, khi mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc như máy tính xách tay, đồ chơi và thiết bị điện tử chính thức có hiệu lực. Cả Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận và ngăn chặn mức thuế này.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, không có cuộc họp quốc tế dự kiến nào có thể trở thành nơi gặp gỡ bên lề của hai ông Trump-Tập, vì gần nhất Tổng thống Mỹ sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Thái Lan vào tuần tới, một nhà ngoại giao cho biết.

Tờ CNBC (Mỹ) ngày 30/10 nhận định, hội nghị thượng đỉnh APEC không phải là một trở ngại nghiêm trọng đối với việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bởi hai nước sẽ không từ bỏ quyết tâm ký thỏa thuận vì "vấn đề hậu cần" như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại