Ngày còn nhỏ, gần Ủy ban xã có một bãi đất trống, lâu lâu lại có đoàn chiếu bóng lưu động về dựng lên 1 tấm màn thiệt bự, chiếu những cuốn phim truyện nhựa cho người dân xem.
Mỗi dịp như vậy tụi con nít nô nức như trẩy hội, đứa đem chiếu, đứa trải áo mưa ngồi coi, có đứa được ba má chở đi nên ngồi hẳn trên xe đạp, oách ghê luôn.
Ngày lớn lên, vào Sài Gòn học, rạp ciné ê hề, bỏ vài chục ngàn ra là có thể vào rạp xem phim máy lạnh phả phà phà mát rượi, nhưng cái cảm giác coi chiếu bóng ở bãi đất trống gần Ủy ban xã vẫn không thể nào quên được.
Cuộc sống ngày càng phát triển, những đoàn chiếu bóng lưu động cũng dần biến mất. Tụi con nít dưới quê bây giờ đứa nào cũng cầm điện thoại xem clip trên youtube, tụi nhỏ xem vô tội vạ, xem chẳng màng bước ra sân chơi với nhau.
Tôi chợt nghĩ hẳn là sẽ có cách nào đó để tụi nhóc rời mắt khỏi chiếc điện thoại, và biết đâu chúng cũng sẽ thích cái cảm giác được ngồi cùng nhau xem một bộ phim trên màn ảnh rộng, miệng thì nhồm nhoàm bắp rang bơ rồi "aaa!" một hơi thiệt dài sau khi uống ly nước ngọt.
Rạp phim 300k ở miền Tây
7 ngày chở rạp chiếu phim đi khắp miền Tây
Với mong muốn nhỏ xíu là đem đến cho tụi con nít nghèo ở miền Tây cảm giác được xem phim giống như ở rạp ciné trên thành phố, chúng tôi gồm 4 con người đã cùng nhau rong ruổi khắp các nẻo đường dưới miền sông nước.
Trên 2 chiếc xe máy chất đầy những vật dụng, nào là máy chiếu, màn chiếu, sách thiếu nhi, vài món đồ chơi... chúng tôi đi và sẽ dừng lại ở nơi nào thật sự cần đoàn chiếu bóng lưu động này.
Địa điểm đầu tiên mà nhóm ghé thăm là chùa Bửu Nghiêm (Châu Thành, Đồng Tháp). Tại đây các sư cô nuôi dạy khoảng hơn 20 bạn nhỏ, là trẻ mồ côi hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Sự xuất hiện bất ngờ của "những kẻ lạ mặt" khiến tụi nhóc vô cùng tò mò và khoái chí. Chốc chốc cả đám lại len lén nhìn qua khe cửa xem các anh chị đang chuẩn bị gì bên trong, rồi chạy ào đi khi bị các sư cô nhắc nhở.
Những cô cậu nhóc lanh lợi ở chùa Bửu Nghiêm.
Trước khi bước vào chương trình chính chúng tôi dành buổi sáng để giao lưu với các em qua hoạt động đọc sách, vẽ tranh, chơi trò chơi.
Buổi chiều diễn ra buổi đọc sách lớn, hình thức mới lạ này nhằm đem đến sự tương tác giữa trẻ và sách khiến tụi nhỏ vô cùng hào hứng.
Minh đang hào hứng tìm những chú gấu giống nhau.
Sách lớn đoán con vật dựa vào các đặc tính, khiến trẻ em khá thích thú.
Sau khi kết thúc trò chơi truy tìm kho báu hải tặc, các cô cậu nhỏ nhận được món quà là những tấm vé xem phim vào buổi tối.
Thật ra vé chỉ để tượng trưng cho vui, vì ai muốn đến xem đều được chào đón, thế nhưng nhìn cách tụi nhỏ nâng niu rồi cẩn thận đem cất tấm vé vào đầu giường thật sự khiến chúng tôi hạnh phúc.
Bọn nhóc hò hét khi được nhận vé xem phim.
5h30 chiều, 4 thành viên trong đoàn tất bật với công tác chuẩn bị. Người căng màn, kiểm tra máy móc, đứa chuẩn bị bắp rang bơ, nước ngọt cho tụi nhỏ, không khí rộn ràng và không kém phần hồi hộp vì đây là buổi chiếu đầu tiên.
Công tác chuẩn bị rạp phim ngay sân vui chơi của tụi nhóc.
Đúng 6h30, các cô cậu nhí đã có mặt đầy đủ và xếp hàng ngay ngắn trước "rạp phim". Có hẳn một nhân viên đứng soát vé ở ngoài cổng.
Trước khi bộ phim hoạt hình được chiếu, các khán giả nhí được phổ biến các quy tắc ở rạp phim, là: không được nói chuyện ồn ào khi phim đang chiếu, không được tự tiện đi lung tung, bỏ rác đúng nơi quy định.
Bọn trẻ chăm chú xem phim.
Trong suốt buổi chiếu hầu như tất cả đều rất trật tự, thỉnh thoảng có bạn cần đi vệ sinh thì đưa tay lên xin phép đàng hoàng. Xem được nửa bộ phim thì các cô cậu bắt đầu mỏi lưng, cả đám xin phép lấy gối ra nằm.
Và thế là rạp chiếu phim bỗng chốc trở thành rạp giường nằm sang chảnh.
Buổi chiếu phim kết thúc, mọi người cùng nhau dọn dẹp rồi trở về phòng ngủ. Chúng tôi ngồi lại trò chuyện với sư cô trụ trì đến tận khuya. Cô bảo nhìn cảnh này lòng bỗng nhớ ngày xưa.
Ngày đó ti vi chưa phổ biến, có khi cả làng không nhà nào có, ba má cô sắm một cái ti vi màn hình to rồi lái ghe đi khắp các con kênh xứ miệt vườn để mở rạp chiếu phim phục vụ bà con.
Hôm sau chúng tôi chia tay tụi nhóc để tiếp tục cuộc hành trình. Một vài nhóc ra vẫy tay chào tạm biệt, nhưng cũng có mấy cô cậu ngồi mãi trong sân chùa, buồn thiu chẳng nói lời nào.
Biết làm sao được khi chúng tôi chỉ có 7 ngày và còn rất nhiều khán giả nhí đang đợi đoàn ghé thăm.
Bức tranh tuyệt đẹp của tụi nhóc ở Tràm Chim
Trong suốt hành trình, có đôi lúc chúng tôi tự hỏi cốt lõi của những chuyến đi thiện nguyện là gì? Là việc trao tình thương hào nhoáng giữa người cho và người nhận, hay chỉ đơn giản là lan tỏa những hạnh phúc nho nhỏ cho nhau?
Nhiều nhóm thiện nguyện nghĩ rằng phải trao đi những món quà giá trị lớn, thì mới đem đến niềm vui cho người nghèo. Đôi khi không hẳn là như thế.
Nhớ lần chiếu phim ở thị trấn Tràm Chim, chúng tôi mượn sân chùa để chiếu cho đám nhóc, nhưng buổi chiếu không thành công vì máy móc bị trục trặc. Bọn nhóc chẳng hề tỏ ra cau có, dù chúng đã có mặt ở chùa từ ban sáng để đợi đoàn chiếu bóng.
Tụi con nít cười thỏa thích khi xem phim.
Chúng tôi quyết định nán lại Tràm Chim thêm 1 ngày nữa để chiếu bù cho tụi nhóc. Hôm đó là thứ 2, vừa tan học, vẫn còn nguyên bộ quần áo học trò tụi nhỏ chạy thẳng đến chùa để xem phim.
Cuối giờ, cả bọn có chuẩn bị một món quà gửi tặng các anh chị, mà đứa nào cũng ngại, cứ đùn đẩy nhau. Món quà chẳng phải là gì to tát, đơn giản là một bức tranh vẽ hình 4 thành viên trong đoàn. Đơn sơ thế thôi mà ngó chân tình đến lạ.
Tôi chợt nhận ra, chuyến đi này đâu chỉ đem đến niềm vui cho bọn nhóc, mà hơn hết còn cho chúng tôi những niềm vui chẳng dễ tìm được ở cuộc sống chốn thành thị.
Món quà đầy tình cảm của tụi nhóc ở Tràm Chim khiến chúng tôi thật sự trân trọng.
Buổi chiếu cuối đầy cảm xúc ở sân đình Tân Thới
Đáng ra nhóm sẽ về Sài Gòn ngay sau buổi chiếu phim cho tụi nhóc ở Chùa Bửu Trì (Cần Thơ), thế nhưng cận giờ chót, chúng tôi nhận được "lời nài nỉ" của sư cô Minh Phúc.
Cô bảo trẻ em dưới xã Tân Thới (Phong Điền, Cần Thơ) hoàn cảnh khó khăn nhiều lắm, tụi nhỏ ít có cơ hội được tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, thế nên rất mong nhóm có thể ghé chơi 1 hôm. Và đương nhiên là làm sao có thể từ chối được.
Buổi chiếu ở chùa Bửu Trì.
Thông thường mỗi buổi chiếu phim chúng tôi chỉ đón khoảng 20 lượt khách, thế nhưng ở buổi chiếu cuối này lượng khách nhí tăng đột biến, lên đến gần 100 nhóc. Chưa kể đêm nay chiếu ngoài sân đình, người lớn cũng có thể đến xem nếu thích.
Buổi chiếu ở lớp học tình thương cô Uyên, rạp được dựng ngay sân nhà cô Uyên, siêu lãng mạn.
Cả nhóm quyết định ra tiệm mua một tấm bạt to hơn màn chiếu hiện tại để phục vụ cho đêm cuối.
Từ 3h chiều, ông Tư đã mở rộng cửa đình để đón chúng tôi, ông bảo cứ làm thoải mái, cần gì cứ lấy dùng không ngại gì hết, đồ đạc có ông coi ngó giùm cứ yên tâm.
Rạp phim hoành tráng ở đình Tân Thới (Phong Điền).
Vé không còn nhiều chỉ phát tượng trưng cho một vài nhóc, dù đã giải thích là mở cửa tự do, nhưng những đứa đến sau không có vé mặt vẫn buồn xo đi về.
Cưng dễ sợ. Mỗi người một tay, chúng tôi căng tấm bạt lên mái đình, mượn được chiếc thang cong queo yếu xìu, cả bọn phải lựa ra người nhẹ ký nhất leo lên thang để không bị gãy, vừa trèo mà vừa hồi hộp, phải mất vài ba lần thử nghiệm thì mới ổn, vì tấm bạt khá to.
Tụi nhỏ đi học học về ghé vào đình để nhận vé xem phim.
Xế chiều, sư cô Minh Phúc chở 2 bao đá to đùng đến, cô bảo của bà con ở đây ủng hộ cho mấy đứa nhỏ uống nước ngọt.
Đêm cuối trở thành đêm của tất cả mọi người, ai có gì thì góp nấy, người có đá góp đá, người có sữa tươi thì góp sữa tươi, kẻ có ghế cho mượn ghế, có loa thì cho mượn loa... chân tình và ấm áp lắm!
Trước khi vào buổi chiếu phim tụi nhóc được tặng các món đồ chơi làm từ bong bóng.
Chập tối, mấy cô mấy ngoại ở gần đình chạy qua phụ cả đám xếp ghế và rót nước ngọt vào ly. Không khí bắt đầu nhộn nhịp khi tụi nhỏ bắt đầu kéo đến "rạp".
Khoảng 6h30, khi màn đêm đã bao trùm sân đình, và mọi người đều đã ổn định trên ghế với bắp nước trên tay, đêm cuối chính thức bắt đầu.
Một cậu nhóc ngồi trên chiếc xe đạp của mình để xem phim.
Hôm đó "rạp" chiếu bộ phim "Đấu Trường Âm Nhạc", sư cô bảo cô ấn tượng với nhân vật khỉ con, đam mê ca hát nhưng bị bố bắt làm cướp.
Ở vùng này cũng giống vậy, người lớn đánh bạc rồi dạy con nít đánh bạc theo, chẳng một ai quan tâm tụi nó thích gì và tương lai sẽ ra sao...
Buổi chiếu phim kết thúc chúng tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc để lên xe khách về lại Sài Gòn để kịp sáng hôm sau trở lại văn phòng làm việc.
Trước khi chia tay, sư cô cảm ơn rối rít, cô bảo đây là lần đầu có đoàn tới chiếu phim miễn phí cho trẻ em ở nơi này, còn chúng tôi thì chẳng biết bao giờ mới có dịp quay lại đây để chiếu lần nữa...