Mặc kệ lời cảnh báo của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết xúc tiến kế hoạch điều binh đến Libya

Hải Võ |

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị chương trình lập pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xúc tiến hoạt động quân sự của nước này tại Libya.

Người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, ngày 24/12 cho biết Ankara có thể cần phải soạn thảo một dự luật về việc cho phép huy động quân lực tại Libya, và quốc hội đang làm việc về vấn đề này.

"Có thể cần phải có sự ủy quyền [từ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ] phù hợp với những diễn biến ở đó (Libya)," Kalin nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Libya. Sự ủng hộ này có thể bao gồm huấn luyện quân sự, hoặc trong các lĩnh vực khác như hỗ trợ về chính trị."

Phát biểu từ Ankara sau cuộc họp nội các, ông Kalin nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) Libya, do thủ tướng Fayez Al-Serraj đứng đầu. Hiện Ankara đã gửi viện trợ quân sự cho chính quyền Serraj bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc.

"Chúng tôi đang làm việc để hướng tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức dưới sự bảo trợ của LHQ, và chúng tôi muốn mọi việc trở về tình trạng trước tháng 4 năm ngoái. Do đó, tướng Khalifa Haftar cần phải chấm dứt tấn công Tripoli, nếu không tình hình sẽ leo thang trên khắp đất nước," ông Kalin nêu, đề cập các nước ủng hộ Haftar - trong đó có Nga - sẽ không giúp giải quyết cuộc xung đột.

Mặc kệ lời cảnh báo của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết xúc tiến kế hoạch điều binh đến Libya - Ảnh 1.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Libyan Express)

Ankara cho hay, GNA vẫn chưa đưa ra đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh lực tại Libya, song tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 22/12 tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Tripoli, và nếu cần thiết thì sẽ đánh giá thêm những phương án trên bộ, trên không và trên biển.

Hồi tuần trước, chính phủ Nga lên tiếng bày tỏ quan ngại về khả năng Ankara điều quân đến Libya, và cho rằng thỏa thuận quân sự mà Thổ-Libya ký kết đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Ngay sau đó, một đoàn đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Moskva từ ngày 23/12 để thảo luận về những diễn biến ở Libya và Syria.

Theo báo Libya Observer, Bộ ngoại giao Nga ngày 24/12 cho biết Moskva và Ankara đã đồng ý làm việc với nhau nhằm tìm ra giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng Libya.

Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã ký kết hai thỏa thuận, gồm bản ghi nhớ về thỏa thuận phân định hàng hải - xác định hai nước là láng giềng trên biển; ngoài ra là một thỏa thuận an ninh cho phép Ankara chuyển giao vũ trang cùng binh lính hỗ trợ GNA chống lại chiến dịch tấn công của Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với tướng Haftar - lực lượng kiểm soát phần lớn lãnh thổ phía Đông Libya và được cho là có sự hậu thuẫn của Ai Cập, Pháp, Saudi Arabia cùng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Cũng trong tháng 11, tướng Haftar đã tuyên bố phát động đợt tấn công quy mô cuối cùng nhằm chiếm lấy quyền kiểm soát thủ đô Tripoli trong tháng 12.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn hai thỏa trên hôm thứ Bảy vừa qua, ngày 21/12.

Các thỏa thuận Thổ-Libya còn vấp phải phản ứng từ Mỹ, khi nước này thông qua chương trình lập pháp nhằm thúc đẩy hỗ trợ của Mỹ đối với phát triển năng lượng ở Đông Địa Trung Hải và chấm dứt cấm vận vũ khí với Cyprus - hòn đảo bị chia tách từ năm 1975 sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với khả năng bị loại khỏi Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải với Ai Cập, Israel, Cyprus, và Hy Lạp.

Ngày 13/12, 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí ra thông cáo tại Brussels, chỉ trích thỏa thuận hàng hải Thổ-Libya là "xâm phạm chủ quyền của các nước thứ ba". Các lãnh đạo EU gọi thỏa thuận này là "không tuân theo Luật biển và không thể tạo ra hệ quả pháp lý nào đối với các nước thứ ba".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại