Rắn hổ lửa cắn bé 15 tháng tuổi: Bác sĩ gọi điện liên tục đến nhiều nước nhưng đều không có huyết thanh

B. Bình |

"Chúng tôi buồn vô cùng và chỉ biết cố gắng điều trị, truyền máu cho bé tốt nhất có thể. Nhưng sau hơn một ngày nhập viện, bé tử vong", bác sĩ Phương chia sẻ.

Bệnh nhi tử vong vì chưa có kháng huyết thanh

Ngày 6/4, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đưa ra cảnh báo về loài rắn hoa cổ đỏ (hay còn được gọi là rắn hổ lửa, rắn học trò) được nhiều nghĩ là không có độc, nhưng đã gây tử vong cho bé gái 15 tháng tuổi.

Bé gái bị tử vong là cháu N.T.N.T ( ngụ tại Tiền Giang).

Trước đó vào chiều ngày 29/3, khi bé T đang chơi cùng chị gái tại sân nhà thì bị một con rắn hoa cổ đỏ cắn vào vùng cẳng tay phải. Bé chị cũng bị một vết cắn nhẹ.

Gia đình phát hiện chỗ cẳng tay phải bé chảy máu, do đó đã dùng lá thuốc (không rõ lá gì) đắp vào chỗ chảy máu, tuy nhiên, sau 2 giờ đồng hồ máu vẫn chảy liên tục nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa Khoa Tiền Giang. Bé chị không sao được đưa về nhà.

Tại đây, sau 2 giờ, máu vẫn chảy liên tục, bệnh nhi được truyền máu huyết tươi đông lạnh, yếu tố đông máu và truyền 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre. Tuy nhiên, bé vẫn chảy máu và có nhiều vết bầm da trên cơ thể, đặc biệt là ở hai chân và ở trán nên đã chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

13 giờ 30 ngày 30/3, bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, vết thương đã được băng. Tuy nhiên, tại chỗ vết rắn cắn các bác sĩ nhận định, vết thương không giống với vết rắn lục tre hay rắn lục đuôi đỏ cắn.

Rắn hổ lửa cắn bé 15 tháng tuổi: Bác sĩ gọi điện liên tục đến nhiều nước nhưng đều không có huyết thanh - Ảnh 2.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương chia sẻ về trường hợp bé gái tử vong sau khi bị rắn cắn: "Chúng tôi rất đau lòng nhưng không thể làm gì khác hơn được". Ảnh: CAND

Chia sẻ với PV báo Zing về trường hợp bé gái tử vong do rắn cắn,b ác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết sau khi xác định bé bị rắn hổ lửa cắn, ông lập tức gọi ngay cho tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Hùng cho biết nọc độc của loài rắn này chưa có huyết thanh nên chỉ điều trị hỗ trợ.

"Tắt máy, tôi rất hoang mang. Trong đầu đã tiên lượng đến điều xấu nhất. Hơn chục năm trong nghề cấp cứu nhi, chưa giờ bao giờ chúng tôi có tốc độ làm việc nhanh đến như thế. Những cuộc gọi, email trao đổi liên tục với đồng nghiệp ở các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hầu như các nước đều không có huyết thanh", bác sĩ Phương nhớ lại.

"Chúng tôi buồn vô cùng và chỉ biết cố gắng điều trị, truyền máu cho bé tốt nhất có thể. Nhưng sau hơn một ngày nhập viện, bé tử vong", bác sĩ Phương nói.

Rắn hoa cổ đỏ nguy hiểm như thế nào?

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, rắn hoa cổ đỏ thuộc dòng rắn nước nhưng cư trú trên bờ, thậm chí cả ở cao nguyên. Nó có nhiều tên như rắn hổ lửa, rắn học trò, rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm..., có đầu màu xanh ô liu, cổ đỏ, thân mình nhiều hoa văn đen, xanh... rất đẹp. Thậm chí, loại rắn này cũng được các em học sinh bắt chơi nên còn có tên gọi là "rắn học trò".

Trên thực tế, loài rắn cổ đỏ này không tự sản xuất ra nọc độc mà tích lũy nọc độc từ các loại động vật chúng ăn như cóc độc, rết và dùng nọc độc này phòng vệ khi bị tấn công hoặc đe dọa.

"Nguy hiểm nhất là một số người vẫn tưởng nó không độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi. Đây là loại rắn rất đặc biệt, vì 10 người bị cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên mới tưởng không độc. Tôi khẳng định đây là loại rắn có độc", bác sĩ Phương nói.

Rắn hổ lửa cắn bé 15 tháng tuổi: Bác sĩ gọi điện liên tục đến nhiều nước nhưng đều không có huyết thanh - Ảnh 3.

Rắn hoa cổ đỏ

Rắn hoa cổ đỏ khi trưởng thành dài tới hơn 1m2, thường sống xung quanh nhà dân. Do đó, trong điều kiện huyết thanh kháng lại nọc rắn hoa cổ đỏ còn là bài toán tương lai, bác sĩ Đinh Tấn Phương khuyến cáo, không để trẻ nhỏ bắt loại rắn này làm cảnh chơi, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong trường hợp chẳng may bị loại rắn này cắn phải, nên rửa sạch vết thương và đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không garo vết thương như bị các loại rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn và đặc biệt không đắp lá cây để tránh gây nhiễm trùng vết thương. Đồng thời, phải nhớ hình dáng loại rắn đã cắn để cung cấp thông tin cho bác sĩ biết, báo Nông Nghiệp VN đăng tải khuyến cáo của bác sĩ Phương.

Bên cạnh đó, trao đổi với báo Zing, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, năm 2020, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 2 trường hợp bị rắn hổ lửa cắn. Tuy nhiên, bệnh nhân vào viện muộn do mất nhiều ngày đắp lá thuốc nên không qua khỏi.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết tại châu Á, chỉ 2 quốc gia có huyết thanh này là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc không sản xuất thường xuyên do huyết thanh kháng nọc hổ lửa được làm từ thỏ, dê và chồn, trong khi các loài rắn độc khác, huyết thanh làm từ ngựa.

"Môi trường sinh sống khác nhau nên mức độ độc tố khác nhau, chúng tôi cũng chưa bao giờ nhập huyết thanh về thử xem có hiệu quả hay không. Chính vì vậy, phương án xử trí các bệnh nhân bị rắn hổ lửa cắn là điều trị hỗ trợ", tiến sĩ Hùng nói.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại