Mối lo "sát sườn" khiến Nhật Bản phải sửa đổi hiến pháp hòa bình, rầm rộ tập trận

Thi Anh |

Quân đội Nhật Bản đang cố gắng tăng cường khả năng được nhận diện từ cách đó hàng nghìn km.

Tín hiệu của Nhật Bản

Cuộc duyệt binh hồi cuối tuần qua tại một căn cứ quân sự là lần phô diễn mới nhất trong hoạt động mà các nhà phân tích cho là chiến dịch của Tokyo nhằm làm dày "hồ sơ" cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Chứng kiến lễ duyệt binh với sự tham gia của 4.000 binh lính, hàng chục phương tiện bọc thép cùng máy bay, gồm cả tiêm kích F-35 mới nhất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết mối quan hệ của lực lượng quốc phòng Nhật Bản đã vươn xa tới châu Âu.

Quân đội Nhật Bản đang cố gắng tăng cường khả năng được nhận diện từ cách đó hàng nghìn km trong một động thái mà các nhà phân tích cho là nhằm gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc.

"Tham vọng thống trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc đem tới những hệ quả to lớn đối với Nhật Bản", Timothy Heath, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của Tập đoàn RAND nhận định.

"Việc xây dựng một đội quân ưu tú, có thể kiềm chế Trung Quốc khỏi các hành động vội vã và giúp các nước khác cân bằng về chính trị, quân sự trước sức mạnh của Trung Quốc là mối quan tâm của Nhật Bản".

Trong 2 tháng qua, lực lượng hải quân gồm 3 tàu, trong đó có tàu sân bay trực thăng 27.000 tấn JS Kaga, đã tham gia 2 tháng diễn tập và ghé thăm các cảng tận Ấn Độ Dương. Trong khuôn khổ có hoạt động diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông, với sự hiện diện của một trong số các tàu ngầm của Tokyo.

Các phương tiện đổ bộ của Nhật Bản đã lần đầu tiên hoạt động trên vùng đất của nước ngoài kể từ Thế chiến II, khi họ tham gia các cuộc diễn tập chung với quân đội Mỹ và Philippines.

Nhật Bản "phát tín hiệu tới Trung Quốc rằng họ không thể bỏ qua Nhật Bản trước bất kỳ sự việc nào trong khu vực, dù Mỹ có liên quan hay không", Corey Wallace, nhà phân tích an ninh ở Đại học Freie, Berlin khẳng định.

Với gần 5.000 quân ở Nhật Bản, Mỹ là "mỏ neo" cho quốc phòng của Tokyo kể từ cuối Thế chiến II.

Theo Hiến pháp của Nhật Bản sau Thế chiến II, quân đội Nhật Bản chỉ được phép thực hiện các hoạt động phòng vệ, với Điều 9 khẳng định rõ rằng "lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, cũng như các tiềm năng chiến tranh khác không bao giờ được duy trì".

Tuy nhiên, những giới hạn đó đã không còn rõ ràng khi Tokyo duy trì một đội quân được ước tính là đứng thứ 5 thế giới và đối mặt với các thách thức từ các đối thủ lâu năm như Triều Tiên, Trung Quốc.

Trước các thách thức ấy, ông Abe đã đặt ra một mục tiêu sửa đổi hiến pháp vào năm 2020 để công nhận lực lượng vũ trang của nước này. "Trong 5 năm qua, môi trường an ninh của Nhật Bản đã trở nên cứng rắn với một tốc độ đặc biệt nhanh chóng", Thủ tướng Nhật Bản phát biểu mới đây.

Mối lo sát sườn khiến Nhật Bản phải sửa đổi hiến pháp hòa bình, rầm rộ tập trận - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản công bố hồi tháng 8 nhấn mạnh tới những lo ngại về Trung Quốc trong bối cảnh an ninh thay đổi như vậy.

"Quá trình hiện đại hóa quân đội nhanh chóng của Trung Quốc, sự tăng cường về năng lực triển khai và việc nước này gia tăng hoạt động đơn phương tại các khu vực gần Nhật Bản đang làm nảy sinh nhiều lo ngại an ninh trong khu vực và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản", Sách trắng Nhật Bản nêu rõ.

Lực lượng Phòng vệ Đường không của Nhật Bản cho biết, số lần lực lượng này phải triển khai máy bay chiến đấu để đối phó với máy bay của Trung Quốc tăng 20% trong 6 tháng đầu năm tài chính này, so với cùng kỳ năm ngoái.

Trở thành người chơi trong khu vực

Peter Layton, một cựu quan chức quân đội Australia và hiện giờ là học giả tại Viện Griffith châu Á cho rằng, Tokyo đang ở "thế tấn công quyền lực mềm toàn cầu" khi nước này đưa quân đội của mình tới tập trận với Anh, Australia và Ấn Độ.

"Những mối quan hệ này không cần phải tới mức không thể phá vỡ hoặc đáng tin cậy bởi mục đích chính của chúng là để tăng mức độ bất ổn định trong tư tưởng giới lãnh đạo Trung Quốc", Layton nói.

"Liệu những quốc gia này có giúp đỡ Nhật Bản trong giai đoạn rắc rối? Cũng khó nói nhưng họ có khả năng và vì thế khuếch đại mối lo về Trung Quốc".

Theo Sách trắng quốc phòng, các lực lượng của Nhật Bản đã tiến hành 66 cuộc diễn tập quân sự được công bố rộng rãi với binh lính nước ngoài từ 4/2015 cho tới 6/2018. Như vậy là nhiều hơn so với con số 53 trong giai đoạn 3 năm trước đó.

Những con số này sẽ còn tăng.

Trong cuộc phỏng vấn với ABC hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, hoạt động tuần tra chung Biển Đông giữa Australia và Nhật Bản là 1 khả năng.

"Biển Đông là một khu vực nhạy cảm. Chúng tôi sẽ cân nhắc xem ta có thể làm gì cùng nhau", ông Kono nói sau cuộc gặp với các lãnh đạo Australia.

Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc tập trận còn cho phép Nhật Bản làm một việc khác: Khoe một số vũ khí tối tân mà mình có thể bán trong khu vực.

"Nếu những nhiệm vụ quân sự này được củng cố bởi các liên kết kinh tế, bao gồm buôn bán vũ khí thì sẽ tốt hơn nhiều", Layton nói, "Liên kết kinh tế và buôn bán vũ khí giúp nuôi dưỡng mối quan hệ dài hạn giữa Nhật Bản và các nước khác".

*Trên đây là phần lược dịch bài viết của cây viết Brad Lendon đăng tải trên CNN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại