Từ bỏ khí đốt Nga, ủng hộ Ukraine "núi" vũ khí đồ sộ: Đức bất ngờ tuyên bố phũ phàng với Kiev

Duy Anh |

Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ảnh: Getty

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng Đức đang làm mọi thứ để giúp Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, nhưng lưu ý rằng Kiev không phải đồng minh của Berlin.

Đức nói Ukraine không phải đồng minh

Bình luận của Bộ trưởng Pistorius trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình được đưa ra sau những cáo buộc rằng Berlin miễn cưỡng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Nhà phân tích địa chính trị tại Berlin, ông Tom O'Donnell, nói với tạp chí Newsweek (Mỹ) rằng ông Pistorius muốn Ukraine nhận thêm vũ khí từ Đức và Liên minh châu Âu (EU) nhưng lại vấp phải sự phản đối từ nội bộ chính phủ.

Mặc dù vào tháng 11, Đức cam kết gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev vào năm 2024, nhưng nước này vẫn bị chỉ trích vì từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus cho lực lượng Ukraine. Trong khi đó, Anh và Pháp đã cung cấp cho Kiev các loại vũ khí tầm xa.

Berlin cung cấp cho Ukraine pháo binh, xe tăng Leopard, hệ thống phòng không IRIS-T và Patriot, đạn dược, phương tiện, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác. 

Bộ trưởng Pistorius được đánh giá là đã "bảo vệ thành công kỉ lục" của nước Đức với danh xưng là quốc gia ủng hộ lực lượng Kiev lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

"Chúng tôi cung cấp (cho Ukraine) những gì có thể. Nhưng Đức không phải là đồng minh của Ukraine," ông Pistorius nói với đài truyền hình ZDG. 

Vào tháng 7, NATO cho biết, Ukraine có thể gia nhập liên minh do Đức là thành viên chủ chốt, mặc dù chưa nêu rõ thời điểm.

Từ bỏ khí đốt Nga, ủng hộ Ukraine núi vũ khí đồ sộ: Đức bất ngờ tuyên bố phũ phàng với Kiev - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ảnh: Getty

Vấn đề về tiến độ cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ông Pistorius cho hay: "Chúng tôi hiện gặp phải vấn đề là ngành công nghiệp vũ khí không thể cung cấp cho một số khu vực với tốc độ nhanh chóng như khu vực đó mong muốn. Đồng thời, ngành công nghiệp quốc phòng cũng đang tăng cường năng lực bằng bất cứ cơ hội nào có thể."

Ông Pistorius đưa ra ví dụ rằng, riêng việc khởi động lại quá trình sản xuất đạn dược cho xe tăng Leopard cũng phải mất tới 6 tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng chỉ trích cam kết của EU đưa ra năm ngoái về việc tăng sản lượng đạn pháo 155mm lên một triệu viên vào mùa xuân. Điều này "làm dấy lên những hy vọng (cho Ukraine) những sau đó lại không thể thực hiện được."

Tạp chí Newsweek nhấn mạnh lo ngại rằng khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kéo dài, các đồng minh của Ukraine sẽ cản trở việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, mặc dù ông Pirstorius bác bỏ cáo buộc rằng phương Tây không muốn chứng khiến Ukraine chiến thắng toàn vẹn trên chiến trường.

Ông Pistorius nói: "Chúng ta nên lo sợ nếu Nga giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự này, bởi điều đó có nghĩa là Đức sẽ phải đối mặt với tình hình an ninh hoàn toàn mới."

Chuyên gia O'Donnell đánh giá: "Vấn đề cơ bản là ở EU, các nước đều cung cấp vũ khí đã cũ cho Ukraine và loại vũ khí này cũng gần hết. Nếu họ muốn sản xuất vũ khí với tốc độ nhanh hơn thì cũng phải mất tới vài năm."

Từ bỏ khí đốt Nga, ủng hộ Ukraine núi vũ khí đồ sộ: Đức bất ngờ tuyên bố phũ phàng với Kiev - Ảnh 3.

Binh sĩ Ukraine vận hành pháo phòng không tự hành do Đức cung cấp ngày 23/11/2023. Ảnh: Getty

Tích cực trong các biện pháp trừng phạt Nga

Bên cạnh việc gửi tới Ukraine lượng vũ khí khổng lồ, Đức là một trong số những quốc gia tích cực trong các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nổi bật nhất là trong lĩnh vực khí đốt. 

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu - phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng của Moscow. Ngay cả cơ sở hạ tầng của Đức cũng được xây dựng để phục vụ cho sự phụ thuộc này.

Tuy nhiên, chỉ tới cuối năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố rằng Đức thoát phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, trong bối cảnh tiếp tục tìm cách giảm lượng tiêu thụ khí đốt nhiều hơn nữa.

Hồi tháng 10/2023, chính trị gia Steffen Kotre của Đức tiết lộ, Berlin tốn kém hơn 3-4 lần vì quay lưng với khí đốt Nga, và việc giá khí đốt cao đang ảnh hưởng tới các công ty và khách hàng tư nhân, dẫn tới quá trình phi công nghiệp hóa của Đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại