“Tôi vừa có một cuộc điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu để thảo luận về khả năng xây dựng hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Israel. Điều đó sẽ giúp gắn kết liên minh vĩ đại giữa hai nước”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.
“Tôi mong muốn được tiếp tục thảo luận về vấn đề đó khi gặp ông Netanyahu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cuối tháng 9, sau cuộc bầu cử tại Israel.”
Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Trump, ông Netanyahu nhiệt tình tán thành ý tưởng phát triển liên minh Washington - Tel Aviv, đồng thời gọi người đồng cấp Mỹ là “bạn” 2 lần chỉ trong một dòng trạng thái Twitter.
Trên thực tế, việc thành lập liên minh phòng thủ giữa Mỹ và Israel không phải là một bước tiến lớn, vì các thoả thuận hiện có giữa 2 nước đã quy định Washington phải bảo vệ Tel Aviv trong trường hợp có chiến tranh, cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof nhận định. “Dù vậy, thoả thuận này có thể làm gia tăng khả năng Mỹ bị lừa tham gia vào một cuộc xung đột không mong muốn.”
“Theo một khía cạnh nào đó, hiệp ước sẽ buộc Mỹ phải cam kết bảo vệ Israel. Ngay cả khi Israel chủ động quyết định tấn công, ví dụ Iran, thì chúng tôi cũng sẽ phải hỗ trợ họ. Mỹ sẽ phải lập tức yểm trợ Israel nếu quốc gia này bị tấn công.”
Theo Maloof, thông tin về kế hoạch thành lập hiệp ước phòng thủ chung được ông Trump đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử ở Israel.
Đây rõ ràng không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Maloof lưu ý, vì nó cho thấy ông Trump đang ngầm khẳng định Mỹ muốn ông Netanyahu tái đắc cử.
Sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ có ích, vì khả năng chiến thắng của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử được đánh giá là không cao.
Hiện, sự ủng hộ dành cho đảng Likud của ông Netanyahu gần như ngang bằng với đối thủ chính là đảng Xanh-Trắng do Benny Gantz dẫn đầu.
Quan hệ giữa Washington và Tel Aviv được đánh giá là khá nồng ấm, thậm chí còn thân thiết hơn dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên hai nước không có liên minh quân sự chính thức.
Năm 2017, Mỹ đã thành lập căn cứ quân sự thường trực đầu tiên - một cơ sở phòng không - tại Israel.
Nếu hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được thành lập, đây sẽ là thỏa thuận phòng thủ đầu tiên của Washington trong nhiều thập kỷ.
Mỹ hiện có thỏa thuận thường trực tương tự với Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Philippines.
Thoả thuận gần đây nhất được ký kết là với Nhật Bản, vào năm 1960. Từ đó đến nay, Mỹ thường chọn cách kéo các quốc gia vào NATO thay vì thành lập các thỏa thuận phòng thù song phương.