Nữ binh sĩ quân đội Indonesia. Ảnh: ABC News
Tờ RT hôm 11/8 đưa tin, ông Andika Perkasa, Tham mưu trưởng quân đội Indonesia, xác nhận rằng các lực lượng vũ trang thuộc quân đội nước này sẽ không còn quy trình "kiểm tra trinh tiết" với các nữ tân binh sau khi vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng quy trình này là không có giá trị khoa học.
"Không còn chuyện đó trong quân đội Indonesia", ông Perkasa tuyên bố, nhắc đến quy trình "kiểm tra trinh tiết”.
Để giải quyết những lo ngại của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), ông Perkasa tuyên bố thêm rằng, quá trình tuyển chọn của quân đội trong tương lai sẽ đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.
Trước đó, quân đội Indonesia nêu lý do của việc "kiểm tra trinh tiết" là cần thiết để xác định đạo đức của các nữ tân binh dù Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố "kiểm tra trinh tiết" không có giá trị khoa học.
Quy trình "kiểm tra trinh tiết" đã được loại bỏ khỏi quân đội Indonesia nhưng hải quân nước này vẫn duy trì việc kiểm tra thai kỳ với các nữ tân binh.
Phát ngôn viên Không quân Indonesia, Indan Gilang, cũng cho biết, không có việc "kiểm tra trinh tiết" trong lực lượng Không quân mà chỉ có việc kiểm tra thai kỳ để phát hiện u nang hoặc các biến chứng y tế tiềm ẩn.
Tuyên bố mới của Tham mưu trưởng quân đội Indonesia nhận được sự khen ngợi của các tổ chức ủng hộ quyền con người.
Andreas Harsono, nhà nghiên cứu thuộc HRW ở Indonesia, nói rằng "đó là điều đúng đắn cần làm" vì "kiểm tra trinh tiết" là phương pháp "phân biệt đối xử và gây tổn thương tinh thần".
Andy Yentriyani, người đứng đầu Ủy ban quốc gia Indonesia về bạo lực với phụ nữ, cho biết: "Không cần thiết phải có các hình thức kiểm tra như vậy".
Ở Indonesia, quy trình "kiểm tra trinh tiết" còn được gọi là “kiểm tra bằng hai ngón tay”. Các bác sĩ sẽ dùng hai ngón tay để xem màng trinh của người phụ nữ có còn nguyên vẹn hay không. Nếu không phải trinh nữ, các cô gái sẽ bị từ chối gia nhập quân đội.