Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc cuối tuần cũng không thể tìm lời giải cho khủng hoảng tại Iran. Bởi làn sóng biểu tình lần này có bản chất khác biệt và phức tạp hơn nhiều so với những phong trào biểu tình từng diễn ra tại Iran, phản ánh nghịch lý lớn trong vấn đề làm an lòng dân và giữ vững quyền tự quyết dân tộc.
Hoàn toàn không giống với làn sóng biểu tình năm 2009 phản đối chiến thắng của cựu Tổng thống Ahmadinejad – khi đó bị cáo buộc là có gian lận; hay cuộc biểu tình của các sinh viên năm 1999, hay các cuộc đình công biểu tình những năm gần đây của công nhân trong ngành giao thông, sản xuất đường hay công nghiệp ô tô….
Làn sóng biểu tình lần này ở Iran dường như hoàn toàn tự phát, không có một “thủ lĩnh” nào, nhưng lại có quy mô rộng lớn bao phủ toàn quốc, với sự tham gia của hầu hết các tầng lớp nhân dân. Đó vừa là cái may nhưng phần rủi lại lớn hơn rất nhiều đối với chính quyền Iran.
Rủi vì làn sóng biểu tình phản ánh sự phẫn nộ của tất cả các đối tượng dân chúng, đặc biệt là giới trẻ trước những chính sách khắc khổ kéo dài, khiến lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tương lai đối với thế hệ trẻ rất mịt mù.
Đây cũng được xem là cái giá phải trả đối với chính quyền của Tổng thống Rohani khi không giữ lời hứa về cải thiện tình hình kinh tế mà ông đã đưa ra trong tranh cử năm 2013 cũng như khi thuyết phục người dân lạc quan đón nhận Thỏa thuận hạt nhân P5 +1 ký với phương Tây năm 2015.
Nhìn một cách khách quan, chính sách điều hành kinh tế của ông Rohani không phải là không tạo được những chuyển biến đột phá: lần đầu tiên sau 1/4 thế kỷ, lạm phát đã giảm xuống một con số vào tháng 6/2016; nền kinh tế Iran được Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán có thể đạt tăng trưởng 4,2% trong năm nay.
Tuy nhiên, bản chất chính sách thắt lưng buộc bụng kéo dài với việc tăng giá cả hàng hóa, tăng giá nhiên liệu và nạn tham nhũng khiến dân nghèo càng khốn khổ hơn và không được hưởng lợi từ những thành quả của nền kinh tế.
Làm an lòng dân vì thế là giải pháp cấp bách nhất mà chính quyền Iran cần phải làm lúc này. Đó là phải có những chính sách cụ thể để tầng lớp dân nghèo, đặc biệt thành phần giới trẻ chiếm tới 60% dân số Iran, có niềm tin vào chính quyền. Sự bất bình của không ít người dân Iran trước việc chính phủ chi nhiều tiền cho các chiến lược can dự bên ngoài như ở Iraq, ở Syria hay Lebanon mà sao nhãng đời sống thường nhật của nhân dân, âu cũng là chính đáng.
Rủi vì phe đối lập đã tận dụng tốt tâm lý bất mãn của người dân để chĩa mũi dùi chỉ trích vào chính phủ cầm quyền. Đấu đá chính trị nội bộ chưa có hồi kết giữa các phe phái càng làm xói mòn niềm tin của người dân vào Chính phủ.
Thông tin bắt và quản thúc tại gia đối với cựu Tổng thống Admadinejad càng cho thấy tính phức tạp của cuộc đấu đá nội bộ tại Iran, nhưng lại phần nào bộc lộ về vai trò của Đại giáo chủ Khamenei – người được cho là “đứng trên” trong cuộc xung đột – và ủng hộ việc bắt giữ này.
Trước đó, cả hai phe nhóm đều tìm cách gây ảnh hưởng đến ông Khamenei, và giới phân tích cho rằng Đại giáo chủ vẫn nên đứng về phía chính quyền trong nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế đất nước.
Cái rủi lớn nữa đối với chính quyền Iran là sự đe dọa của các thế lực bên ngoài đối với quyền tự quyết dân tộc. Trong khi Mỹ tuyên bố tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng “toàn thế giới nhìn vào Iran”, thì phía Nga lại cho rằng Teheran có quyền được tự xử lý vấn đề nội bộ của mình. Chuyên gia phân tích chính trị tại Chicago Stephen Lendmand khẳng định các cơ quan tình báo Mỹ và Israel đã dàn xếp một phần các cuộc biểu tình ở Iran.
Tuyên bố trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông ủng hộ những người biểu tình ở Iran cũng bị bóc mẽ là “giả dối”. Bởi nếu ông Trump “thực tâm”, thì việc đầu tiên ông phải làm vào giảm nhẹ chính sách cấm vận kéo dài của Mỹ - vốn góp phần tạo nên sự cùng cực của nhân dân Iran.
Ngược lại, chính quyền Trump liên tục siết chặt chính sách thù địch từ việc phủ nhận mọi bằng chứng cho thấy Iran tôn trọng Thỏa thuận với phương Tây; hay công khai ủng hộ Saudi Arabia trong mâu thuẫn với Tehran…
Rõ ràng bài toán lúc này đối với chính quyền Iran là phải chấm dứt hoàn toàn việc trấn áp biểu tình bằng vũ lực, lắng nghe và đáp ứng lòng dân, cũng như mạnh mẽ bảo vệ quyền tự quyết dân tộc trước sự can thiệp của các thế lực thù địch bên ngoài./.