Quyền lực Zlatan (kỳ 2): Bản lĩnh đó, do chính sự ngạo mạn mà nên

Đỗ Hiếu |

Được xây dựng từ năm 1967 đến 1972, những dãy nhà cao lớn xám xịt làm nên Rosengard ngày nay, là thành quả của “chương trình một triệu”.

Đây là dự án xây dựng một triệu căn hộ cho Thụy Điển trong 10 năm - dù dân số quốc gia lúc đó chỉ khoảng 8 triệu người.

Thành phố Malmo có truyền thống về công nghiệp nặng và đóng tàu, nhưng trong những năm 1970, cơn đại suy thoái của Thụy Điển khiến các ngành này sa sút. Dân số Malmo giảm. Cần lao Thụy Điển rời khỏi những căn hộ ở Rosengard, nhường chỗ cho dân nhập cư và người vô gia cư.

Khi Ibrahimovic sinh trưởng trong những năm 1980 và đầu 1990, Rosengard, như anh viết trong tự truyện "tràn ngập người Somali, Thổ, Nam Tư, Ba Lan và đủ các loại nhập cư". Khoảng năm 2007, 86% dân số Rosengard có bố hoặc mẹ sinh ra tại nước ngoài, hoặc cả bố lẫn mẹ sinh ra ở nước ngoài.

Dân nhập cư không thể làm người hùng Thụy Điển

Zlatan là con của người mẹ Croatia và cha gốc Bosnia. Bên cạnh tình trạng nhập cư, Rosengard đã và đang là nơi nương náu của tội phạm và người thất nghiệp. Ở Rosengard, nhiều người Scandinavia chứng kiến những câu chuyện kinh hoàng, từ cách đối xử của người Thụy Điển theo chủ nghĩa tự do với dân nhập cư.

Quyền lực Zlatan (kỳ 2): Bản lĩnh đó, do chính sự ngạo mạn mà nên - Ảnh 1.

Khi chủ đề nhập cư được đưa ra bàn luận công khai ở Thụy Điển, Na Uy hay Đan Mạch, Rosengard được nêu ra như một nơi phải tránh xa bằng mọi giá.

Torbjorn Andersson, giảng viên kì cựu của Đại học Malmo, người đã viết luận án tiến sĩ về chủ đề lịch sử văn hóa của bóng đá Thụy Điển. Ông sống ở khu vực Malmo từ năm 1989.

"Luôn tồn tại những vấn đề ở Malmo, bắn giết hoặc những thứ đại loại vậy, nhưng người địa phương vẫn yêu thành phố. Người bản địa chứng kiến những chuyện như thế đã quen, trong khi người ngoài lại sợ Malmo. Hình ảnh Malmo trong mắt họ là miền Tây hoang dã", ông nói..

Nếu Malmo là "miền Tây hoang dã" thì Rosengard là đâu đó giao thoa giữa các khu ổ chuột và vùng chiến sự. Có giai đoạn, dịch vụ cấp cứu ở đây từ chối phục vụ theo yêu cầu của người dân, nếu không có cảnh sát hộ tống.

Vì thế, khi truyền thông dán cái nhãn Rosengard lên trán Ibrahimovic, nó mang đến nhiều hệ lụy. Anh không chỉ là đứa trẻ bướng bỉnh lớn lên gần những gã hàng xóm tồi, anh còn là thằng nhóc gốc nước ngoài với cái tên ngoại quốc, đến từ nơi bị người Thụy Điển coi là biểu tượng sai lầm của chính sách nhập cư.

"Ai có gốc dân nhập cư sẽ yêu Ibra. Thế hệ trẻ Thụy Điển yêu anh ấy. Nhưng người già ở đất nước này không cho anh sự ấm áp. Họ cho rằng Ibra không đại diện cho truyền thống thể thao lý tưởng Thụy Điển, khi mà ở vùng Scandinavia, bạn phải khiêm tốn, phải tuân theo Luật Jante, và những thứ như vậy", Andersson nhận xét.

Một số người thậm chí đi xa hơn, cho rằng Ibra không phải người Thụy Điển. Đảng Dân chủ Thụy Điển, với chính sách chống nhập cư, với những đảng viên nhân dân cánh hữu cho rằng Zlatan không thuộc về Thụy Điển.

Quyền lực Zlatan (kỳ 2): Bản lĩnh đó, do chính sự ngạo mạn mà nên - Ảnh 2.

Tình yêu của Zlatan Ibrahimovic với màu áo Thụy Điển là bất diệt và vô điều kiện.

Năm 2007, một trong những lãnh đạo của đảng này, Mattias Karrlsson, trả lời kênh phát thanh Sveriges: "Ibra có nhiều hành động không đúng chất Thụy Điển. Hành động và lời nói của anh ta không ra dáng dân Thụy Điển".

Andersson nghĩ khác: "Ban đầu, họ chỉ trích Ibra nặng nề vì thiếu chất Thụy Điển. Nhưng tôi cho rằng nhiều người đang hiểu lầm anh ấy, Ibra rõ ràng là người Malmo. Có quá nhiều nhà đạo đức không thấy chân dung Malmo ở Ibra, thật ra anh ta sống kín đáo và phải phép".

"Người Gothenburg hòa đồng, tốt bụng. Người Stockholm hơi kiêu ngạo. Người Malmo chân chất, bình dân, cứng cỏi, giống Zlatan. Anh ấy quê kệch chứ không màu mè, thẳng thắn và bộc trực. Anh ấy yêu Malmo cực kì nhiều, luôn nói tốt về Malmo".

Andersson cho rằng Ibra khác biệt với những cầu thủ Thụy Điển khác. Anh rất nghiêm túc với bóng đá, không bao giờ nhậu nhẹt như đồng nghiệp cùng quốc tịch. Anh vênh váo trên sân nhưng lại chuyên nghiệp ngoài sân. Do vậy, Ibra không lạc lõng mà trái lại, có phẩm chất của những VĐV trượt tuyết giỏi nhất Thụy Điển.

Bất chấp tất cả, Ibra được một nửa thế giới yêu thương

Người ta cứ xầm xì về Ibra nhưng anh rất yêu nơi mình sinh ra. Tháng 6/2015, Ibra về thăm Rosengard với tư cách cầu thủ nhận lương 200 triệu konor một năm (đơn vị tiền tệ của Thụy Điển, tương đương gần 21 triệu euro) khi đang đá cho PSG. Ibra thể hiện tình yêu bất tử với quê hương mình.

"Bạn có thể đưa một thằng bé ra khỏi Rosengard nhưng sẽ không thể đưa Rosengard ra khỏi trái tim nó", anh nói.

Rosengard có những sân bóng mini tên là Zlatan (Zlatan court). Khi Ibra đăng hình chụp tại sân này lên Instagram, nhiều fan Italy bình luận: "Zlatan, làm ơn hãy trở về nước Ý".

Quyền lực Zlatan (kỳ 2): Bản lĩnh đó, do chính sự ngạo mạn mà nên - Ảnh 3.

Ibra sau đó, như chúng ta đã biết, tới Manchester United. Nhưng điều ta thấy ở đây là bất chấp lời ong tiếng ve, Ibra vẫn được một nửa thế giới yêu mến.

Một nửa thế giới tìm thấy vẻ đẹp ở cái bản mặt luôn ngẩng cao kiêu ngạo. Một nửa thế giới không dị ứng với gốc gác Rosengard của anh, tin rằng Ibra không phải một kẻ "ăn trộm xe hơi" (dù hồi nhỏ, anh ăn trộm… xe đạp)

"Vùng đất chết" Rosengard đã không vùi lấp Ibra xuống nấm mồ nghèo đói. Ngược lại, nó trở thành một hàng rào mà sau khi vượt qua, Ibra vươn cao hơn mãi, bỏ lại sau lưng cảnh khốn cùng và những tiếng than…

Bản lĩnh đó, do chính sự ngạo mạn mà nên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại