"Cảm ơn ba" là câu nói được Trần Uyên Phương lặp lại 2 lần trong ngày ra mắt cuốn sách Vượt lên trên người khổng lồ, tổ chức ở Hà Nội cách đây ít lâu. Phương nói rằng cha cô là người tuyệt vời vì ông đã luôn hỗ trợ, là người giúp cô toả sáng.
Nhưng để trở thành một người đứng đầu gia tộc mạnh mẽ như ngày hôm nay cũng như nguồn cảm hứng cho thế hệ F2, ông chủ của Tân Hiệp Phát cũng có một người trợ thủ đắc lực, người đã hứa sẽ là cánh tay phải của ông kể từ khi bắt đầu.
Bà Phạm Thị Nụ - vợ ông Thanh, chính là người đàn bà đứng sau thành công của Tập đoàn.
Thông tin về bà Phạm Thị Nụ rất hiếm hoi trên truyền thông. Bà chỉ thực sự xuất hiện chân thực, rõ nét trong cuốn sách Chuyện nhà Dr Thanh do Trần Uyên Phương, con gái bà thuật lại. Cũng chính trong mạch kể về gia đình, không ít lần Phương thắc mắc, bất bình thay bà về cha của mình, ông Trần Quí Thanh.
“Suốt đời ba dường như chỉ quan tâm đến gia đình lớn, riêng gia đình nhỏ của chúng tôi, ba nhường hết cho má”, Trần Uyên Phương viết.
Cô nhận xét rằng má cô là một sự điển hình của những người đàn bà Á đông dịu dàng, một mực chiều theo những ý muốn của chồng. Sự nhẫn nhịn, chịu đựng của bà Nụ được Phương mô tả là phi thường.
"Tôi từng dằn dỗi, vặn vẹo má, tại sao không chịu phản kháng ba. Những lúc như vậy má chỉ cố cười tươi, thì biết làm sao, ba đúng hết mà”, Phương cho biết.
Trong những trang thuật lại chuyện gia đình, cô tiết lộ đã từng đề xuất má li dị bởi dưới góc nhìn của mình, cô thấy bà quá khổ. Phương quan niệm một người phụ nữ đẹp, điệu, tài năng như má mình, phải được hạnh phúc. Và cha cô không làm được điều đó.
Nhưng rồi chính Phương, trong hành trình tìm hiểu về gia đình mình đã nhận ra hình ảnh của một bà Nụ cúi đầu cam chịu, chiều chồng thực tế không phản ánh chính xác má mình.
Biểu hiện đó chỉ có nghĩa là bà có một tình yêu lớn với gia đình. Đó là sự lựa chọn, là tâm niệm sống của bà.
Bà Nụ đã có bài học giữ gìn hạnh phúc từ những biến cố của ba má chồng. Ông bà nội của Uyên Phương li dị khi chưa đầy chục năm sinh sống bởi hai người đều có cá tính cương liệt, đều muốn tạo lập cơ nghiệp riêng.
Ông Thanh hưởng những tính nết đó từ cha, và thậm chí cả má mình. Bài học nhãn tiền và sự thấu hiểu chồng, bà đã chọn cách lùi lại để cả hai được đi cùng nhau trọn đời.
Thế nhưng, dù chấp nhận lùi lại phía sau, bà Nụ vẫn là một trong những nhân vật trọng yếu của Tân Hiệp Phát. Nhiều thứ Tập đoàn có được là do sự quyết liệt lèo lái của má, Phương cho biết và gọi bà là “người đàn bà thép”.
Trong lời kể của Phương, chưa bao giờ bà Nụ than phiền, trách móc cha cô, kể cả những thời điểm sự nghiệp kinh doanh của ông có thể tan thành mây khói.
Ông Thanh và bà Nụ kết hôn năm 1979. Ngay sau tuần trăng mật, đôi vợ chồng trẻ đã gặp phải tình thế khó khăn. Vì tin người, ông nội của Phương đã giao toàn bộ gia sản cho người con nuôi.
Ông chỉ “chừa lại” cho con trai và con dâu 1 cái giường, 1 cái đi văng cũ, 2 cái chén và 2 đôi đũa. Mọi tài sản bị chở từ Nơ Trang Long đi Phú Nhuận.
Trước ngôi nhà tan hoang, ông Thanh như chết trân. Vậy mà cô dâu mới nhìn mọi thứ thật nhẹ nhàng và rồi bảo với chồng bớt giận. Vật dụng để lại nhà, bà cho là đủ, không sợ đói. “Em tin anh sẽ làm ra tất cả”, bà nói.
Lần thứ hai là khoảng năm 2014, khi Tân Hiệp Phát bị mất cả nghin tỷ do đại án Phạm Công Danh, bà cũng chỉ nói: “Ba đừng buồn, mình sẽ làm lại”. Bà luôn giữ đúng lời hứa từ đầu cuộc đồng hành.
Uyên Phương nhận xét ông Thanh là người giỏi trong việc điều hành doanh nghiệp, dùng người hay nghiên cứu tâm huyết. Nhưng khi sản phẩm thành hình, đó là công việc của bà Nụ. Bà là người bán hàng kỳ cựu suốt từ thời ông bà còn tay trắng với những lần tự mình thồ hàng.
Bà Nụ cũng luôn có những chính sách ưu đãi đặc biệt, chăm sóc khách hàng bằng những món quà từ trái tim. Đến tận bây giờ, Phương cho biết bà Nụ vẫn làm hàng nghìn lọ mắm dịp Tết để tặng cho công nhân.
Nhân viên Tân Hiệp Phát vì thế coi bà là người chị, người cô tinh thần và thường gọi trìu mến là “chị Nụ”.
Đối với khách hàng, bà Nụ cũng có giao hẹn của riêng mình. Đó là sản phẩm gì làm ra cũng là con cái mình dùng đầu tiên, tiếp đến là người thân rồi mới là xã hội. Vì vậy, bà nhấn mạnh mọi thứ buộc phải cẩn thận và được thực hiện từ cái tâm chân thật của mình.
Những giá trị mềm này, Phương nhận xét là chỉ có những người phụ nữ tinh tế, giàu tình thương mới để ý đến, còn đàn ông, đa phần ít để tâm.
Năm 2014 có thể xem là một năm đầy biến cố của gia đình Dr Thanh. Đó là năm Tập đoàn này tất bật khánh thành nhà máy Number One Hà Nam và chuẩn bị khởi công nhà máy Number One Chu Lai.
Tuy nhiên, vì những rắc rối liên quan đến Ngân hàng Xây dựng trong việc xử lý số tiền gửi của Tập đoàn, Bích, con gái thứ hai của ông Thanh buộc phải gửi đơn khiếu nại. Ngân hàng Xây dựng về sau cũng bị khởi tố.
Sự cố khiến cho nguồn tiền, dòng tiền mặt của Tân Hiệp Phát bị khủng hoảng. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đối diện với nhiều tin đồn, khủng hoảng truyền thông. Hoạ vô đơn chí, bà Nụ bị bệnh nặng.
Nhớ lại, Phương kể rằng lúc nguồn vốn xây nhà máy có vấn đề cô cũng không thấy ông Thanh lo lắng nhiều bằng việc bà Nụ bị bệnh.
Chứng kiến sự suy sụp của cha, Phương mới vỡ lẽ ông rất thương vợ cho dù chưa bao giờ cô chứng kiến ông nói những lời ngọt ngào, bởi câu chuyện cứ 20 phút thì bà Nụ bị “la” 10 phút.
“Nếu má có chuyện gì, ba sẽ không còn động lực để tiếp tục chiến đấu”, Phương nhắc lại lời ông Thanh.
Áp lực đổ dồn trong cùng thời điểm nhưng Phương cho biết cha cô luôn đúng 17h30 là vào thăm vợ. Những tập hồ sơ, những cuộc họp được tổ chức ngay bên ngoài cánh cửa phòng bệnh để khi bước vào, là những lời lẽ hỏi han, dí dỏm cười đùa của cặp vợ chồng già.
Những bệnh tật của bà Nụ, bằng sự kiên cường của bà cũng như tình thương từ gia đình, dần đã lùi vào dĩ vãng. Trong những lần xuất hiện gần đây trước công chúng, luôn dễ dàng nhận thấy nụ cười mãn nguyện của bà, cùng chồng và các con.