Mới đây, thông tin về việc lô xe công được bán với giá chỉ 390 đồng đã khiến dư luận dậy sóng.
Theo thông tin này, 264 xe công do các các bộ ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý trong 6 tháng đầu năm có nguyên giá khoảng 79,68 tỷ đồng nhưng giá trị còn lại của lô xe chỉ được xác định là 390 triệu đồng (trung bình 1,4 triệu đồng/xe).
Thực tế, con số 390 triệu đồng không phải là giá trị bán cuối cùng của số xe này. Giá bán cuối cùng của xe chỉ được xác định dựa trên giá trị còn lại (trong trường hợp này là 390 triệu đồng), mức định giá của cơ quan định giá (ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền) và giá đấu (nếu thực hiện theo hình thức bán đấu giá).
Theo quy định về thanh lý công sản, xe công được phép thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định của chế độ hoặc đã sử dụng ít nhất 250.000 km mà không tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, trường hợp xe bị hư hỏng nhưng việc sửa chữa để tiếp tục sử dụng không hiệu quả, không đảm bảo an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng của nhà nước cũng sẽ được thanh lý.
Giá khởi điểm cho xe công được thanh lý sẽ do Hội đồng định giá (được thủ trưởng cơ quan, đơn vị có xe thanh lý thành lập) hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thực hiện. Giá này sẽ phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn, kỹ thuật, xuất xứ.
Theo quy định, xe ô tô có mức khấu hao là 10% mỗi năm, tức là sau 15 năm, giá trị của xe sẽ tiệm cận mức 0 đồng. Tuy nhiên, mức giá này vẫn phải được báo cáo đầy đủ trên các văn bản định giá.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị có xe thanh lý sau đó sẽ ký hợp đồng với Trung tâm đấu giá tài sản – Sở Tư pháp để bán đấu giá xe ô tô theo quy định hiện hành.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản, cơ quan, tổ chức đơn vị có xe thanh lý thực hiện hạch toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán và báo cáo kê khai biến động tài sản trong thời hạn 30 ngày.
Trong khi đó, để mua được những chiếc xe công vụ thanh lý, người mua phải tham gia đấu giá cho lô lớn hoặc lô lẻ xe. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán, người mua sẽ phải thực hiện rất nhiều quy định về thuế với chiếc xe biển xanh này.
Cụ thể, khách mua sẽ phải thực hiện thủ tục đổi biển số xe xanh sang trắng. Sau đó, khách phải nộp thêm thuế trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế này sẽ áp dụng với từng loại xe cụ thể, cũng như phụ thuộc vào thời gian sử dụng. Trước đó, xe công vụ mua mới được miễn nộp loại thuế này.