Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ

Luân Dũng |

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 124 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Quy định nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Đối tượng kiểm điểm là tập thể các cấp uỷ, tổ chức đảng, cùng cá nhân là các đảng viên trong toàn Đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai

Về nơi kiểm điểm, cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản thực hiện kiểm điểm ở 2 nơi (ở chi bộ nơi sinh hoạt và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi làm việc); đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên tại chi bộ, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở nơi giữ chức vụ cao nhất.

Đối với những cán bộ giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở 2 nơi trên còn phải kiểm điểm thêm ở nơi khác theo quy định.

Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục.

Trong đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý sẽ tiến hành kiểm điểm việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện quy chế làm việc.

Cùng với đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; năng lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình;

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân.

“Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình”

Đối với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài các quy định chung, còn phải kiểm điểm kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện chức trách, nhiệm vụ; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; khả năng quy tụ, xây dựng đoàn kết nội bộ.

Cùng với đó là trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ.

Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên cũng nằm trong nội dung kiểm điểm.

Ngoài những nội dung trên, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cá nhân phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm; để xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp, dư luận quan tâm, có đơn, thư khiếu nại, tố cáo…

Quy định này thay thế Quy định số 132, ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại