Hà Nội tái ô nhiễm về tối
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong thời kỳ chất lượng không khí tốt nhất năm nhưng suốt một tuần qua, ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng vào buổi tối.
Tại Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu, ô nhiễm không khí xảy ra theo chu kỳ mùa, trong đó mùa đông từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời kỳ ô nhiễm nhất do điều kiện khí tượng thường xuyên xảy nghịch nhiệt. Khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 8 là thời kỳ chất lượng không khí tốt nhất năm.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, chất lượng không khí Hà Nội có sự biến thiên rất mạnh trong ngày. Nếu như ban ngày chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình thì tối đến đêm, chất lượng không khí đột ngột chuyển sang kém, xấu.
Riêng vào tối 6/6, chất lượng không khí lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Cá biệt xuất hiện nhiều điểm đo lên ngưỡng nâu (nguy hiểm đến sức khỏe mọi người) như điểm đo tại Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội), điểm đo tại trường tiểu học Hoa Sen (Ba Đình).
Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, tối thứ Bảy vừa qua (6/6) là buổi tối ô nhiễm không khí nhất từ đầu năm.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này liên quan việc đốt rơm rạ ở vùng ven đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, có sự cộng hưởng bởi việc đốt vàng mã ngày rằm và hiện tượng sương mù quang hóa.
Sẽ cấm đốt rơm rạ, ban bố tình trạng khẩn cấp
Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất lượng Môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, ô nhiễm không khí là vấn đề nóng trong thời gian qua, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư.
Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này (đã trình Quốc hội, dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ X vào cuối năm nay) ban hành hàng loạt các giải pháp hạn chế tác động về ô nhiễm không khí.
Đáng lưu ý là việc xây dựng khung hành lang pháp lý ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ông Lê Hoài Nam cho biết, dự thảo luật sẽ đưa ra một số nguyên tắc cơ bản về ban bố tình trạng khẩn cấp, dự kiến có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc ban bố tình trạng khẩn cấp thông qua một nghị định.
Tuy nhiên, kinh nghiệm mốt số nước như Trung Quốc, Thái Lan cho thấy, trường hợp ô nhiễm lên ngưỡng rất xấu và nguy hại có thể ban bố tình trạng khẩn cấp.
Một số biện pháp có thể triển khai như yêu cầu cơ sở sản xuất công nghiệp giảm công suất sản xuất, cấm một số loại phương tiện giao thông trong nội đô, yêu cầu các công trình xây dựng phun nước. Điều chỉnh thời gian làm việc, đến trường của học sinh, người dân.
Về thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh có thể ban bố tình trạng khẩn cấp nếu ô nhiễm xảy ra tại địa bàn tỉnh. Thủ tướng sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu ô nhiễm xảy ra liên tỉnh, liên vùng.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, cơ quan làm luật sẽ nghiên cứu các điều kiện cụ thể để ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có 2 tình huống phổ biến, một là khi xảy ra sự cố môi trường, hai là khi chất lượng không khí trở nên rất xấu.
Về vấn đề đốt rơm rạ, ông Lê Hoài Nam cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường quy định rơm rạ phải tái chế, sản xuất phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng người dân, cấm đốt phụ phẩm nông nghiệp.
PGS.TS Hoàng Thu Hương, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc đốt rơm rạ cho thấy, bà con đang thiếu giải pháp để giải quyết.
Căn cứ trên quy định mới của Luật về vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, sẽ có chính sách khuyến khích các nghiên cứu về xử lý rơm rạ cũng như chính sách hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này.
Các chuyên gia khuyến cáo, những ngày này, người dân nên cập nhật thường xuyên chất lượng không khí buổi tối.
Trường hợp ô nhiễm lên ngưỡng đỏ trở lên, người dân nên đóng cửa, hạn chế tối đa việc ra ngoài nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Trường hợp phải ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5.