Một cựu giám đốc quản lý hãng hàng không kiêm nhà văn vừa ra tuyên bố rằng Mỹ đã bắn hạ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines vì sợ rằng nó đã bị không tặc chiếm quyền kiểm soát và sẽ được sử dụng trong một vụ tấn công khủng bố kiểu 11/9.
Marc Dugain, cựu Giám đốc điều hành hãng Proteus Airlines hiện đã ngừng hoạt động, nói rằng chiếc Boeing 777 đã bị bắn hạ gần một căn cứ Mỹ đóng trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, sau khi nó bị chiếm quyền kiểm soát.
Theo lời Dugain, một ngư dân trên một hòn đảo nhỏ đã phát hiện một chiếc máy bay "to lớn" mang các màu sắc đặc trưng của hãng Malaysia Airlines trong ngày 8/3.
Ông cũng cho biết dân đảo đã tìm thấy một chiếc bình cứu hỏa rỗng rơi ra từ máy bay tại vùng nước gần đảo Baarah Island.
Theo lời Dugain, ông đã bị một nguồn tin tình báo đe dọa không điều tra vụ MH370 nữa. Người này đã nói với ông về các "rủi ro" mà ông có thể đối mặt và khuyên ông "để thời gian làm việc của nó."
Tuần trước, gia đình các nạn nhân người Trung Quốc đi trên MH370 đã biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, cáo buộc chính quyền đã không thường xuyên cập nhật thông tin cho họ về chiếc máy bay.
Khoảng 30 người, phần lớn là người già, đã đứng ở cổng Bộ trong điều kiện thời tiết lạnh giá và đã bị cảnh sát ngăn cản.
Họ yêu cầu được nói chuyện với giới chức chính quyền để có thêm thông tin về hoạt động tìm kiếm chiếc MH370. Cảnh sát đã xô đẩy những người biểu tình tìm cách đi vào cổng và còn yêu cầu những người hiếu kỳ lập tức rời khỏi hiện trường.
"Con tôi còn sống và tôi muốn biết chính quyền đang làm gì để tìm nó" - Liu Dianyun, mẹ của một hành khách trên MH370, cất lời.
Một số người đã phải đi ôtô suốt 2 giờ đồng hồ để tham dự cuộc biểu tình, bất chấp việc biết rằng nỗ lực của họ sẽ khó mang lại kết quả.
Các hành khách Trung Quốc chiếm 2/3 trong số 239 người đi trên chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 bị mất tích trong ngày 8/3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Australia hiện đang dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay, được cho là đã rơi xuống phía Nam Ấn Độ Dương./