Can dự vào cuộc khủng hoảng Syria, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan “đã kịp” tạo ra một loạt vấn đề cho Thổ Nhĩ Kỳ: các thành phố bị tấn công khủng bố, tình hình bất ổn ở khu vực biên giới với Syria, các liên minh không chấp thuận các đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ…
Việc giải quyết các vấn đề bất ổn này là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với ông Erdogan.
Nhận định trên do tạp chí Washington Post của Mỹ đưa ra.
Theo Washington Post, 4 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để là người hưởng lợi chính từ các cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” nổ ra ở một loạt quốc gia trong khu vực.
Người Mỹ đặt nhiều hy vọng vào Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia trong khu vực này cũng đã coi Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc hàng đầu khu vực.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng khi bối cảnh địa chính trị và tình hình Syria có nhiều chuyển biến đáng kể. Hiện Nga đang mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và cả ở Armenia.
Các phần tử khủng bố đến từ Syria đang tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn suy thoái và mâu thuẫn với cộng đồng người Kurd sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ đang lên đến đỉnh điểm.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều thảm họa.
Thổ Nhĩ Kỳ đã từng phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng những gì đang xảy ra vượt quá khả năng có thể giải quyết của nước này”- Washington Post trích dẫn lời của Giáo sư Gokhan Batsika thuộc trường đại học quan hệ quốc tế Ipek (ở Ankara).
Ngoài ra, mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã không được đồng minh lớn nhất, quan trọng nhất là Mỹ ủng hộ kế hoạch chống lại các lực lượng của cộng đồng người Kurd.
Như vậy, theo giáo sư Soli Ozela thuộc trường đại học Kadir Has ở Stambul, Thổ Nhĩ Kỳ “đã bị cô lập hoàn toàn và sa lầy vào những sai lầm một phần do chính Thổ Nhĩ Kỳ gây ra”.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hỏng mối quan hệ của mình với tất cả các nước và hiện không thể thuyết phục bất cứ quốc gia nào làm một việc nào đó. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một quốc gia mà tiếng nói không có bất cứ trọng lượng nào.
Thổ Nhĩ Kỳ hứa nhưng lại không thực hiện lời hứa của mình. Họ không thể bảo vệ các lợi ích quan trọng nhất của mình và lại đang rơi vào tình trạng xung đột với tất cả các nước khác, thậm chí xung đột với cả đồng minh của mình.
Đối với một quốc gia mà cách đây không lâu vẫn được coi là cường quốc khu vực thì những gì đang diễn ra đúng là thảm họa”- giáo sư Soli Ozela bình luận.
Hiện nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục các giọng điệu đe dọa sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự ở Syria bất chấp việc không có bất cứ người dân cũng như giới chức quân sự nào ủng hộ trong vấn đề này.
Hơn nữa, ông Erdogan cũng không nhận được sự ủng hộ của Mỹ vì Mỹ luôn quan ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tận dụng sự ủng hộ này để thực hiện các hành động khiêu khích Nga.
Ngoài ra, Mỹ cũng không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các đòn không kích cộng đồng người Kurd ở Syria khi cộng đồng này đang chứng tỏ hiệu quả trong cuộc chiến chống lại lực lượng IS.
Mỹ đang "ngoảnh mặt" với Thổ Nhĩ Kỳ?
Như vậy, “Recep Tayyip Erdogan đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào hố sâu mà không có lối thoát”- Washington Post nhận định.
Bên cạnh đó, giới phân tích quốc tế, khi bình luận các động thái của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cũng bình luận rằng ông Erdogan đang quá ảo tưởng về sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế và không tính hết được ảnh hưởng của tất cả các nhân tố khác lên chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
“Erdogan không thể giải quyết được các nhiệm vụ đối ngoại vì tính tự cao, tự đại của mình.
Ông ấy quá tin tưởng vào bản thân mình và đây sẽ là đòn đau giáng vào Erdogan”- Washington Post trích dẫn lời của chuyên gia phân tích Henry Baker thuộc Trung tâm Wilson ở Washington.
Trong khi đó, theo Giáo sư Gokhan Batsika, không thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã “mất trí” và sẽ khơi mào cuộc chiến bằng mọi giá. Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy chính sách của Ankara “rất lạ lùng và có thể dẫn đến nhiều bất ngờ”.
“Những gì đang diễn ra ở Syria trở thành vấn đề mang tính chất sống còn đối với Tổng thống Erdogan nên không thể loại trừ bất cứ kịch bản nào.
Từ thời điểm này trở đi, sẽ không có bất cứ kịch bản nào tốt đẹp đối với Thổ Nhĩ Kỳ”- Giáo sư Gokhan Batsika kết luận.
Theo giới phân tích quốc tế, những nhận định của các học giả nêu trên là những cơ sở hết sức quan trọng để giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cân nhắc về khả năng tấn công quân sự trên bộ vào Syria.
Với những động thái cụ thể thời gian gần đây (Tổng thống Erdogan ngày 21/2 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có cơ sở để bảo vệ an ninh quốc gia của mình bằng các hành động quân sự bên ngoài lãnh thổ; Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/2 cũng đã trực tiếp đi thị sát tình hình khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ), thì khả năng Thổ Nhĩ Kỳ can dự quân sự trực tiếp vào Syria khó có thể được loại trừ.