Washington mơ về cuộc cách mạng Nga với con bài Khordokovsky

Thua Nga hiệp 1 trong ván bài Ukraine, Washington bắt đầu khởi động hiệp 2 để tìm cách lấn lướt trong việc giành ảnh hưởng kinh tế, chính trị đến Ukraine. Thực hiện điều đó, Washington phải làm suy yếu nước Nga bằng một cuộc cách mạng ngay trong lòng nước Nga với con bài được sử dụng lần này rất có thể là nhà tài phiệt Khordokovsky - hiện đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ sau hơn 10 năm bị ông Putin bỏ tù.

Khi Nga đang tạm thời dẫn trước bằng cách gây ảnh hưởng lên quá trình tái thiết kinh tế của Kiev, thì phương Tây lại một lần nữa sử dụng chiến thuật quen thuộc: tạo một cuộc cách mạng ở ngay trong nước đối thủ, mà ở đây là Nga.

Nga đang dẫn trước phương Tây trong việc gây ảnh hưởng lên quá trình hồi phục kinh tế của Ukraine cũng như đang nắm giữ lợi thế hơn so với đối phương trong nhiều khía cạnh, đó là nhận định của hầu hết giới phân tích trên toàn thế giới khi nhận định về tương quan giữa Nga và phương Tây trong hiệp hai của vấn đề Ukraine.

Trong khi Mỹ và EU, IMF và Kiev còn đang bận tranh cãi lẫn nhau về số tiền viện trợ cho Ukraine hồi phục kinh tế cũng như các điều khoản để Kiev nhận được khoản tiền này, thì Nga lại đang đi trước một bước bằng cách tung ra các yêu cầu đòi Ukraine khoản nợ trị giá 3 tỉ USD.

Trong bối cảnh ngân sách của Ukraine sắp cạn kiệt và đang phải hy vọng hoàn toàn vào gói viện trợ của IMF thì yêu cầu của Nga không khác gì một đòn chí mạng.

Gần kề Ukraine về địa lý cũng đang là một thuận lợi của Nga so với phương Tây, với lợi thế ấy, tốc độ triển khai các quyết định của điện Kremlin trong các vấn đề về Ukraine cũng nhanh chóng hơn là Washington hay ở chính Châu Âu như Paris hay Berlin.

Để bù đắp lại những bất lợi của mình so với Nga, phương Tây đang tính tới nước cờ quen thuộc của mình, là dàn xếp cho khả năng một cuộc cách mạng xảy ra ở chính nước Nga, hoặc chí ít cũng khiến cho điện Kremlin cảm thấy điều đó.

Nguy cơ về một cuộc cách mạng trên chính đất Nga sẽ khiến các nhà lãnh đạo của xứ sở bạch dương bị phân tâm và không thể dồn hết sự chú ý lên vấn đề Ukraine.

Chiến thuật này thường được áp dụng tại các nước láng giềng của Nga trước kia thuộc Liên Xô.

Cuộc cách mạng ở Gruzia cách đây một thập kỷ là một ví dụ, khi một cựu du học sinh Mỹ có xu hướng thân phương Tây rõ rệt là Saakashvili trở thành tổng thống của nước này và ngay lập tức thể hiện sự thù địch với Nga, để rồi dẫn đến cuộc chiến Nga - Gruzia mà Nga đã giành chiến thắng chỉ trong vòng 5 ngày.

Đối tượng lần này được phương Tây nhắm đến có vẻ như sẽ là Mikhail Khodorkovsky, tỷ phú giàu nhất nước Nga trong quá khứ, vốn là một người phản đối các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin và đang kỳ vọng vào một sự thay đổi chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga.

Khodorkovsky là một trong những tài phiệt Nga chịu ảnh hưởng bởi các chính sách cứng rắn của Putin khi ông lên nắm quyền, khi đã bị điều tra và kết án tù.

Khodorkovsky đã ngồi trong nhà giam suốt 10 năm, và vừa mới được thả cách đây hơn một năm với một lệnh trục xuất khỏi Nga, nhà cựu tài phiệt này hiện đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ.

Tần suất những cuộc di chuyển và phát biểu trước những nơi công cộng của Khodorkovsky đang tăng lên rõ rệt sau khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra và được đẩy nhanh trong giai đoạn kinh tế Nga đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng từ các lệnh trừng phạt của EU và giá dầu giảm.

Trong đó nhà cựu tài phiệt này đã mượn những khó khăn về kinh tế khi đó để tập trung chỉ trích sự yếu kém của điện Kremlin trong việc xử lý các vấn đề kinh tế, ông này cũng cho rằng dưới sự ủng hộ của đa số của người dân Nga dành cho Putin là sự bất mãn đang ngày càng gia tăng trong xã hội Nga về những điều kiện sống khó khăn và xích mích với các nước láng giềng ngày càng tăng dần.

Khodorkovsky cũng cho rằng số người Nga phản đối các chính sách của Tổng thống Putin ở thời điểm hiện tại có thể đạt mức từ 11 đến 17 triệu người, đủ để thành lập một quốc gia hạng trung ở Châu Âu, và nhà cựu tài phiệt này đang bày tỏ quan điểm sẽ dựa vào lượng người này để tạo nên thành phần cốt cán trong chiến lược của ông về một viễn cảnh của nước Nga trong tương lai.

Vấn đề là, điều mà Khodorkovsky không nhắc tới là việc con số 11 – 17 triệu người Nga, cứ giả thiết rằng con số này là đúng, vẫn là quá nhỏ so với toàn bộ dân số Nga để nhà cựu tài phiệt này mơ mộng về một cuộc thay đổi quyền lực ở xứ sở Bạch Dương.

Con đường để thực hiện giấc mơ về một cuộc cách mạng của Khodorkovsky cũng đang rất mong manh khi mà bản thân ông này vẫn bị trục xuất khỏi Nga và vẫn đang chịu cảnh sống lưu vong.

Khi một phóng viên đề cập đến vấn đề tham vọng giả định về chức vị tổng thống Nga của Khodorkovsky trong một buổi họp báo vào cuối tháng 12.2014, Tổng thống Vladimir Putin đã trả lời rằng: “Nhưng chính xác là ông ta sẽ tranh cử ở đâu?”, và toàn bộ khán phòng đã cười ồ.

Một khi Khodorkovsky vẫn còn đang bị trục xuất, thì thậm chí đến chuyện ra tranh cử ở Nga ông này cũng không được phép chứ đừng nói đến chuyện leo lên chức tổng thống.

Các chuyên gia cho rằng, hy vọng về một sự xáo trộn chính trị ở Nga vào thời điểm hiện tại là rất mong manh. Đó là chưa kể đến việc Khodorkovsky cũng không phải là người đủ sức để đối mặt với Vladimir Putin, khi trên thực tế nhà cựu tài phiệt này cũng đang tỏ dấu hiệu bị ám ảnh bởi đối thủ của mình.

Trong bài phát biểu của mình vào ngày thứ 6 vừa qua ở London về tương lai nước Nga, Khodorkovsky đã nhắc đến tên Tổng thống Putin tổng cộng 31 lần, trong khi gần như không nhắc một lần nào đến tên nước Nga.

Tất cả những điều đó gợi cho các thính giả của ông này cảm giác là Khodorkovsky đang chăm chú một cách bất thường đến ông Putin với một vẻ sợ sệt nhiều hơn là tự tin, hơn là đến tương lai nước Nga như nhà cựu tài phiệt này hùng hồn trong bài phát biểu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại