Thời báo Hoàn Cầu cho hay, gần đây, Văn phòng chính phủ Trung Quốc đã phát hành "Cương yếu quy hoạch kiến thiết đội ngũ lãnh đạo đảng - chính phủ toàn quốc 2014-2018".
Cơ quan "lạ mà quen"
Văn phòng chính phủ Trung Quốc - trong những ngày vừa qua đang trở thành "điểm nóng" của báo chí, sau khi cựu Chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch - trợ lý cũ của ông Hồ Cẩm Đào - "ngã ngựa" hôm 22/12.
Đối với đa phần người dân Trung Quốc, Văn phòng chính phủ (VPCP) là một cơ quan "vừa quen vừa lạ".
Chủ nhiệm khoa chính trị Đại học Thanh Hoa Trương Tiểu Kình trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu, giải mật "đơn vị bí ẩn" này.
Theo ông Trương, trong thời kỳ kháng chiến tại căn cứ Diên An, VPCP đơn thuần là bộ phận phụ trách thông tin liên lạc.
Sau ngày lập quốc (1949), đơn vị này mới dần trở thành một bộ phận quan trọng của chính quyền Trung ương Trung Quốc.
"VPCP có hơn 10 đơn vị trực thuộc.
Về biên chế, VPCP tương đương với cấp Bộ, nhưng về chức năng thì tầm quan trọng của cơ quan này vượt xa một đơn vị Bộ.
VPCP là bộ phận 'thực hiện công tác', không phải là đơn vị đưa ra quyết sách, nhưng tầm quan trọng là không thể phủ nhận" - ông Trương cho biết.
"Chức năng quan trọng nhất của VPCP là truyền đạt thông tin.
Họ phụ trách ban hành, theo dõi, thực hiện và đánh giá các mệnh lệnh của chính phủ Trung Quốc.
VPCP có một 'con dấu kiểm tra', chuyên dùng để giám sát tình hình thực hiện chủ trương, mệnh lệnh của chính phủ".
Đơn vị "cốt lõi"
Vụ "ngã ngựa" của Lệnh Kế Hoạch khiến người dân Trung Quốc tò mò về quyền lực của Văn phòng chính phủ nước này.
VPCP hình thành từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, ban đầu gọi là Văn phòng thư ký Trung ương.
Tháng 5/1948, cơ quan này đổi tên thành Văn phòng Trung ương, duy trì đến nay.
Trương Tiểu Kình cho hay, thời kỳ ở căn cứ Diên An, các "cổng công tác" của đảng Cộng sản Trung Quốc phân tán và tồn tại nhiều vấn đề.
VPCP xuất hiện chính là nhằm mục đích hợp nhất "đầu ra".
Phó chủ nhiệm ban nghiên cứu giáo dục xây dựng đảng thuộc Trường đảng Trung ương Đới Diễm Quân cho biết - "Công việc của VPCP chia làm 2 phương diện.
Một là phụ trách công việc thường nhật của Trung ương, như tổ chức, điều phối, thảo văn kiện... VPCP là một đơn vị công tác cốt lõi mang tính tổng hợp.
Mặt khác, VPCP truyền đạt tinh thần của Trung ương tới các cơ quan.
Ở chức năng này, VPCP tương đương với Ban thư ký của một tờ báo".