Với Myanmar, TQ đã phá quy tắc, muốn "1 mũi tên trúng nhiều đích"

My Lan |

Trung Quốc đã nhận ra tính cấp bách của việc gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đảng đối lập của Myanmar để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi, diễn ra từ 10 - 14/6, đang thu hút sự chú ý của cả truyền thông lẫn giới học giả khu vực.

Bất chấp tham vấn từ Bộ Ngoại giao rằng giờ "chưa phải lúc" mời bà Suu Kyi tới Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình vẫn cương quyết thực hiện ý muốn khi lấy danh nghĩa đảng Cộng sản Trung Quốc, mời lãnh đạo Liên đoàn quốc gia vì dân chủ Myanmar NLD.

Bưu điện Hoa nam Buổi sáng còn chỉ ra rằng, quy tắc ngoại giao đã bị phá vỡ khi Đại sứ Trung Quốc ở Myanmar đích thân tới sân bay Yangon tiễn bà Suu Kyi lên đường đi Bắc Kinh.

Chuyến thăm này diễn ra đúng dịp kỉ niệm 65 năm quan hệ song phương Trung Quốc - Myanmar, nhưng lại cũng là lúc căng thẳng giữa 2 nước vẫn chưa được giải quyết.

"Đặt cược" vào đảng đối lập

Học giả Yun Sun từ Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Henry L. Stimson, cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi là động thái "đã được cả 2 bên tính toán kĩ lưỡng" trước cuộc bầu cử ở Myanmar cuối năm nay.

Trong khi bà Suu Kyi "cần chứng tỏ rằng mình cũng có mối quan hệ thân thiết, ôn hoà với Trung Quốc giống như những đối thủ khác của mình", thì "Bắc Kinh cần phải thắt chặt tất cả những đầu nối còn lỏng lẻo trước cuộc bầu cử".

Gần như tất cả các quan điểm đều nhất trí rằng, Trung Quốc đã nhận thấy giờ là lúc phải thúc đẩy quan hệ với đảng NLD.

Lý do là bởi Bắc Kinh đang tin tưởng, nếu quyết định ra tranh cử Tổng thổng, bà Suu Kyi nhiều khả năng sẽ chiến thắng, hoặc ít nhất thì đảng của bà cũng có thể giành thắng lợi.

Việc thắt chặt quan hệ với NLD ngay từ lúc này sẽ giúp Bắc Kinh tiến tới bảo toàn các lợi ích về kinh tế và địa chính trị của mình ở quốc gia láng giềng.

Đại sứ Trung Quốc ở Myanmar gặp bà Aung San Suu Kyi ở sân bay Yangon.

Đại sứ Trung Quốc ở Myanmar gặp bà Aung San Suu Kyi ở sân bay Yangon.

"Bắc Kinh đang đặt cược vào bà Suu Kyi - nhân vật có tiếng nói trong chính trường", ông Alvin Cheng-hin Lim, học giả tại Viện Phát triển và Chiến lược Logus (Singapore) nhận định.

"Cách Trung Quốc tiếp đãi trọng thể bà cho thấy nước này đã dự đoán được sự thay đổi trong chính quyền Myanmar".

Giáo sư Fan Hongwei tại Đại học Hạ Môn cũng nhận định, Trung Quốc nhiều khả năng đang tranh thủ sự ủng hộ của bà Suu Kyi để "làm quang đãng trở lại" bầu không khí thân thiết giữa 2 quốc gia.

"Lời nói của bà Suu Kyi và đảng NLD có trọng lượng ở Myanmar. Bắc Kinh sẽ hoan nghênh sự giúp đỡ của bà để làm sáng tỏ việc Trung Quốc không khai thác tài nguyên của Myanmar thông qua đầu tư và các dự án của mình".

Ông này cũng cho rằng, "điều cuối cùng Bắc Kinh muốn là sự thay đổi trong chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc trước sự quyến rũ của phương Tây".

Với Trung Quốc, Myanmar có vị trí quan trọng chiến lược khi mang lại tuyến đường biển trọng yếu tới Ấn Độ Dương. Theo Sina, nếu có được sự hợp tác từ Myanmar, Trung Quốc có thể xây dựng Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Ấn Độ Dương của riêng mình.

Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng thành thị, y tế, và năng lượng... không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, nhất là khi Washington đang muốn mở rộng quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương đã xấu đi sau khi chính quyền của Tổng thống đương thời Thein Sein ra lệnh ngừng dự án đập thuỷ điện Myitsone của Trung Quốc năm 2011, do những lo ngại về vấn đề môi trường.

Căng thẳng giữa 2 quốc gia tiếp tục leo thang hồi tháng Ba khi máy bay chiến đấu của Myanmar, trong cuộc chiến chống quân nổi dậy, đã thả nhầm bom xuống khu vực biên giới Trung Quốc, khiến 5 người dân nước này thiệt mạng.

Chuyên gia về Myanmar
Fan Hongwei
Trung Quốc đang điều chỉnh và duy trì môi trường chính trị mới với đồng minh cũ (Myanmar). Trung Quốc có nhiều lợi ích về kinh tế và địa chính trị ở nước này, và đang thay đổi cách tiếp cận để bảo vệ những lợi ích đó.

Mất kiên nhẫn với Tổng thống đương nhiệm

Báo Nhật Nikken đánh giá, chuyến thăm của bà Suu Kyi không chỉ là cách Trung Quốc chuẩn bị cho khả năng đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mà còn thể hiện sự thất vọng và ngày càng mất kiên nhẫn của nước này với ông Thein Sein.

Đồng quan điểm này, học giả Du Feng từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bày tỏ, "bằng việc mời bà Suu Kyi, Trung Quốc đã gửi thông điệp tới chính phủ Myanmar" rằng nước này muốn một mối quan hệ thân thiện hơn và vấn đề ở biên giới được giải quyết.

Trang tin Boxun (Hồng Kông) dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng, Trung Quốc đã có chiến lược kiểm soát mối quan hệ với Myanmar theo 3 hướng tiếp cận: chính trị - ngoại giao - quân sự.

Động thái đầu tiên là điều quân đội đến sát biên giới với Myanmar tập trận bắn đạn thật, gây áp lực với chính phủ hiện thời. Tiếp sau đó chính là mời lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi thăm Bắc Kinh nhằm gia tăng thêm sức ép, trong thời điểm cuộc bầu cử sắp đến gần.

Tân Hoa Xã đã đăng tải một bài bình luận cho rằng, chuyến thăm của bà này là minh chứng cho việc đảng Cộng Sản Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác với bất cứ đảng phái chính trị nào, miễn là họ sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ với Bắc Kinh".

Bên cạnh đó, bài viết cũng không quên nhắc nhở:

"Cần phải nhớ rằng: Trung Quốc không có ý định can thiệp vào vấn đề nội bộ của Myanmar, nhưng quyết tâm bảo vệ công dân của mình không bị mắc kẹt vào cuộc chiến được tiến hành từ bên kia biên giới".

Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng nêu rõ, Trung Quốc hi vọng Myanmar "sẽ đáp lại những đề xuất thích đáng của Trung Quốc, sớm dừng chiến tranh, giảm căng thẳng, thiết lập hoà bình, ổn định và trật tự tại biên giới Trung Quốc - Myanmar".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại