Với Kim Jong Un, "núp bóng" Bắc Kinh là sự lựa chọn duy nhất?

Hải Võ |

Nỗ lực "thoát Trung" sau 1 năm không thành công, trong khi vấn đề hạt nhân "nóng" trở lại đang buộc ông Kim Jong Un tính tới khả năng cải thiện quan hệ Triều Tiên với Trung Quốc.

Nỗ lực "thoát Trung" và sự tiến thoái lưỡng nan của Triều Tiên

Tờ Zaobao (Singapore) hôm 15/8 đăng tải bài phân tích, đánh giá vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang "nóng" trở lại sau một thời gian im ắng, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có một vài động thái "tỏ thiện chí" với Bắc Kinh.

Việc thỏa thuận hạt nhân được ký kết thành công đã tạo thành hiệu ứng mô phạm, khiến cộng đồng quốc tế quan tâm liệu vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có bước vào giai đoạn then chốt được hay khôgn?

Theo Zaobao, dù lúc này Bình Nhưỡng có tỏ ra "thân thiện" với Bắc Kinh sau một thời gian dài lạnh nhạt, thì sức ép của phương Tây lên Triều Tiên vẫn không ngừng gia tăng, và tình thế của nước này đã khó có thể đảo ngược.

Nhiều năm trở lại đây, việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân đã khiến những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo này trở thành vấn đề nhạy cảm và nhiều mâu thuẫn.

Sau khi lên nắm quyền, Kim Jong Un đã tiến hành lần thử nghiệm hạt nhân thứ 3, và ngay sau đó là nhiều lần phóng thử tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo tàu ngầm, khiến Triều Tiên nhanh chóng trở thành mối đe dọa hạt nhân trong mắt Mỹ và đồng minh.

Ngoài Triều Tiên, các bên còn lại - bao gồm "đồng minh xương máu" Trung Quốc - đều kiên quyết ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo liên Triều, tạo thành 2 "chiến tuyến" đối đầu nhau trong khu vực mà Bắc Kinh không đứng về phía Bình Nhưỡng.

Zaobao đánh giá, vũ khí hạt nhân đã trở thành trở ngại ngoại giao rất lớn đối với Triều Tiên. Nhưng mặt khác, lĩnh vực này cũng đang là "lá chắn" cốt lõi bảo vệ an ninh, thậm chí là tồn vong của quốc gia này.

Nói cách khác, vũ khí hạt nhân giống như một con dao hai lưỡi, vừa đem lại "cảm giác an toàn" cho chính phủ Triều Tiên, vừa làm xấu đi môi trường ngoại giao của họ.

Hồi cuối tháng 7, trong Đại hội cựu chiến binh Triều Tiên lần thứ 4 và Ngày kỷ niệm Triều Tiên đình chiến, ông Kim Jong Un đã "bày tỏ lòng kính trọng cao độ tới quân tình nguyện Trung Quốc" và đặt vòng hoa ở Đài tưởng niệm liệt sĩ.

Hành động hữu hảo hiếm hoi của ông Kim đối với Bắc Kinh phần nào vãn hồi được quan hệ Trung-Triều đang trong giai đoạn băng giá.

Chưa thể khẳng định quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đã xuống thấp tới "đáy", nhưng ít nhất ông Kim Jong Un đã cho thấy những xu hướng của điều này, Zaobao bình luận.

Kim Jong Un đã lỡ hẹn với lễ duyệt binh của Nga. Nếu ông nhận lời Trung Quốc, Bắc Kinh không hy vọng kịch bản tương tự lặp lại với họ.

Kim Jong Un đã "lỡ hẹn" với lễ duyệt binh của Nga. Nếu ông nhận lời Trung Quốc, Bắc Kinh không hy vọng kịch bản tương tự lặp lại với họ.

Trong tháng 9 tới sẽ diễn ra 2 sự kiện lớn mà Triều Tiên không thể không tính toán thiệt hơn một cách cẩn thận về việc "hâm nóng" quan hệ với Trung Quốc.

Sự kiện thứ nhất là đại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II sắp được tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới.

Thứ hai là ông Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến thăm Mỹ đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc, trong đó vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là một trong những tiêu điểm thảo luận của Trung-Mỹ, nhất là khi Bắc Kinh đóng vai trò rất tích cực trên bàn đàm phán này.

Về phía Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ này chưa từng "xuất ngoại" sau gần 4 năm lên cầm quyền.

Zaobao cho hay, kể từ tháng 7/2014, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực "phá băng" ngoại giao của Bình Nhưỡng, đặc biệt là những bước tiến đáng kể trong quan hệ Nga-Triều Tiên.

Tuy nhiên, Moscow dường như đã bớt nhiệt tình với Triều Tiên hơn sau khi ông Kim bất ngờ "hủy hẹn" với lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga hồi tháng 5.

Tờ báo Singapore đánh giá, trong nỗ lực "thoát Trung", Triều Tiên đã tìm cách tiếp xúc với cả Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí tìm tới... châu Phi, nhưng hiệu quả thu về không được như kỳ vọng.

Theo Zaobao, nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là do một số quốc gia không tín nhiệm Triều Tiên, trong khi phương Tây về cơ bản đã đạt được thỏa thuận chung trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh này, bất cứ quốc gia nào cũng khó có khả năng phá vỡ nghị quyết của Liên Hợp Quốc để phát triển một quan hệ "thân mật" hơn với Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, cơ cấu sức mạnh ở Đông Bắc Á không có nhiều thay đổi so với thời Chiến tranh Lạnh, khi Trung Quốc vẫn được xem là "cường quốc" ở khu vực này.

Hơn thế nữa, Bắc Kinh đang có được quan hệ với Nga ở mức tốt đẹp nhất "từ trước đến nay". Đây là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực "xích lại gần Nga" của Bình Nhưỡng không thành công.

Triều Tiên muốn duy trì lợi ích quốc gia và đàm phán về vấn đề hạt nhân với phương Tây thải thông qua Trung Quốc?

Triều Tiên muốn duy trì lợi ích quốc gia và đàm phán về vấn đề hạt nhân với phương Tây thải thông qua Trung Quốc? (Ảnh minh họa)

Kim Jong Un "phá vây" ngoại giao vẫn phải nhờ... Trung Quốc

Zaobao bình luận, dường như sau 1 năm tìm cách "phá vây" ngoại giao, chính phủ Triều Tiên đang dần nhận ra "cảnh cửa" đầu tiên họ phải bước qua chính là Trung Quốc.

Báo chí quốc tế nhiều lần phân tích, lễ duyệt binh sắp tới của Bắc Kinh chính là cơ hội hoàn hảo để Kim Jong Un thực hiện "màn ra mắt quốc tế" đầu tiên của mình trong vai trò nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

Zaobao đánh giá, việc ông Kim nhận lời tới Bắc Kinh sẽ vừa phù hợp với mục tiêu cải thiện quan hệ Trung-Triều của song phương, vừa phù hợp với danh nghĩa "cách mạng dựng nước" của Triều Tiên.

Dù vậy, cho dù nhà lãnh đạo này có tới Trung Quốc thì khả năng ông xuất hiện trên quan lễ đài ngày 3/9 vẫn chưa được xác định.

Bên cạnh đó, với tác phong bí ẩn của ông Kim, một động thái "thiện chí" với Trung Quốc chưa nói lên nhiều điều.

Giới quan sát vẫn không thể đánh giá Kim Jong Un sẽ có sự thay đổi chiến lược về chính sách đối với Trung Quốc, hay đây chỉ là sự tiếp diễn cuộc chơi "mèo vờn chuột" của Bình Nhưỡng.

Theo Zaobao, Trung Quốc chắc chắn sẽ tỏ thái độ niềm nở nếu ông Kim tới Bắc Kinh, nhưng sẽ khó "vị tha" nếu Bình Nhưỡng lặp lại "kịch bản Moscow" 4 tháng trước với họ.

Ngoài quan hệ song phương, điều cấp thiết với Kim Jong Un lúc này chính là ông Tập Cận Bình sẽ thỏa thuận gì với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc tỏ thái độ đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Đây là động lực xứng đáng để ông Kim tìm kiếm cơ hội đối thoại với ông Tập, qua đó đi đến một số thỏa thuận chung nhằm gìn giữ lợi ích cốt lõi của Bình Nhưỡng.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải thận trọng khi đưa ra thái độ trước phương Tây về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải thận trọng khi đưa ra thái độ trước phương Tây về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Trung Quốc có trở thành "ô hạt nhân" bảo vệ Triều Tiên?

Zaobao nhận định, nếu không thuyết phục được Trung Quốc thay đổi thái độ thì Triều Tiên đang ở tình thế khá bất lợi, khi cả Tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ Barack Obama lẫn Tổng thống Hàn Quốc đã qua nửa nhiệm kỳ Park Geun Hye đều muốn có đột phá trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Vấn đề hạt nhân nhạy cảm đến mức có quan chức Hàn Quốc thậm chí từng bày tỏ hy vọng Trung Quốc trở thành "chiếc ô hạt nhân" bảo vệ cho Triều Tiên để đổi lại việc Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, việc Trung Quốc "bảo hộ" Triều Tiên là điều không thực tế bởi 2 quốc gia này không có quan hệ đồng minh.

Việc cung cấp thỏa thuận "chiếc ô hạt nhân" đích thực có thể hạn chế phần nào động cơ phát triển vũ khí hạt nhân của một quốc gia, song không phải là "chìa khóa" ngăn chặn việc phát tán hạt nhân.

Nếu Triều Tiên và Trung Quốc chấp nhận đi đến một "hiệp ước" như vậy, Bình Nhưỡng sẽ phải chịu hàng loạt điều khoản giới hạn trong vai trò nước được bảo hộ, trong khi Triều Tiên là một quốc gia kiên quyết với đường lối chính sách an ninh quốc gia độc lập.

Theo Zaobao, so với việc nhận "chiếc ô hạt nhân" của Trung Quốc, người Triều Tiên có lẽ nghiêng về khả năng tự mình phát triển vũ khí hạt nhân nhiều hơn.

Mặt khác, không phải người Hàn Quốc và Mỹ nào cũng thoải mái với việc Trung Quốc trở thành một "chiếc ô hạt nhân", bởi điều này còn đồng nghĩa với việc vạch ra một phạm vi quyền lực địa chính trị rõ rệt, cản trở quá trình thống nhất bán đảo.

Cuối cùng, trong tình huống Trung Quốc thực sự cung cấp "chiếc ô hạt nhân" nhưng không thể gây ảnh hưởng một cách hiệu quả lên Bình Nhưỡng, thì chính Bắc Kinh sẽ bị "mắc kẹt" giữa 2 phe đối đầu nhau.

Vì vậy, cho dù biểu hiện "thiện chí" của Triều Tiên với Trung Quốc như thế nào, Bắc Kinh cũng cần phải hết sức thận trọng xử lý quan hệ song phương này, Zaobao kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại