Ngày 16.2, hãng tin Fox News của Mỹ dẫn các ảnh vệ tinh dân sự do hãng ImageSat International (ISI) chụp, cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar vào ngày 14.2.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận sự việc. Ngày 18.2, tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận, nước này “đã triển khai vũ khí tới đảo Phú Lâm từ lâu”…
Theo Fox News, tên lửa Trung Quốc điều tới đảo Phú Lâm là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200 km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng, HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất được triển khai tới một đảo ở Biển Đông.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao khiến Trung Quốc lại chọn đảo Phú Lâm làm nơi thí điểm để triển khai hệ thống phòng không đầu tiên trên Biển Đông của nước này?
Ông Michael Auslin, chuyên gia an ninh và chính trị châu Á, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định, đây là một bước đi trong chiến dịch lâu dài của Trung Quốc để xây dựng một tiền đồn quân sự chưa từng có của nước này trên Biển Đông.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc – nơi Bắc Kinh duy trì một trong nhưng căn cứ tàu ngầm chính - khoảng 400 km về phía Đông Nam.
Bắc Kinh đã chiếm đóng bất hợp pháp đảo Phú Lâm của Việt Nam kể từ năm 1956 và đã tiến hành xây dựng phi pháp bến cảng, sân bay, đường băng trái phép trên hòn đảo này năm 1990.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng triển khai chiến đấu cơ tiên tiến J-11 tới đảo Phú Lâm – động thái giúp Bắc Kinh có khả năng kiểm soát không phận xung quanh quần đảo Hoàng Sa một cách phi pháp và kết hợp với các máy bay quân sự được triển khai ở đảo Hải Nam để kiểm soát sâu rộng toàn bộ vùng Biển Đông.
Từ quan điểm chiến lược này, Trung Quốc xem hệ thống phòng không HQ-9 là một biện pháp phòng thủ, nhằm bảo vệ tất cả các tàu và máy bay của nước này đang triển khai trên đảo Phú Lâm.
Đồng thời, việc triển khai hệ thống HQ-9 cũng là cách để Trung Quốc tuyên bố rằng, nước này đang củng cố khả năng tự vệ trên hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Việc Trung Quốc chọn một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải Trường Sa (cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam) để triển khai tên lửa cũng có ý đồ sâu xa.
Bắc Kinh e ngại việc triển khai tên lửa tới những “điểm nóng” ở Trường Sa như Đá Chữ Thập hay bãi đá Subi sẽ có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông.
Trong khi đó, những gì nước này muốn là từ từ hiện thực hóa việc củng cố phòng thủ trên tất cả những vùng biển và thực thể mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Quan trọng hơn, việc triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm của Trung Quốc còn là hành động thách thức Mỹ, ngầm phản ánh lập trường không lùi bước của nước này trước những lời kêu gọi không quân sự hóa Biển Đông của Washington.
Trung Quốc đã đưa hệ thống HQ-9 tới đảo Phú Lâm chỉ vài tuần sau khi Hải quân Mỹ điều chiến hạm mạnh nhất của lực lượng này là tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, cũng ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) ngày 30.1.2016, nhằm thách thức việc Trung Quốc ra yêu sách yêu cầu các tàu đi qua các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp hoặc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phải xin phép trước.
Mỹ và các quốc gia châu Á mạnh mẽ lên án ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Hệ thống phòng không HQ-9 không chỉ bảo vệ các tài sản quân sự lẫn dân sự mà Trung Quốc triển khai trái phép tại Hoàng Sa mà còn có khả năng đe dọa các chuyến bay tuần tra của phi cơ Mỹ trong vùng không phận cách đảo Phú Lâm 160 km.
Từ đó, động thái tiếp theo của Trung Quốc sau khi đưa HQ-9 tới đảo Phú Lâm có thể sẽ là triển khai tên lửa chống hạm để đe dọa các tàu Hải quân Mỹ.
Cuối cùng, Trung Quốc muốn biến đảo Phú Lâm thành bàn đạp hoàn hảo để giúp nước này mở rộng mạng lưới các căn cứ quân sự trên toàn bộ vùng Biển Đông, thậm chí, còn có thể xa hơn nữa.
Sau Phú Lâm, nếu Bắc Kinh đưa tên lửa HQ-9 tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nước này hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận Biển Đông.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…
Bắc Kinh đã đặt ra tham vọng phải đạt được những mục tiêu của mình, trong đó không nhất thiết phải để xảy ra chiến tranh.
Việc triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm là một trong những nước cờ thâm độc nhằm từng bước giành lấy sự thừa nhận ngầm của tất cả các quốc gia trong khu vực đối với những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.