Vì sao Tổng thống Ukraine chưa bán khối gia tài khủng?

Minh Thu |

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào mùa xuân năm ngoái, ông Petro Poroshenko, một trong những doanh nhân giàu có nhất tại Ukraine từng tuyên bố sẽ bán phần lớn cơ nghiệp nếu thắng cử.

Theo New York Times (NYT), dù đã thắng cử, tới nay, ông Poroshenko vẫn chưa thực hiện lời hứa của mình.

Trong khi, khu vực miền đông Ukraine đang xảy ra chiến tranh liên miên, nền kinh tế quốc gia đã gần như phá sản và đồng nội tệ thị rớt giá thảm hại, vị Tổng thống 49 tuổi vẫn chưa bán bất cứ gia sản bao gồm số cổ phần trong Tập đoàn bánh kẹo Roshen, công ty sản xuất đồ ngọt lớn nhất Ukraine.

Một cửa hàng của Roshen tại Kiev.

Theo 2 công ty tài chính được ông Poroshenko thuê để cố vấn và hỗ trợ cho thương vụ bán gia tài, các thỏa thuận buôn bán tại những quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ và đông Âu thường phải mất hơn 1 năm để thương thảo

Họ cũng cảnh báo với ông Poroshenko rằng giờ không phải là thời điểm thích hợp để bán công ty.

"Rõ ràng, giờ không phải là thời điểm thuận lợi để bán công ty. Tôi hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong quý I hoặc II vào năm 2015", Giovanni Salvetti, Giám đốc điều hành Rothschild CIS, công ty đang phụ trách bán Tập đoàn Roshen của Tổng thống Poroshenko.

Trong khi đó, Makar Paseniuk, Giám đốc điều hành ICU tại Kiev, công ty đảm nhận vị trí cố vấn tài chính cho ông Poroshenko, một thỏa thuận đã được soạn thảo để bán một trong những gia tài của Tổng thống Ukraine.

Tuy nhiên, ông Paseniuk đã phủ nhận tiết lộ thêm thông tin chi tiết và khẳng định thương vụ này vẫn chưa đi tới hồi kết.

Ngoài Tập đoàn Roshen, ông Poroshenko còn sở hữu hàng loạt tài sản có giá trị lớn như bất động sản, các khoản đầu tư trong ngân hàng, một công ty bảo hiểm và một xưởng đóng tàu tại Crimea.

Ngoài ra, Tổng thống Poroshenko còn sở hữu một đài truyền hình tại Ukraine. Nhưng ông khẳng định sẽ không bán mà giữ lại cơ sở này.

Hồi tháng 10, tạp chí Novoye Vremya của Ukraine đã ước tính ông Poroshenko hiện đang sở hữu khối tài sản lên tới 816 triệu USD và xếp ông đứng thứ 9 trong số 100 người giàu nhất tại Ukraine.

Trước đó, trong một thông báo gửi lên chính phủ Ukraine, ông Poroshenko cho biết trong năm 2013, tổng thu nhập của ông đạt khoảng 6,3 triệu USD.

Phần lớn số tiền này đến từ hoạt động buôn bán chứng khoán, tiền cổ tức và tiền lãi từ ngân hàng. Ngoài ra, ông Poroshenko cho biết mức lương của mình chỉ là 29.200 USD.

Không muốn làm đầu sỏ chính trị

Theo giám đốc Paseniuk, ông Poroshenko đưa ra lời hứa bán gần hết gia sản kinh doanh nếu trúng cử Tổng thống bởi "ông không muốn bị coi là một đầu sỏ chính trị".

"Tôi cho rằng số tài sản của ông Poroshenko không liên quan gì tới chính trường. Do đó, nó sẽ không ảnh hưởng tới vị trí mà ông đang đảm nhận", ông Paseniuk nhận định.

Trong khi đó, một vài người tiền nhiệm của ông Poroshenko đã bị cáo buộc lạm dụng chức quyền để tham nhũng.

Điển hình, các công tố Ukraine nghi ngờ cựu Tổng thống Viktor Yanukovich, người bỏ trốn sang Nga hồi tháng Hai, đã cuỗm theo số tiền hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ông Yanukovich đã phủ nhận những cáo buộc trên.

Ông Poroshenko từng hứa bán phần lớn gia sản nếu trúng cử Tổng thống Ukraine.

Trong các buổi phỏng vấn gần đây, một số ngân hàng đầu tư chuyên phân tích thị trường tiêu thụ tại Ukraine cho rằng không công ty nào muốn đổ tiền đầu tư vào một công ty tại Ukraine như Tập đoàn Roshen do những bất ổn liên quan tới tình hình chính trị hiện nay.

Thậm chí, một số người cho rằng "thương vụ bán Roshen là không có thực". Nhưng, 2 giám đốc Salvetti và Paseniuk khẳng định ông Poroshenko hiện rất nghiêm túc về thương vụ bán Roshen.

"Một vài cuộc thảo luận sơ bộ đã diễn ra. Song, điều kiện thị trường hiện đang khiến nhiều người nghi ngại", ông Salvetti nói.

Ngay cả 2 đối tác mua bán tiềm năng hiện vẫn đang làm ăn tại Ukraine là Nestle SA của Thụy Sĩ và Mondelez International Inc của Mỹ, đã từ chối đưa ra lời bình luận về việc có hay không tham gia thương vụ mua bán Roshen.

Chật vật kinh doanh

Tập đoàn Roshen hiện đang điều hành 6 nhà máy sản xuất đặt tại 4 quốc gia khác nhau cùng chuỗi bán lẻ ngày càng được mở rộng.

Mặc dù, Tổng thống Poroshenko được biết đến với biệt danh "Ông trùm socola", Tập đoàn Roshen còn sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau như bánh ngọt, kẹo cứng, kẹo bơ và bánh quy.

Tại trụ sở Kiev, Chủ tịch Roshen, ông Vyacheslav Moskalevsky nhận định: "Sẽ là lạ lùng nếu như tôi nói giờ là thời điểm thích hợp để bán công ty".

Ông Moskalevsky hiện đang nắm 9% cổ phần trong Roshen. Tuy nhiên, khác với Tổng thống Poroshenko, ông này lại không có ý định bán cổ phần của mình.

Cũng theo ông Moskalevsky, mặc dù công ty vẫn làm ăn có lãi nhưng doanh số bán hàng trong 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt 640 triệu USD, giảm mất 35% so với hồi năm ngoái.

Điển hình, công ty đã chịu thua lỗ kinh doanh khoảng 4 triệu USD/ tháng tại khu vực miền đông Ukraine do chiến tranh liên miền và tại Crimea, bán đảo thuộc Ukraine đã sáp nhập vào Nga từ tháng Ba.

Ngoài ra, giá nguyên liệu thô cũng không ngừng tăng cao trong bối cảnh đồng nội tệ Ukraine rớt giá thảm hại.

Các sản phẩm kẹo của Roshen bị cấm bán tại Nga từ hồi năm ngoái do những nghi ngại liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng.

Hoạt động kinh doanh của Roshen cũng vấp phải vô vàn khó khăn tại Nga, nơi công ty đặt một nhà máy sản xuất.

Như mọi năm, doanh số bán hàng tại Nga chiếm 1/3 tổng giá trị doanh thu của công ty. Song, hồi năm ngoái, cơ quan giám sát hàng tiêu dùng Nga đã cấm nhập khẩu các mặt hàng kẹo của Roshen từ Ukraine do nghi ngại những vấn đề liên quan tới sức khỏe.

Thậm chí, tại Nga, Roshen còn bị cuốn theo các vụ tranh tụng liên miên và công ty bị cảnh sát vũ trang tiến hành kiểm tra lục soát.

Theo Chủ tịch Moskalevsky, ngay tại thời điểm hiện tại, Roshen đang phải giải quyết vụ tranh tụng liên quan tới việc Nga đóng băng 40 triệu USD tiền quỹ của công ty và chỉ cho phép khoản tiền này được dùng để chi trả tiền thuế.

Phía Kremlin đã lên tiếng phủ nhận yếu tố chính trị đóng vai trò trong các vụ kiện Roshen tại Nga.

NYT kết luận, một câu hỏi chưa có lời đáp liên quan tới lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Poroshenko là chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống nhận thấy giá bán Roshen quá rẻ. Liệu rằng ông Poroshenko sẽ vẫn giữ lời hứa?

"Tôi sẽ không khuyên ông ấy (Poroshenko) bán công ty với giá bèo", ông Salvetti khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại