Vì sao nhân vật quyền lực số 2 TQ bị đồng liêu tránh mặt?

Hải Võ |

Tân Đường Nhân đăng tải bài viết khá thú vị về hiện tượng Vương Kỳ Sơn - nhân vật được cho là quyền lực số 2 tại Trung Quốc - vấp phải thái độ "lạnh nhạt" trên quan trường.

Hãng thông tấn của người Hoa Tân Đường Nhân ngày 24/9 đăng tải bài phân tích về ông Vương Kỳ Sơn từ khi còn đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng cho tới Thường ủy Bộ chính trị và Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI), cho hay bất kể là các quan chức hay dân chúng Trung Quốc đều đánh giá sự chuyển biến vai trò của ông Vương là “kịch tính”.

Tân Đường Nhân cho biết, Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn vốn là chuyên gia kinh tế, được xếp vào tầng lớp cán bộ lãnh đạo trí thức. Ông Vương được đánh giá là có năng lực thực tế và mẫn cán, đồng thời được truyền thông mệnh danh “đội trưởng cứu hỏa”.

Một câu hỏi mà truyền thông Trung Quốc thường xuyên đặt ra trong giai đoạn ông Vương mới chuyển đổi vai trò, đó là việc một nhân vật nổi bật trong ngành kinh tế - tài chính phải “đá chéo sân” sang lĩnh vực bắt tham quan, chống tham nhũng liệu có phải là một sự “lãng phí” nhân tài của Bắc Kinh?

Thực tế cho thấy chuyên gia kinh tế Vương Kỳ Sơn đang tỏ ra xuất sắc khi dấn thân vào lĩnh vực nhạy cảm là chống tham nhũng.

Thực tế cho thấy "chuyên gia kinh tế" Vương Kỳ Sơn đang tỏ ra xuất sắc khi dấn thân vào lĩnh vực nhạy cảm là chống tham nhũng.

Tạp chí Tài Chính hôm 22/9 cho hay, kể từ khi Vương Kỳ Sơn đảm nhận vị trí lãnh đạo CCDI vào ngày 15/11/2012 tới nay là gần 700 ngày. Cơ cấu kỷ luật đảng Cộng sản mà ông Vương thiết lập đã tạo nên một cơn bão chống tham nhũng chưa từng có trong lịch sử, thậm chí tác động sâu vào hiện thực xã hội Trung Quốc.

Tân Đường Nhân thống kê, tính từ khi ông Vương lãnh đạo CCDI cho tới ngày 7/9 vừa qua, đã có tổng cộng 49 quan cấp tỉnh “ngã ngựa”, bao gồm những “hổ béo” như cựu Thường ủy Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu cùng các quan to khác như Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh…

Hàng loạt hổ lớn ngã ngựa trước sự ra tay của ông Vương Kỳ Sơn, khiến chốn quan trường Trung Quốc không còn nhìn ông với con mắt thân thiện như trước.

Hàng loạt "hổ lớn" ngã ngựa trước sự ra tay của ông Vương Kỳ Sơn, khiến chốn quan trường Trung Quốc không còn nhìn ông với con mắt "thân thiện" như trước.

Hàng loạt hành động quyết liệt của Vương Kỳ Sơn sau khi lên nắm quyền ngành an ninh Trung Quốc khiến ông được mệnh danh là “bàn tay sắt”. Giới quan sát nhận định, những cú đấm của ông Vương đã có tác dụng trấn áp được tình trạng tham nhũng trên quan trường Trung Quốc, khiến các “hổ và ruồi” luôn trong tình trạng hoảng loạn. Thậm chí, Tân Đường Nhân còn trích dẫn một câu nói hiện đã trở nên quen thuộc tại Trung Quốc – “Thà gặp Diêm Vương, đừng gặp Bí thư Vương”.

Cơn bão chống tham nhũng mà Vương Kỳ Sơn khơi dậy được nhà văn nổi tiếng Nhị Nguyệt Hà bình luận “đọc hết 24 bộ sử, cũng không thấy mạnh bạo như lúc này” - chỉ mức độ quyết liệt trong hành động chống tham nhũng của Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn là chưa từng thấy trong lịch sử.

Các nhà phân tích chỉ ra, thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi vai trò của Vương Kỳ Sơn là thành công.

Mặc dù vậy, truyền thông cũng chỉ ra điểm khác biệt trước và sau khi Vương Kỳ Sơn tiếp quản vị trí Bí thư CCDI, đó là sự chuyển biến thái độ một cách rõ rệt của các quan chức Trung Quốc đối với ông.

Tờ Trịnh Châu Nhật Báo đưa tin, ông Vương Kỳ Sơn từng có cuộc đối thoại nửa tiếng đồng hồ với đại biểu Hội đồng nhân dân đến từ Hà Nam Phạm Hải Đào, trong đó ông Vương chia sẻ về những điểm khác biệt giữa 2 chức vụ Phó Thủ tướng và Bí thư CCDI.

Thời kỳ Vương Kỳ Sơn còn làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, thái độ của các quan chức đối với ông vui vẻ hơn hiện tại rất nhiều.

Thời kỳ Vương Kỳ Sơn còn làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, thái độ của các quan chức đối với ông "vui vẻ" hơn hiện tại rất nhiều.

Ông Phạm Hải Đào tiết lộ, Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn nói rằng trong giai đoạn ông Vương còn làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế thì thường xuyên có nhiều người tới tìm ông với mục đích xin dự án. Ông Vương cũng nói dự án chính là chính sách, mà chính sách thì chính là tiền. Tuy nhiên, cũng theo tiết lộ của ông Phạm, sau khi Vương Kỳ Sơn nắm quyền lãnh đạo CCDI thì “thực tế phũ phàng” là không còn ai tìm đến ông nữa. Thậm chí, Vương Kỳ Sơn còn mô tả những người giáp mặt ông đều “nói rất chậm, nhiều chuyện không dám nói, hoặc nhìn thấy cũng xem như không thấy”.

Các chuyên gia phân tích nhận định, sự chuyển đổi trong chức vụ của ông Vương Kỳ Sơn cùng với những phản ứng mà ông nhận được từ các nhóm quan chức Trung Quốc cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại về tư tưởng và quan niệm trong chốn quan trường Trung Quốc.

Tân Đường Nhân kết luận, thái độ “vồ vập” đối với ông Vương trước kia chứng minh được sức hấp dẫn của thứ quyền lực có thể sinh lời trong mắt người khác, và ngược lại thái độ “lạnh lùng” với quyền lực chống tham nhũng mà ông Vương nắm trong tay hiện nay cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của ông còn nhiều phức tạp và khắc nghiệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại