Lãnh đạo cao cấp Nga không dự hội nghị
Sự kiện gây chú ý nhiều nhất trước khi hội nghị thượng đỉnh này diễn ra là việc phía Nga bất ngờ đưa ra tuyên bố sẽ không có bất cứ lãnh đạo cấp cao nào (Tổng thống Putin hoặc Thủ tướng Medvedev) tham dự vào hội nghị lần này.
“Chúng tôi hoàn toàn không hiểu mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh lần này vì chủ đề thảo luận của hội nghị mang tính chất đặc trưng dành cho các nhà vật lý-hạt nhân, cho các cơ quan mật vụ, cho giới kỹ sư chứ không phải là các vấn đề để đưa ra thảo luận cấp cao”- Người đứng đầu cơ quan chuyên về không phổ biến và kiểm soát vũ khí trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulianov khẳng định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, tuyên bố này của ông Mikhail Ulianov là không hợp lý và không phản ánh đúng quan điểm của Nga.
Nguyên nhân là do trước đó, giới lãnh đạo cấp cao Moscow đã từng tham gia vào 3 hội nghị được tổ chức trước đó (tổ chức ở Washington vào năm 2010, ở Seoul vào năm 2012 và ở Lahay năm 2014).
Hơn nữa, Ulianov đã từng khẳng định “Nga là một trong các quốc gia hàng đầu trong vấn đề đảm bảo an ninh vật lý hạt nhân”.
Không phải ngẫu nhiên mà Thư ký Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia Ben Rods lại coi tuyên bố không tham gia hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này của Nga là hành động “tự cô lập mình”.
Giới chuyên gia cũng nhận định rằng những tuyên bố của Ben Rods về việc Nga đang “tự cô lập mình” không phải không có cơ sở.
Bất cứ hội nghị thượng đỉnh nào có quy mô như hội nghị thượng đỉnh lần này đều là cơ hội để gặp gỡ với giới chính trị gia quốc tế để thảo luận về các vấn đề quan trọng.
Nếu như Tổng thống Putin không muốn đi dự thì ông hoàn toàn có thể cử Thủ tướng Medvedev đến Washington lần này. Tuy nhiên, Moscow lại không hành động như vậy.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama.
Điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân:
Thứ nhất, chuyến thăm của một nguyên thủ Nga đến Mỹ sẽ thường phải gắn liền với điều kiện hai bên tổ chức các cuộc hội đàm với lãnh đạo cùng cấp của Mỹ.
Tuy nhiên, lần này Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ không có thời gian cho các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Nga vì sẽ có rất nhiều nguyên thủ các quốc gia đến Mỹ.
Dự kiến trong khuôn khổ hội nghị lần này, ông Obama dự định sẽ có cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thứ hai, hai bên sẽ không có chủ đề nào thực sự cần phải trao đổi vì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cách đây vài ngày đã trực tiếp đến Nga và thảo luận tất cả các vấn đề cần thiết với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Về thực chất, hai bên có thể trao đổi về chính chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần này là an ninh hạt nhân.
Tất cả đều hiểu rằng nếu như vật liệu hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố (dù chỉ ở mức đủ để chế tạo “bom bẩn”) thì hậu quả các vụ tấn công khủng bố sẽ kinh hoàng hơn nhiều so với hậu của vụ khủng bố vừa qua tại Brussels, Bỉ.
Tuy nhiên, chính người Mỹ hiện nay lại cho rằng mối đe dọa này không tồn tại. “Hiện nay chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy lực lượng IS đang cố gắng tiếp cận để có được các vật liệu hạt nhân hoặc phóng xạ.
Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao”- Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia trực thuộc Nhà Trắng Laura Holgate nhấn mạnh.
Giải thích cho việc một số quốc gia có liên quan trực tiếp đến an ninh hạt nhân lại không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này, bà Lora Holgate cho biết chỉ có một số quốc gia “có thái độ tích cực với an ninh hạt nhân” mới được mời.
“Mục đích của hội nghị thượng đỉnh, như chúng tôi đã tuyên bố từ đầu, là tạo ra diễn đàn để thảo luận một cách có trách nhiệm giữa các quốc gia có các quan điểm khác nhau và có triển vọng trong lĩnh vực này.
Hội nghị lần này không phải là diễn đàn để tổ chức các cuộc hội thảo mở rộng cấp toàn cầu. Chính vì vậy, Iran với tư cách là đối tác “không thân thiện” đã không được mời”- bà Laura Holgate giải thích.
Nga không quan tâm đến Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ?
Xét về thực chất, Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần này sẽ chỉ là diễn đàn để nguyên thủ các quốc gia thảo luận với giới lãnh đạo Mỹ về các vấn đề khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống một loạt quốc gia không liên quan hoặc liên quan rất ít đến vấn đề an ninh hạt nhân như Azerbaijan, Gruzia… lại đến Washington để tham dự hội nghị.Đối với Nga, vấn đề chính được quan tâm hiện nay là các hành động của Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến đi Mỹ lần này hứa hẹn là chuyến đi không hề đơn giản. Giới truyền thông và phần lớn cộng đồng chính trị gia Mỹ đang không có thiện cảm với bản thân ông Erdogan.
Trước chuyến thăm Mỹ của ông Erdogan, hai cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ là Morton Abramowitz và Eric Edelman đã viết bức thư ngỏ công khai chỉ trích các chính sách của ông Erdogan với người Kurd, với giới truyền thông và nhiều vấn đề khác.
Trước đó, trong đầu tháng 3/2016, hai chính trị gia này cũng đã công khai nhấn mạnh “vì một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, ổn định và dân chủ, ông Erdogan phải tiến hành cải cách hoặc phải từ chức”.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chuyển từ giai đoạn tốt đẹp sang căng thẳng. Thay vì thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, hai bên lại đang bắt đầu quay sang phản đối các chính sách của nhau.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tỏ ra bực mình đối với hành động Mỹ kêu gọi xem xét lại chính sách đối với Syria của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng không ít lần bày tỏ sự phản đối đối với chính sách độc đoán của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria vì điều này đang ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Mỹ tại Trung Đông.
Do đó, một trong những nhiệm vụ chính trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Erdogan là tháo gỡ các bất đồng hiện nay và đưa quan hệ hai bên quay trở lại quỹ đạo cũ.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Tổng thống Mỹ Obama lại từ chối gặp gỡ song phương với ông Erdogan, cũng như sẽ không cùng ông Erdogan khai trương nhà thờ Hồi giáo và gợi ý Phó Tổng thống Joe Biden sẽ thay mình thực hiện các nội dung này.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng với một số hành động của ông Erdogan khi ông này công khai khả năng sẽ gặp gỡ với ông Obama.
Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến uy tín ngoại giao của hai bên. Nếu như do áp lực của phía Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Obama phải gặp mặt ông Erdogan thì điều đó sẽ cho thấy sự “yếu đuối” của ông Obama.
Tuy nhiên, nếu ông Obama vẫn không gặp Erdogan thì lực lượng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả đảng “Công lý và phát triển” cũng sẽ tính đến phương án hành động mạnh mẽ để thay thế ông Erdogan.
Đối với Ukraine, Tổng thống nước này Poroshenko đến Mỹ lần này cũng chỉ để xin tiền và khẳng định vai trò cầm quyền của mình ở Ukraine. Bản thân Poroshenko đang muốn nhận được hai “gói quà” là việc bổ nhiệm Chủ tịch Quốc hội Ukraine Groisman làm Thủ tướng thay thế ông Yatsenuk và đẩy Tổng Công tố viên Shokhin “về vườn”.
Tuy nhiên, việc bầu Groisman vẫn chưa được thực hiện vì Quốc hội Ukraine sẽ hoãn đề tài này đến ngày 5/4, sau khi chuyến thăm Mỹ của ông Poroshenko kết thúc.
Ngoài ra, việc thành lập một chính phủ mới ở Ukraine còn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng Ukraine nhận được gói cứu trợ tiếp theo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF sẽ chỉ giải ngân nếu như việc thành lập chính phủ mới ở Ukraine đi đúng theo ý muốn của “nhà tài trợ” cho IMF là Mỹ.
Trong cả hai vấn đề trên (Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine), phía Nga đều tỏ ra không quan tâm thảo luận về các vấn đề này trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân.
Cả Nga và Mỹ đều hiểu rõ rằng hai cường quốc hạt nhân hoàn toàn có thể thảo luận song phương các vấn đề an ninh hạt nhân. Trên thực tế, cả hai đều đang thực hiện bước đi này.
Đây có thể là lý do giải thích vì sao Nga không cử nguyên thủ quốc gia đến Washington để dự hội nghị lần này.