Vì lợi ích riêng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "trở mặt" với Saudi Arabia?

Thùy Trang |

Liệu liên minh Saudi Arabia-Thổ Nhĩ Kỳ có thể đi xa tới đâu khi cùng theo đuổi những mục tiêu tưởng như tương đồng nhưng lại quá nhiều khác biệt trong khu vực?

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đưa tin về việc Ankara cấm phát sóng một kênh truyền hình “ủng hộ người Kurd” vì lý do tuyên truyền cho “quân đội”, hay Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Đây chỉ là một ví dụ điển hình về nỗi ám ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vấn đề người Kurd, một nỗi ám ảnh mà các đồng minh của nước này, đặc biệt là Saudi Arabia, có vẻ không hề quan tâm, đẩy “liên minh Sunni” vào một tình cảnh khá trớ trêu.

Phải nói thêm rằng, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng để ý gì tới mối lo Iran của Saudi Arabia.

Nếu vậy, liệu liên minh này có thể đi xa tới đâu khi cùng nhau theo đuổi những mục tiêu tưởng như tương đồng nhưng lại quá nhiều khác biệt tại Syria nói chung, và trong khu vực nói riêng? - nhà báo Salman Rafi viết trên Asia Times.

Cũng như Saudi Arabia và các đồng minh của mình, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hất cẳng Tổng thống Assad khỏi Syria.

Tuy nhiên, với Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng, điều này không chỉ phục vụ mục đích làm suy yếu tầm tầm ảnh hưởng của Iran, mà còn để đưa nhánh Syria của tổ chức Anh em Hồi giáo ngồi vào vị trí này.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn xem tổ chức trên như một phương tiện truyền bá phiên bản đạo Hồi của riêng mình vào thế giới của các tín đồ Hồi giáo, tuy nhiên, Saudi Arabia lại không thể chấp nhận phiên bản này, thậm chí xem đó là một thách thức về mặt chính trị.


Người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo vẫy cờ tại Istanbul. Ảnh: Reuters

Người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo vẫy cờ tại Istanbul. Ảnh: Reuters

Vấn đề này, theo nhà báo Rafi, dường như đã đẩy Saudi Arabia phải đứng ra gây ảnh hưởng nhằm thay đổi hệ thống cai trị tại Ai Cập, một quốc gia Arab khác.

Nếu tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo Ai Cập, Saudi Arabia chắc chắn sẽ mất đi một đồng minh quan trọng vào tay Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ lớn trong cuộc đua giành ngôi thống trị trong khu vực.

Cùng thuộc dòng Sunni, nhưng phiên bản đạo Hồi tại hai nước có nhiều điểm khác biệt. Dù tham gia vào liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gắn bó với tôn giáo phi Arab của mình, khác biệt hẳn với Saudi Arabia và các thành viên khác.

Không xét đến nền tảng đối địch về lịch sử và tư tưởng, bản thân việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào liên minh này, theo nhà báo Rafi, vẫn cần được xem xét kĩ càng hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ có chiến lược gì đằng sau việc kết giao với Saudi Arabia, bất chấp những nét mâu thuẫn giữa hai nước?

Ankara dường như đang đem vị trí của bản thân trong cuộc đua giành thế thượng phong trong khu vực ra đặt cược khi bắt tay với Riyadh, nhà báo Salman Rafi nhận định.

Tuy nhiên, theo tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ cái “được” liên minh này đem tới chắc chắn lớn hơn những cái “mất”, thậm chí còn có khả năng mở đường cho Ankara giành lại vị thế xưa kia, là ứng cử viên lớn nhất cho ngôi vị lãnh đạo “thế giới Hồi giáo”.

Mặt khác, Saudi Arabia lại đang tận dụng quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ các đội quân ủy nhiệm tại Syria.

Cả hai nước cùng chung mối bận tâm xoay quanh việc bảo vệ các lực lượng “ôn hòa” chống Assad, tuy nhiên, đây không phải là lợi ích chính trị tối thượng Ankara đang theo đuổi, chính là tận dụng cuộc chiến ở Syria để chống lại người Kurd.

Kế hoạch của Ankara nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề người Kurd, theo nhà báo Rafi, là tiếp tục đánh bom cho đến khi họ trở thành những công dân Thổ Nhĩ Kỳ nghe lời, thụ động, để đồng hóa họ và rồi tước đi quyền tự quyết.

Trong khi Ankara muốn “Ottoman hóa” người Kurd, phía Riyadh lại cố gắng “Arab hóa” họ để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ khi cuộc chiến kết thúc và cần tìm ra một lãnh đạo mới.

Tuy nhiên, bản thân người Kurd có sẵn sàng trở thành con tốt mở đường cho Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực hay không?

Tháng 12/2015, Massoud Barzani, người giữ chức lãnh đạo khu vực Kurdistan đã đến thăm Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, với mục đích chính là thăm dò xem đâu là nơi sẽ sẵn lòng chấp nhận một “Kurdistan độc lập”.


Người đứng đầu khu vực tự trị người Kurd tại Iraq Massoud Barzani và Thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Ảnh: KRG Cabinet

Người đứng đầu khu vực tự trị người Kurd tại Iraq Massoud Barzani và Thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Ảnh: KRG Cabinet

Dù không quá ủng hộ viễn cảnh này, số lượng áp đảo của tín đồ dòng Sunni trong bộ phận người Kurd tại Iraq lại hoàn toàn phù hợp với tham vọng của cả hai nước về một đồng minh phi quốc gia.

Những khác biệt trên giờ vẫn chưa thực sự nổi cộm.

Tuy nhiên, theo nhà báo Rafi, khó có thể phủ nhận được việc liên minh này hoàn toàn có khả năng tan rã ngay tại thời điểm giải pháp cho cuộc chiến tại Syria xuất hiện, khi mối quan tâm chung hiện nay biến thành một cuộc chiến giành tầm ảnh hưởng và quyền kiểm soát Syria và khu vực.

Quá trình tan rã này thậm chí sẽ càng được đẩy nhanh hơn nếu Mỹ và Nga cùng thống nhất về một hướng giải quyết đi ngược hẳn lại với lợi ích của các nước trong khu vực.

Nếu viễn cảnh này xảy ra, quan hệ giữa Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng do chính những toan tính từ hai phía chứ không phải các vấn đề khu vực, nhà báo Salman Rafi nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại