Vệ tinh đã theo dấu MH370 đến phút cuối như thế nào?

Chí Quân |

(Soha.vn) - Tín hiệu "ping" thu được từ MH370 đã giúp các điều tra viên xác định 2 cung đường Nam - Bắc và sau đó thu hẹp diện tìm kiếm xuống 3% khu vực phía Nam.

Theo thông báo của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dựa trên phân tích các dữ liệu vệ tinh của công ty Inmarsat (Anh), chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã rơi ở Nam Ấn Độ Dương và những người trên khoang không còn ai sống sót.

Trên thực tế, vai trò của Inmarsat trong cuộc tìm kiếm MH370 đã bắt đầu ngay sau khi chiếc máy bay mất tích. Dù hệ thống báo cáo và truyền dữ liệu trên khoang (ACARS) đã bị tắt, song một trong số các vệ tinh của Inmarsat vẫn tiếp tục nhận được hàng chuỗi các tín hiệu “ping” từ máy bay. Các tín hiệu này bình thường được sử dụng để đồng bộ hóa thời gian thông tin.

Bằng cách phân tích các tín hiệu “ping” này, Inmarsat có thể xác định rằng MH370 đã tiếp tục bay thêm ít nhất 5 tiếng sau khi rời khỏi không phận Malaysia, và rằng nó có thể bay theo một trong 2 cung đường phía Bắc hoặc phía Nam (như sơ đồ bên dưới).

Thông tin này đã được chuyển cho các quan chức Malaysia vào ngày 12/3, nhưng mãi đến 15/3, chính phủ Malaysia mới chính thức thừa nhận. Từ đó, Malaysia đã quyết định chuyển hướng tìm kiếm và tập trung vào các khu vực theo thông tin mô tả. Theo một số người có trách nhiệm tham gia cuộc điều tra, sự lãng phí thời gian và nguồn lực này đã làm cản trở quá trình tìm kiếm chiếc máy bay.

Dựa trên tín hiệu “ping” từ vệ tinh và giả thuyết về vận tốc máy bay mà Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ và Australia đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống chỉ còn 3% so với diện tích ban đầu của cung đường phía Nam.

Theo giải thích của Chris McLaughlin, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận đối ngoại tại Inmarsat thì các chuyên viên hãng này đã dựa vào “hiệu ứng doppler, là sự thay đổi về tần số do sự di chuyển của một vệ tinh trong quỹ đạo” để phán đoán cung đường phía Bắc và phía Nam của máy bay.

“Điều chúng tôi phát hiện ra là có sự tương quan với cung đường phía Nam chứ không phải phía Bắc sau khi máy bay quay lại, do vậy chúng tôi có thể đi đến một kết luận rằng nó đã đi về phía Nam.”

Dựa trên vị trí mà tín hiệu “ping” cuối cùng thu được và tính toán lượng nhiên liệu còn lại, các chuyên gia đã khoanh vùng khu vực mà MH370 có thể gặp nạn. Theo họ, nhiên liệu đã hết trước khi tín hiệu “ping” tự động tiếp theo được phát đi. Họ không biết chính xác tốc độ của máy bay khi đó, nhưng giả thuyết rằng nó vào khoảng 450 knot (833km/h).

Inmarsat đã gửi các thông tin phân tích được cho AAIB (Tổ chức điều tra các tai nạn hàng không Anh quốc) vào hôm qua. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc vẫn còn là điều bí ẩn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại