Theo các nhà quan sát Mỹ ở Nga, ông Trump có thể hy vọng sẽ có được một quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nếu ông được bầu làm chủ nhân Nhà Trắng từ tháng 1.2016.
Các chuyên gia Nga nhận định hai ông Putin - Trump có nhiều điểm chung: Tự tin, nói thẳng thắn và thích xử lý công việc dựa trên những lợi ích thực tiễn.
Ông Putin có uy tín cao vì phục hồi được niềm tự hào dân tộc nơi người Nga, còn tuyên ngôn tranh cử của ông Trump là “Hãy khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại!”
Ông Trump luôn tự tin vào từng quan điểm chính sách mà ông muốn theo đuổi. Từ tháng 6, khi tuyên bố tranh cử tổng thống, ông đã nói nhiều lần nói: ông sẽ có “quan hệ tốt” với ông Putin.
Ông còn nói chính Mỹ khiến ông Putin trở thành lãnh đạo thế giới, vì Mỹ không tự thể hiện được vai trò này. Ông không nói rõ cách xây dựng “quan hệ tốt” thế nào, chỉ nói niềm tin của ông dựa vào “một cảm nhận”.
Hồi tháng 7, ông Trump nói với CNN: mối quan hệ này sẽ càng tốt hơn, đến độ ông Putin sẽ trao trả cựu nhân viên hợp đồng Edward Snowden của Cơ quan tình báo Mỹ (NSA) cho Mỹ.
Snowden đã tiết lộ chuyện NSA nghe lén toàn cầu, được Nga cho tỵ nạn chính trị tạm thời hồi năm 2013.
Nhằm lập cầu nối quan hệ, ông Trump có nhiều lời khen ông Putin, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News:“Putin không tôn trọng tổng thống của chúng ta. Ông ấy đạt uy tín cao ở Nga. Họ yêu mến những gì ông ấy làm”.
Theo Ivan Kurilla, một giáo sư ở đại học châu Âu ở St. Petersburg, sự thật là những gì ông Trump nói về ông Putin là “chĩa” vào ông Obama:
“Trong khi Nga trở thành một thất bại rõ ràng cho chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama, Trump nói ông ấy có thể làm việc với ông Putin, giống như ở kỳ tranh cử gần đây, ông Obama tự hào việc “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga và Mitt Romney gọi Nga là kẻ thù địa - chính trị.
Ông Trump nói thế để chỉ trích Nhà Trắng, chứ không phê phán Nga”.
Giáo sư Kurilla còn nói: “Điện Kremlin hy vọng tổng thống Mỹ mới, dù là ai chăng nữa, sẽ thay đổi chính sách đối với Nga. Tôi tin tưởng Moscow sẵn sàng làm việc với người ấy. Nhưng vẫn còn một dấu hỏi: Lãnh đạo mới của Mỹ có sẵn sàng thay đổi chính sách hay không?”.
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump có quá nhiều kẻ thù, là nhận định của Yury Rogulyov, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách Mỹ Franklin Roosevelt ở đại học quốc gia Moscow (Nga).
Vấn đề là quan hệ Nga - Mỹ được quyết định bởi các thành phần chính trị có những quyền lợi khác nhau ở cả hai nước.
Ông Trump là ứng viên hàng đầu, trong các thăm dò dư luận về những ứng viên tổng thống do đảng Cộng hòa đề cử. Nhưng các chuyên gia nhất trí: Có rất ít khả năng ông trúng cử.
Dù đảng Cộng hòa có đề cử ông chăng nữa, ông vẫn bị trói buộc bởi những chính sách lâu nay của đảng bảo thủ này, cùng quyền lực của quốc hội Mỹ.
Ông Rogulyov nói: “Ông ấy nói về việc cần tìm tiếng nói chung với Nga, nhưng thế chưa đủ. Sẽ không ai cho phép ông ấy đảo ngoặt chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Obama cũng nói nhiều việc - trong thời gian tranh cử - nhưng giới chính trị đâu cho phép ông ấy làm nhiều việc”.
Ông Trump hứa nếu trúng cử, ông sẽ trừng phạt nặng Iran, nhằm đạt được một thỏa thuận ở thế “bề trên”, có nghĩa dầu thô Iran sẽ không tác động đến thị trường này, làm tăng khả năng giá dầu sẽ tăng lên. Dầu thô là nguồn xuất khẩu chủ lực của Nga.
Ông Trump còn nói sẽ gây sức ép Trung Quốc nhiều hơn, gồm áp thuế cao lên hàng xuất khẩu TQ vào Mỹ.
Ông Trump cũng hứa sẽ “bóp nát” quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Moscow sẽ đón chào thông điệp này vào lúc đang lo ngại chủ nghĩa khủng bố tràn lan ở vùng biên giới nam Nga.