Theo ông Bonenberger, thực chất quân đội Ukraine mạnh hơn rất nhiều so với những gì các phương tiện thông tin đại chúng đang mô tả về họ.
"Lý do là vì cho đến giờ, người Ukraine vẫn phải chiến đấu 'với một cánh tay bị trói'. Họ chủ động không sử dụng hết hỏa lực vì lo ngại Nga sẽ coi đó là một động thái gây hấn và điều thêm quân hỗ trợ ly khai, khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn" - cựu binh Mỹ giải thích.
Lần gần đây nhất quân đội Ukraine khởi xướng một chiến dịch công kích quy mô và có tính toán là vào tháng 8 năm ngoái, và khi đó Kiev đã dễ dàng giành thắng lợi trước phe ly khai.
Tuy nhiên, hệ quả của chiến dịch này, theo ông Bonenberger, là sự đáp trả từ Moscow.
"Hàng nghìn binh lính Nga đã được điều động sang bên kia biên giới để củng cố hàng ngũ quân ly khai. Ngoài ra, Moscow còn cung cấp cho lực lượng này vũ khí hạng nặng, xe tăng, và các vũ khí đối không khác" - cựu binh Mỹ cho biết.
Về phần mình, điện Kremlin vẫn phủ nhận mọi cáo buộc rằng phía Nga đang can thiệp vào tình hình chiến sự tại miền đông Ukraine.
Kể từ chiến dịch tháng 8 năm ngoái, xen giữa hai thỏa thuận ngừng bắn Minsk được kí kết, giao tranh giữa Kiev và ly khai đã "đạt trạng thái cân bằng", và đang chỉ dừng lại ở những trận pháo kích từ hai đầu chiến tuyến.
Theo ông Bonenberger, hiện tại giới phân tích cũng như một số lãnh đạo các nước phương Tây đang đau đáu một nỗi lo rằng đến một lúc nào đó, Nga sẽ phá vỡ thế cân bằng này với một chiến dịch công kích chớp nhoáng.
Họ cho rằng nếu điều đó xảy ra, quân đội chính phủ Ukraine đóng ở biên giới miền đông hoàn toàn không có cơ hội trước thế lực quân sự hùng mạnh của Moscow, và Kiev chỉ có thể cầm cự nếu Nga quyết định tiến sâu thêm.
Tuy nhiên, đối ngược lại với sự bi quan đó, ông Bonengerber đánh giá cao tiềm lực quốc phòng đang ngày một được cải thiện của Ukraine, đồng thời cho biết quân đội nước này đang ra sức luyện tập một cách hết sức chuyên nghiệp.
Gần đây, ông Bonenberger đã đến thành phố Yavoriv, và dành ra một tuần để quan sát đơn vị cũ của ông, binh đoàn 173, huấn luyện Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ukraine (NGU).
"Tôi rất ấn tượng. Các binh sĩ Ukraine thao tác chiến thuật ở trình độ ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn đa số các đơn vị thông dụng của quân đội Mỹ" - ông đánh giá.
Trong hơn 7 năm làm sĩ quan bộ binh tại chiến trường Afghanistan, khi được giao nhiệm vụ huấn luyện cảnh sát và binh lính nước này, Bonenberger cho biết ông chưa từng thấy một đơn vị nào của Afghanistan đạt đến độ chuyên nghiệp như quân đội Ukraine.
Cũng trong thời gian tại Yavoriv, ông Bonenberger cũng đã được chứng kiến binh lính Ukraine tập luyện với đạn pháo và xe tăng, nhằm nâng cao năng lực hợp tác chiến đấu giữa các đơn vị.
"Nếu quân đội Ukraine tiếp tục tập luyện ở cường độ hiện tại, và theo tôi động lực của họ lớn hơn rất nhiều so với đối thủ bên kia chiến tuyến, khả năng Kiev đánh bại ly khai cũng như đẩy lùi quân đội Nga nếu Moscow động binh là hoàn toàn có thể xảy ra" - ông nhận xét.
Ngoài ra, theo ông Bonenberger, viễn cảnh Thế chiến thứ ba sẽ không hề xa vời nếu Nga động binh.
Nếu Nga đánh bại Ukraine, ông lo ngại Moscow sẽ tiếp tục đà tiến công đánh vào Ba Lan và Estonia. Khi đó, Điều khoản số V sẽ buộc các quốc gia NATO, đặc biệt là Mỹ, phải có hành động đáp trả. Chiến tranh sẽ nổ ra trên diện rộng.
Còn trong trường hợp Ukraine có thể đẩy lùi được Nga, cựu binh này cũng tính đến khả năng Kiev sẽ thừa thắng mà tiến quân để "đòi lại những gì đã mất" tại Crimea một năm về trước.
"Tôi mong các chính trị gia phương Tây trên bàn đàm phán có thể thuyết phục [Tổng thống Nga Vladimir] Putin nhận ra được tình hình hiện tại để tránh được viễn cảnh này" - ông Bonenberger phát biểu.