Ngay cả những gói cứu trợ tài chính của phương Tây cũng không thể giúp Kive thoát khỏi mớ hỗn độn này.
Hồi tuần trước, một đơn vị quân đội chính phủ Kiev đã cho công bố đoạn video do máy bay không người lái ghi lại, cáo buộc một căn cứ quân sự quy mô lớn của Nga mới được hình thành ở miền đông Ukraine.
Theo Kiev, căn cứ này được trang bị các xe tăng T-72, thiết bị truyền thông và cả một thao trường.
Trong khi đó, giới quan sát quốc tế nhận định tình hình chiến sự tại miền đông Ukraine đang có dấu hiệu "tái diễn căng thẳng" và vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, đã được các bên thông qua hồi tháng Hai.
Liên quan tới lĩnh vực kinh tế và năng lượng, Nga cũng đã cắt nguồn cung khí đốt sang Ukraine.
Còn tại Washington, một ủy ban nắm giữ trái phiếu của Ukraine đang ngăn cản kế hoạch của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp chính phủ Ukraine giảm bớt gánh nặng nợ nần để tránh nguy cơ phá sản.
Có thể nói, chính phủ Kiev dường như đang phải một mình đối mặt giải quyết với vô vàn khó khăn và thách thức cùng ập tới một lúc.
Bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) hiện đang dồn mọi sự tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp.
Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chú tâm vào các cuộc thảo luận đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Ngay cả chính phủ phương Tây cũng chưa có hành động mới để ngăn chặn cái mà họ gọi là "cuộc tấn công từ quân đội Nga" hay hứa hẹn cung cấp thêm các khoản viện trợ kinh tế mới để chính quyền Kiev sống sót trong những năm tiếp theo.
Tờ Washington Post đặt câu hỏi liệu đây có phải là thời điểm phương Tây bỏ rơi để Ukraine tự vận lộn trong mớ hỗn độn khủng hoảng chính trị và kinh tế? Thực tế đang diễn ra gần giống như vậy.
Dù Mỹ và EU liên tục kêu gọi hai bên tham chiến tại Ukraine thi hành thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2. Song thực tế, thỏa thuận này chưa bao giờ được tôn trọng thực thi.
Dù Moscow nhiều lần lên tiếng phủ nhận, nhưng giới chức phương Tây vẫn cáo buộc Nga ủng hộ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine chiến đấu chống lại quân chính phủ Kiev.
Thậm chí, phương Tây còn cho rằng khoảng 9.000 binh sĩ Nga đang có mặt ở miền đông Ukraine để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công hỗ trợ phe ly khai.
Nhà phân tích Pierre Vaux và Catherine Fitzpatrick thuộc mạng lưới Interpreter Web khẳng định hai căn cứ quân sự mới của Nga đã xuất hiện gần khu vực chiến tuyến trong những tháng gần đây.
Một trong hai căn cứ này đã được máy bay không người lái của quân đội Ukraine ghi lại và công bố hồi tuần trước.
Theo hai nhà phân tích, vị trí đặt hai căn cứ quân sự mới của Nga thuận lợi cho các cuộc phản công chiếm Mariupol, thành phố chiến lược ở miền đông nam Ukraine và hiện đang nằm trong vòng kiểm soát của quân đội chính phủ Kiev.
"Thời điểm tổ chức các đợt tấn công đang tới gần", nhà phân tích Vaux chia sẻ trên tờ Daily Beast hồi tuần trước.
Lời cảnh báo tương tự cũng đã được giới chuyên gia an ninh phương Tây như cựu Tổng tư lệnh NATO Tướng Wesley Clark công bố.
Tuy nhiên, để tránh "đổ thêm dầu vào lửa" trong mối quan hệ với Moscow, dù EU mới đây đã kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, song Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry vẫn đang tiến hành thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 với giới quan chức Nga.
Về phần mình, Tổng thống Obama cũng quyết từ chối đề xuất cung cấp vũ khí sát thương cho quân chính phủ Ukraine để chống lại cái mà giới chức phương Tây gọi là cuộc xâm lược từ Nga.
Theo Thủ tướng Merkel và Tổng thống Obama, dù hỗ trợ cho quân đội Ukraine, Kiev vẫn sẽ không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công từ Nga nếu Moscow làm như vậy.
Trong khi đó, giới phân tích Nga cho rằng Tổng thống Vladimir Putin có lý do để lo ngại về con số thương vong gia tăng khi cuộc chiến ở Ukraine ngày càng khốc liệt.
Cho dù EU đã đồng ý hỗ trợ 5,5 tỷ USD cho Ukraine và Mỹ đã phê chuẩn khoản vay nợ 3 tỷ USD cho Kiev, song số tiền này dường như không thể giúp Ukraine thoát được nguy cơ đối mặt với khả năng vỡ nợ vào cuối tháng này và muộn nhất là cuối tháng Chín tới.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Ukraine tại Hội đồng Đại Tây Dương, ông Anders Aslund nhận định Ukraine cần thêm một khoản hỗ trợ tài chính trị giá 10 tỷ USD để sống sót trong hai năm tới.
Nhưng tới nay, Kiev vẫn chưa nhận thêm được lời hứa hẹn nào từ chính phủ các nước phương Tây.