Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ả Rập Xê-Út, Tướng Ahmed Asiri, ngày 4/2 tuyên bố, nước này sẵn sàng để triển khai bộ binh tới Syria chống IS nếu được sự cho phép của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi hòa đàm ở Geneva về Syria kết thúc trong bế tắc.
"Tiêu diệt IS chỉ là vỏ bọc"
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao Vladimir Akhmetov từ Viện Nghiên cứu phương Đông, thuộc Học viện Khoa học Nga, sáng kiến này của Ả Rập Xê-Út giống như động thái tuyên truyền nhằm che đậy cho hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng khẳng định Bộ này có cơ sở rõ ràng để nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quân sự vào lãnh thổ Syria.
Chuyên gia người Nga nhấn mạnh, cả Ả Rập Xê-Út và Thổ Nhĩ Kỳ đều không thể cho phép quân đội của Assad đẩy phiến quân ra khỏi tỉnh Latakia, bởi điều đó sẽ là thất bại nặng nề mà Riyadh và Ankara không thể chấp nhận.
"Mặc dù Riyadh đề cập tới ý định chiến đấu chống tổ chức khủng bố IS, song còn những nghi ngờ lớn quanh việc này.
Tuyên bố của Ả Rập được đưa ra trong thời điểm quân đội Assad, nhờ sự hỗ trợ của không quân Nga, đã bắt đầu thay đổi một cách tích cực cán cân sức mạnh tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì thế, ý định của Riyadh là nhằm giải quyết các nhiệm vụ khác dưới vỏ bọc của cuộc chiến chống IS".
Ông Akhmetov dự đoán, Ả Rập Xê-Út có thể hỗ trợ về hậu cần, tài chính và vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng không loại trừ khả năng Riyadh điều vài nghìn binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia - trực tiếp dưới quyền quản lý của Quốc vương nước này - tới Syria.
Theo một nguồn tin từ bên trong chính phủ Ả Rập mà báo Anh The Guardian có được, lực lượng mà nước này dự định triển khai tới Syria nhiều khả năng sẽ phối hợp hành động với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin Nga TASS dẫn lời Chủ tịch Viện Tôn giáo và Chính trị Nga Alexander Ignatenko xác nhận rõ ràng hơn rằng, trước hòa đàm Geneva, Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ gặp gỡ và “bắt tay nhau” thiết lập một bộ chỉ huy quân sự duy nhất cho hoạt động trên bộ ở Syria.
Riyah không đặt ra mục tiêu đạt được giải pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria, mà thay vào đó, muốn giành thắng lợi về quân sự trước khi tiếp tục đàm phán với đại diện Damascus.
"Đó là lý do vì sao lực lượng đối lập do Ả Rập hậu thuẫn lại làm mọi thứ có thể nhằm khiến cuộc đàm phán bị gián đoạn".
Lính Thổ Nhĩ Kỳ dùng xe tăng bảo vệ các vị trí của mình tại biên giới với Syria.
Chuyên gia cấp cao Vladimir Sazhin tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Học Viện Khoa học Nga cảnh báo, sự can thiệp của Ả Rập không chỉ chôn vùi tiến trình hòa bình Geneva, mà còn khiến Syria bị "phân tách thành 3 phần".
Đó là khu vực đa sắc tộc; khu tự trị người Kurd, người Alawites, người Ki-tô giáo cùng một vài dân tộc thiểu số sinh sống - nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria; khu vực do IS cùng các lực lượng đối lập Sunni kiểm soát ở phía đông.
Ả Rập có thực sự can thiệp trên bộ ở Syria?
Ông Ignatenko vẫn tỏ ra lạc quan khi dự đoán: "Ả Rập Xê-Út sẽ không cam kết đưa quân tới Syria vì Riryadh còn đang vướng vào cuộc chiến ở Yemen".
Đồng quan điểm, chuyên gia cấp cao Sergei Demidenko tại Viện Đánh giá và phân tích Chiến lược Nga cho rằng, nhiều khả năng Ả Rập chỉ đang "khua môi múa mép", bởi họ thừa hiểu rằng việc can thiệp vào Syria sẽ khiến mình rơi vào vũng lầy bất ổn.
Theo ông Demidenko, tuyên bố của Ả Rập chỉ là một phần của cuộc chiến tranh thông tin - nhiều khả năng là tìm cách gây ảnh hưởng tới hòa đàm Syria hơn là thực sự có ý định làm như vậy.
Lý giải kỹ hơn cho ý này, cây viết chuyên về quân sự Kim Sengupta của báo Anh The Independent viết, Ả Rập và các quốc gia Sunni khác ở vùng Vịnh đã nhiều tháng không “ngó ngàng” tới Syria, bởi còn đang bận với tiêu diệt lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen.
Thế nhưng, ngay cả việc này cũng đang khiến Ả Rập gặp khó khăn.
Riyadh ngay từ đầu cũng không hề đề cập tới việc làm thủ lĩnh trong cuộc chiến với Houthi ở Yemen mà định "đá bóng" sang Ai Cập và Pakistan.
Nỗ lực bất thành, cuối cùng nước này buộc phải dùng tới phương án lính đánh thuê người Mỹ La-tinh và Nam Phi, do một công ty của Mỹ đứng lên tổ chức.
Theo Sengupta, Ả Rập chỉ triển khai bộ binh đến Syria nếu Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập được một vùng đệm ở bắc Syria, và cho dù có vậy thì vẫn sẽ là nhập vào lực lượng bộ binh nào đó.
Tuy nhiên, điều này sẽ lại khiến Ả Rập rơi vào mâu thuẫn, khi mà một mặt đồng ý sát cánh với Mỹ chống IS, mặt khác lại gây ra cuộc xung đột với lực lượng người Kurd – đồng minh của Mỹ ở Syria.
Chưa hết, theo cây viết người Anh, một điều khó chịu nữa của binh sĩ Ả Rập tại Syria là việc phải đụng độ với lính tình nguyện Iran và chiến binh Hezbollah.
“Những kẻ thù ghét cay ghét đắng nhau, đã từng đụng độ trong các cuộc chiến giữa các bè phái ở nhiều nơi mà hiện tại là Yemen, lại tiếp tục xuất hiện trên cùng một chiến trường".