TỪ PARIS: Nhiều người Việt không dám ra đường, không dám đi làm

Đỗ Duy Khương, từ Paris |

“Tôi không biết điều gì đang diễn ra ở đây”, bà Nguyễn Christine, chủ một nhà hàng Việt Nam tại Paris cảm thán sau những vụ bạo động liên tiếp trong 2 ngày qua.

Paris là thành phố có đông người Việt sinh sống nhất ở Pháp, phần lớn trong số đó là sinh viên. Cuộc sống yên bình bỗng chốc bị đảo lộn với liên tiếp các vụ nổ súng trong hai ngày vừa qua.

Bài viết được cộng tác viên đặc biệt của chúng tôi, anh Đỗ Duy Khương, gửi về từ Paris.

Anh Khương là thạc sỹ về Truyền thông, đã sống và làm việc nhiều năm tại Pháp.

Đi đâu cũng thấy cảnh sát

An ninh của thành phố được thắt chặt. Nhiều trường học bị đóng cửa hoặc áp dụng biện phát kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, ga tàu, quảng trường, các địa điểm du lịch trong thành phố đều xuất hiện nhiều tốp cảnh sát đứng trực. Tiếng xe cứu thương hoặc xe cảnh sát xuất hiện khắp nơi.

Với mức sống cao và khó xin việc như ở Paris, nghỉ một ngày làm cũng sẽ gây khó khăn về tài chính hoặc thậm chí có nguy cơ bị đuổi việc.

Nhưng nỗi sợ hãi nguy hiểm đến tính mạng đã khiến không ít người Việt quyết định không đi làm, không ra đường.

Quân, sinh viên trường đại học Paris 7 cho biết, từ chiều qua trường đã gửi email và dán cáo thị thông báo cho tất cả sinh viên, giáo viên về “tình trạng an ninh đỏ”.

Mỗi tòa nhà ở đây chỉ để một lối vào, có nhiều nhân viên an ninh canh chừng. Tư trang của người ra vào đều được yêu cầu kiểm tra an ninh.

Còn Hằng, thực tập sinh tại một công ty của Pháp cho biết, trưa qua sau vụ tấn công, công ty của cô “tán loạn hết cả lên nhưng không ai dám ra về”. 

Cảnh sát được tăng cường tại bảo tàng Louvre, Paris. Ảnh: Duy Khương

Cảnh sát được tăng cường tại bảo tàng Louvre, Paris. Ảnh: Duy Khương

Cản trở mùa mua sắm

Trong một diễn biến khác, hôm 7/1 vừa qua là ngày đầu tiên của đợt giảm giá (SOLDES) truyền thống trong vòng 5 tuần, lượng người Việt đi mua sắm rất đông. 

Nhiều người đi mua sắm đã vội vã tìm chỗ an toàn trú ẩn. Chị Nga, một sinh viên tại vùng phía Bắc Paris cho biết đang trên metro đi mua sắm thì đã được bạn bè gọi điện khuyến cáo quay về nhà.

Sau khi mở cửa trở lại vào sáng 8/1, nhiều trung tâm thương mại khá vắng vẻ, không giống với sự tấp nập luôn có trong các đợt SOLDES trước.

Ngay sau khi có thông tin về các vụ khủng bố, trên các diễn đàn và mạng xã hội dành cho sinh viên Việt Nam tại Pháp đã xuất hiện những khuyến cáo cho các thành viên.
Ngay sau khi có thông tin về các vụ khủng bố, trên các diễn đàn và mạng xã hội dành cho sinh viên Việt Nam tại Pháp đã xuất hiện những khuyến cáo cho các thành viên.

Anh Dũng, người đến nay đã sống ở Paris được gần 10 năm, cho biết sáng nay đã đóng toàn bộ các cửa chống trộm bằng sắt dày của căn hộ nơi có vợ và con anh đang ở.

Anh nói bình thường ban ngày khi có người ở nhà cửa sổ chỉ đóng cửa kính và buông rèm cho nhà sáng sủa. Nhưng sau các vụ xả súng liên tiếp, nhà lại ngay mặt đường nên không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Anh Dũng cũng nhắn tin cho bạn bè dặn dò đóng kín cửa sổ và cánh cửa sắt chống trộm để tránh "đạn lạc".

Chị Thủy, sống ở phía nam Paris, trưa nay tới bưu điện gần Porte de Choisy gửi thư cho biết cảnh sát và chó nghiệp vụ đứng túc trực ngay tại cửa ra vào và bên trong bưu điện.

Trường học của con gái chị sáng nay cũng đóng cửa và dặn dò phụ huynh không cho con cái ra ngoài đường nếu không quá cần thiết.

Chính quyền thành phố ra thông báo người dân không nên nhận bất cứ bưu phẩm nào trong thời gian này. Các bưu phẩm gửi đi bằng đường bưu điện sẽ được áp dụng chế độ soi kiểm tra an ninh.

Cảnh sát đứng gác tại La Defense, trung tâm thương mại lớn nhất Paris. Ảnh: Phương Anh

Quân đội đứng gác tại La Defense, trung tâm thương mại lớn nhất Paris. Ảnh: Phương Anh

Dù vắng vẻ hơn so với những ngày trước, nhưng người dân vẫn phải ra đường. Thêm vào đó, vụ khủng bố đã khiến cho người dân Paris đoàn kết hơn.

Tối 7/1, hơn 100.000 người khắp nước Pháp đã tập trung ở những quảng trường lớn, hô vang khẩu hiệu “Liberté!” ( Tự do!) và “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) để ủng hộ quyền tự do ngôn luận.

Trưa 8/1, nhiều sinh viên Việt Nam cũng bất chấp nguy hiểm để tham gia vào các lễ tưởng niệm các nạn nhân.

Anh Hà, một chủ nhà hàng người Việt tại Montrouge, sau vụ nổ súng đã phải gọi điện khắp nơi để tìm người làm. Nhân viên phục vụ bàn duy nhất của anh sáng nay đã quyết định nghỉ làm ngay sau khi biết tin vụ nổ súng trong vùng mà cô đang làm việc.

Đến sáng 8/1, anh cho biết vẫn chưa tìm được ai làm thay cô nhân viên nghỉ việc. Đây là tình huống khó khăn hi hữu chưa bao giờ anh phải đối mặt.

Qua điện thoại, Facebook, bạn bè dặn dò nhau nghỉ làm để đảm bảo an toàn.
Qua điện thoại, Facebook, bạn bè dặn dò nhau nghỉ làm để đảm bảo an toàn.

Nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, những ngày tới không biết sẽ ra sao.

Nếu khách hàng  không dám ra đường đến tiệm ăn thì thực sự là vấn đề rất lớn đang chờ chúng tôi những ngày tới”, người đàn ông đã 20 năm kinh doanh tại kinh đô ánh sáng lo lắng cho tương lai.

Theo lời kể của bạn Phương Anh, một sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại Trường Đại học Paris 13, an ninh trên khắp thủ đô Paris đang được thiết chặt ở mức tối đa, đặc biệt là ở nơi công cộng.

Khu vực nơi Phương Anh đang sinh sống cũng đang được canh gác nghiêm ngặt, vì ngay cạnh nhà bạn là một nhà thờ Hồi giáo. Cách đó không xa là Khải Hoàn Môn, nơi tập trung đông người qua lại và là mục tiêu lý tưởng cho khủng bố.

Dù biết rằng bây giờ đang là mùa giảm giá SOLDES lớn nhất năm, tuy nhiên hội sinh viên Việt Nam tại Paris cũng khuyên bảo nhau tránh đi ra ngoài vào thời điểm này.

"Bây giờ cũng chỉ đi học cho nhanh rồi về lên giường đắp chăn thôi", Phương Anh chia sẻ.

Đức Huy

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại