Quan điểm chung của "bộ tứ" là lệnh ngừng bắn sẽ được áp dụng cho toàn bộ các chiến tuyến, bao gồm cả khu vực xung quanh Debaltseve nơi đang có hàng ngàn binh sĩ Ukraine bị bao vây.
"Quan điểm chung của "định dạng Normandy" là thỏa thuận ngừng bắn phải được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ xung đột, bao gồm cả khu vực xung quanh Debaltseve", tuyên bố trên trang web của Tổng thống Ukraine cho biết.
Các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã đồng ý với nhau rằng sẽ tiếp tục đàm phán với nhau vào ngày 16.2, theo thông tin trên trang web của Tổng thống Ukraine.
Hàng ngàn binh lính của Ukraine vẫn bị bao vây ở Debaltseve và đây cũng là nơi đụng độ lẻ tẻ còn xảy ra sau khi thời gian ngừng bắn có hiệu lực.
Phía dân quân ly khai và cả Ukraine trước đều cho rằng thỏa thuận Minsk không đề cập gì đến Debaltseve nên vẫn sẽ tiếp tục đánh.
Lực lượng dân quân ly khai cũng đòi binh lính Ukraine phải đầu hàng thì mới tha mạng sống.
"Bộ tứ" cũng ghi nhận sự cần thiết để thiết lập một số điều kiện thích hợp để các nhân viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đến giám sát hoạt động ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và lực lượng dân quân ly khai miền Đông được bảo trợ bởi "bộ tứ", thỏa thuận được ký vào ngày 12.2 tại Minsk.
Ngoài thỏa thuận ngừng bắn, quân đội Ukraine và lực lượng dân quân ly khai còn phải trao đổi tất cả tù binh và thiết lập một vùng đệm không có vũ khí hạng nặng giữa khu vực xung đột.
Một thỏa thuận ngừng bắn tương tự đã được ký kết vào tháng 9.2014. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ ở miền Đông Ukraine vẫn xảy ra và bị phá vỡ hoàn toàn vào giữa tháng 1.2015.