Reuters dẫn truyền thông Trung Quốc ngày 11/3, cho biết, các chuyến bay dân sự sẽ bay đến và đi từ đảo Phú Lâm, thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa, trong vòng 1 năm.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, Xiao Jie – người đứng đầu cái gọi là khu hành chính Tam Sa cho biết, sân bay trái phép Tam Sa và một sân bay mới được xây dựng một cách trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam, cũng như các cở sở hạ tầng khác sẽ thúc đẩy hoạt động giao thông đường không trong khu vực, hỗ trợ định vị và cứu hộ trên biển, cũng như cung cấp thông tin thời tiết, khí tượng.
Hai tàu chở khách và một tàu tuần tra của cảnh sát biển là cơ sở cho hoạt động vận chuyển ở cái gọi là “Tam Sa” – khu vực hành chính mà Trung Quốc đặt ra nhằm quản lý các quần đảo bị nước này chiếm giữ trái phép trên biển Đông.
Đây cũng là khu vực có lưu lượng giao thương đường biển sôi động, với trị giá hàng hóa lên tới 5 nghìn tỷ USD mỗi năm
Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước việc Trung Quốc theo đuổi chính sách lãnh thổ một cách hung hăng ở một khu vực có các tuyến thương mại hàng hải bận rộn nhất thế giới.
Tháng 2/2016, phía Mỹ và Đài Loan lên tiếng xác nhận về sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Washington coi đây là động thái đi ngược lại với cam kết từ phía Trung Quốc sẽ không quân sự hóa khu vực tranh chấp.
Phản ứng lại, Bắc Kinh tuyên bố, hoạt động này mang tính phòng thủ, trong giới hạn cho phép và đã bị giới truyền thông thổi phòng. Còn việc xây dựng cơ sở hạ tầng thuần túy phục vụ mục đích dân sự và phát triển kinh tế.
Theo Reuters, từ tháng 11/2015, sau khi xây dựng các nhà chứ kiên cố trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã cho các máy bay phản lực vũ trang đầy đủ hạ cánh xuống đường băng trên hòn đảo này.