Trung Quốc ráo riết chiếm Biển Đông trước khi Mỹ tới?

Trong lúc dư luận cả thế giới tập trung vào Syria thì một tại một vùng biển ở châu Á, bóng dáng một cuộc xung đột đang “lừng lững” tiến đến.

Theo tác giả Michael Mazza trên trang National Interest, quan hệ Trung Quốc - Philippines đang ở thế “rơi tự do”.

Cuối tháng Tám, Bắc Kinh yêu cầu Tổng thống Philippines Benigno Aquino hủy chuyến thăm tới Trung Quốc. Đầu tháng Chín, Bộ Quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc xây các cột bê tông ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Philippines đang gây rắc rối và “chuyện bé xé ra to” về bãi cạn này. Nhưng nếu cáo buộc của Manila là đúng thì hành động này của Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được kí kết năm 2002.

Các tàu hải quân thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.

Và Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở trên Biển Đông. Đài Loan cũng vừa tuyên bố kế hoạch xây dựng một bến cảng đủ lớn để các tàu chiến neo đậu trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Tình hình trên khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi liệu Đài Bắc và Bắc Kinh có “hợp đồng tác chiến” trên Biển Đông hay không.

Trong khi đó, các thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á(ASEAN) lại có sự chia rẽ về vấn đề Biển Đông. Gần đây nhất, Malaysia tuyên bố “các bạn có kẻ thù nhưng điều đó không có nghĩa kẻ thù của các bạn phải là kẻ thù của chúng tôi” và cho rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông không phải là mối đe dọa nghiêm trọng. Đây là một tuyên bố khá bất ngờ bởi lẽ cách đây chưa lâu, tàu hải quân Trung Quốc diễn tập ở bãi ngầm James, chỉ cách bờ biển Malaysia 75km.

Nếu bản thân các nước ASEAN không thể thống nhất một lập trường về tranh chấp trên Biển Đông thì không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc cố tình trì hoãn quá trình xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông.

Thêm vào đó, do Hoa Kỳ đang tìm cách tái cân bằng lực lượng trong khu vực – với hành động đáng chú ý nhất là thương lượng với Manila để quân đội Mỹ tăng cường hiện diện tại Philippines – Bắc Kinh sẽ thấy cần phải thúc đẩy kế hoạch Biển Đông càng nhanh càng tốt. Có thể họ đang nghĩ “Chiếm được càng nhiều càng tốt, trước khi người Mỹ điều lực lượng của họ tới”.

Trước khi chính quyền Obama thông báo về chiến lược “trục châu Á”, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược dùng vũ lực nhằm khẳng định chủ quyền với Biển Đông. Nhưng ngay sau khi Mỹ đưa ra chiến lược trên, Trung Quốc lại tăng cường “chộp càng nhiều càng tốt” các khu vực khác nhau trên Biển Đông. Hiện tại Mỹ chưa có ý tưởng gì nhằm giải quyết tình hình này ngoài việc liên tục đưa ra lời kêu gọi sử dụng “giải pháp hòa bình” nên vẫn chưa giúp giải quyết các vấn đề về Biển Đông.

Trong khi tình hình Syria vẫn chưa rõ ràng và rối rắm thì tình hình châu Á cũng đang như một vết thương ngày càng “sưng tấy”. Biển Đông vừa trải qua một mùa hè sóng gió và khi mùa thu tới vùng biển này có lẽ sẽ còn “dậy sóng” hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại