“Pháo đài trên biển” có thể làm đường băng máy bay, bến cảng, sân bay đậu trực thăng và cả doanh trại quân đội.
Hiện giờ dự án này đã bước vào giai đoạn thiết kế và trong khi các công ty xây dựng cho biết chúng chủ yếu có mục đích dân sự như làm điểm du lịch và mua sắm, họ không loại trừ các ứng dụng quân sự của dự án, có thể sớm trở thành một bộ phận của hải quân Trung Quốc.
Feng Jun, chủ tịch Hainan Offshore Industry, công ty phát triển công nghệ này, nói: “Hiện giờ công trình đang ở giai đoạn thiết kế và nghiên cứu”.
Công nghệ này vẫn còn rất mới ở quy mô thế giới và cho tới giờ chủ yếu được sử dụng cho việc khai thác dầu và khí đốt ngoài đại dương, bởi những công ty dầu khí lớn như Shell.
Financial bình luận các kiến trúc nổi này có thể sẽ là sự bổ sung đáng sợ cho hàng loạt đảo mà Bắc Kinh đã bồi đắp bất hợp pháp ở Biển Đông.
“Đặt một trong các kiến trúc này ở giữa Biển Đông sẽ là một hành động khiêu khích hết sức tồi tệ”, Richard Bitzinger, một chuyên gia về an ninh hàng hải, nói với Financial Times.
Công ty Hainan Offshore từng trưng bày các mẫu mô hình của hệ thống “pháo đài nổi” này trong một hội nghị công nghiệp quân sự ở Bắc Kinh vào tháng 7 do Cục khoa học và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tổ chức.
Hồi tháng 4, một bức ảnh về một hội nghị đóng cửa báo chí khác do Đại học Quốc phòng và Đại học Bắc Kinh Trung Quốc bảo trợ cho thấy một sĩ quan của quân đội Trung Quốc phát biểu trên bục, sau lưng là một bức hình lớn về kiến trúc nổi khổng lồ với một đường băng, dù báo chí không có thông tin gì thêm.
Jidong Development, một công ty nhà nước được niêm yết ở sàn chứng khoán Thâm Quyến, mới đây xác nhận họ đã bỏ ra phần lớn trong khoản tiền 3,7 tỉ nhân dân tệ (57,9 triệu USD) cho việc nghiên cứu dự án này.
Wang Shuyong, giám đốc một chi nhánh của Jidong, nói với báo chí rằng hệ thống pháo đài nổi đầu tiên đang được xây dựng tại một cảng ở Tào Phi Điện, gần Bắc Kinh.
Nhật Bản, Mỹ và Philippines diễn tập cứu hộ ở Biển Đông
Trên Biển Đông, ngày 14-8, Nhật Bản đã tham gia một cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo do Mỹ chỉ huy ngoài khơi Philippines.
Đây là lần đầu Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập như thế.
Một tàu tiếp tế của Nhật Bản đã có mặt tại vịnh Subic, nơi Mỹ từng có căn cứ hải quân, để tiếp liệu cho một tàu quân y của Mỹ đang trên đường tới Việt Nam trong sứ mệnh diễn tập nhân đạo có sự tham gia của bảy nước, theo Reuters.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức tham gia một hoạt động diễn tập ở Biển Đông, dù trước đó nhiều tàu huấn luyện và tàu ngầm của nước này đã cập cảng Manila.
Chuẩn đô đốc Charles Williams, tư lệnh Lực lượng phản ứng nhanh 73 thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, nói các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo và diễn tập phòng chống thiên tai giờ trở thành yếu tố thường xuyên của các hoạt động quân sự ở Philippines.
“Các cuộc diễn tập này cũng dần chuyển từ song phương sang đa phương, đó là lý do Nhật Bản có mặt ở đây hôm nay”, ông Williams nói với các phóng viên trên chiếc USNS Mercy, một trong hai tàu quân y của Mỹ.
Đô đốc Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng Hải quân Nhật Bản, cũng có mặt ở cuộc diễn tập.