Trung Quốc - Ấn Độ khó có thể giải quyết tranh chấp dù đối thoại

Thi Anh |

Không giải quyết được trở ngại này, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khó có thể đến gần, dù tỏ ý muốn bắt tay hợp tác.

Chỉ từ đầu tuần đến nay, Trung QuốcẤn Độ đã tiến hành tới 3 cuộc gặp cấp cao. Ngày hôm qua (20/4), Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cũng đã gặp gỡ với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì để bàn về vấn đề biên giới.

Trước đó, Bô trưởng Ngoại giao 2 nước đã gặp tại Moscow và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước cũng tiến hành đàm thoại ở Bắc Kinh.

Phát biểu trong cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết: Bắc Kinh đang có phản ứng tích cực đối với đề xuất thiết lập đường dây nóng quân sự với Ấn Độ.

Đây được xem là một bước tiến tích cực.

Nhưng nó khó có thể trở thành bước đà thúc đẩy cho quan hệ hợp tác khi mà Trung Quốc và Ấn Độ vẫn mắc kẹt trong “cuộc chiến nước” trên dòng Brahmaputra.

Chung một dòng sông

Sông Brahmaputra được đánh giá là nơi chứa đựng tiềm năng hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc, thế nhưng con sông này lại là khởi nguồn của sự bất đồng.

Khúc quanh trước khi Yarlung Zangbo từ phía Trung Quốc chảy vào Arunachal Pradesh và trở thành dòng Brahmaputra.
Khúc quanh trước khi Yarlung Zangbo từ phía Trung Quốc chảy vào Arunachal Pradesh và trở thành dòng Brahmaputra.

Bắt nguồn từ Tây Tạng (tại đó, dòng sông được gọi là Yarlung Tsangpo), sông Brahmaputra chảy qua LAC vào bang Arunachal Pradesh, một trong hai khu vực tranh chấp chính dọc biên giới Trung - Ấn.

Dòng sông sau đó tiếp tục chảy qua lãnh thổ Ấn Độ vào Bangladesh, cuối cùng đổ vào Vịnh Bengal.


Sông Brahmaputra chảy qua 3 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.

Sông Brahmaputra chảy qua 3 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.

Arunachal Pradesh là khu vực rộng hơn 90.000 km2 ở phía Đông dãy Himalaya hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ theo hiệp ước 1914. Trung Quốc gọi khu vực này là Nam Tây Tạng và khẳng định là thuộc chủ quyền của mình.

Trong khi đó, Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm 38.000m2 lãnh thổ ở khu vực cao nguyên Aksai Chin ở miền Tây.

Căng thẳng đặc biệt gia tăng kể từ năm 2014, sau khi hàng trăm binh lính Trung Quốc bị cáo buộc là đã di chuyển vào khu vực vùng núi Ladakh thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nước này.

Có thượng lưu là nắm thế thượng phong

Nhiều quốc gia “chung một dòng sông” nỗ lực tăng cường hợp tác để thúc đẩy hòa bình, an ninh. Vì thế mà những Sáng kiến Lưu vực sông Nile, rồi Ủy ban sông Mekong ra đời.

Thế nhưng, Trung Quốc, quốc gia nắm giữ thượng nguồn của nhiều con sông, lại không hề có ý hợp tác. Ngay cả trong Ủy ban sông Mekong, Trung Quốc cũng chỉ giữ vai trò quan sát, có nghĩa là không phải chịu trách nhiệm pháp lí nào liên quan tới dòng chảy.

Chảy qua vùng lãnh thổ bị tranh chấp, Brahmaputra càng khiến mối quan hệ lâm vào bế tắc. Triển vọng cho một thỏa thuận lớn giữa Trung Quốc - Ấn Độ (ví như hiệp ước chia sẻ dòng nước) có thể nói là rất mờ nhạt.

National Interest nhận định: không tổ chức nào có khả năng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 3 quốc gia chính có liên quan tới dòng Brahmaputra gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh.

Ở mức độ song phương, hợp tác Trung - Ấn cũng chỉ giới hạn ở thỏa thuận chia sẻ dữ liệu và một nhóm làm việc chung không mấy khi gặp gỡ.

Thậm chí, Ấn Độ cũng chỉ đạt được thỏa thuận trên sau khi một con đập ở khu vực do Trung Quốc kiểm soát bị vỡ, dẫn tới thảm kịch lũ lụt ở Arunachal Pradesh, khiến 30 người thiệt mạng và hơn 50.000 người bị mất nhà cửa hồi tháng 6/2000.

Giới chức Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc giấu giếm thông tin quan trọng có thể phục vụ công tác dự báo lũ lụt.


Trung Quốc xây dựng đập Zangmu trên dòng Yarlung Tsangpo để làm thủy điện.

Trung Quốc xây dựng đập Zangmu trên dòng Yarlung Tsangpo để làm thủy điện.

Ở vị trí hạ lưu, Ấn Độ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ xây đập làm chuyển hướng dòng chảy khiến con sông không đi qua Ấn Độ nữa.

Đó không phải là nỗi lo vô cớ. Trên thực tế, nhiều học giả Trung Quốc đã cân nhắc tới các kế hoạch làm chuyển hướng dòng Yarlung Tsangpo nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước của Bắc Kinh.

Dù gì, nước cũng là nguồn tài nguyên chiến lược và sống còn đối với việc duy trì lực lượng quân sự trong khu vực.

Về giải pháp ổn định khu vực LAC, một số chuyên gia cho rằng: Trung Quốc và Ấn Độ có thể cân nhắc tới khả năng tổ chức tập trận cứu hộ chung và đẩy mạnh chia sẻ thông tin.

Tuy nhiên, những hình thức hợp tác này rõ ràng sẽ không thể giải quyết nguồn gốc bất đồng. Và một khi “cuộc chiến nước” trên dòng Brahmaputra trở nên căng thẳng thì những tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước sẽ lại nóng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại