Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch biến một tàu chở dầu nặng 200.000 tấn thành tàu chở cá sống và đưa tàu này đến bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, báo Want China Times ngày 27/9 dẫn lại thông tin từ China Science Daily tiết lộ.
Theo Lôi Tễ Lâm, một nhà nghiên cứu ở Học viện Ngư nghiệp Hoàng hải thuộc Hội Nghề Cá Trung Quốc, học viện này đang lên kế hoạch mua một tàu chở dầu và biến nó thành tàu chở cá sống.
Trên tờ Nhật báo khoa học Trung Quốc, ông Lôi nói rằng: "bảo vệ biên giới quốc gia" không phải là nhiệm vụ duy nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Lôi Tễ Tâm còn cho rằng giới lãnh đạo cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đúng cách.
Want China Times cho biết tàu cá này có tải trọng 200.000 tấn với chức năng là xử lý cá sống và có thể coi nó là một nhà máy chế biến cá di động của Trung Quốc. Con tàu này được giới khoa học Trung Quốc hy vọng sẽ giúp ngư dân tiện lợi trong việc khai thác cá ở biển Đông.
Ngoài việc làm "trại cá", ông Lôi còn nói rằng nó còn có thể đóng vai trò như một cơ sở hậu cần cho tàu dân sự và quân sự Trung Quốc hoạt động ở nam biển Đông. Nếu kế hoạch đưa tàu chở cá sống đến Bãi Vành Khăn chứng tỏ hiệu quả, Lôi sẽ đề xuất Trung Quốc đưa một hạm đội tàu chở cá đến Biển Đông và Biển Hoa Đông trong tương lai dưới sự bảo vệ của Hải quân Trung Quốc.
Nếu những gì mà Nhật báo khoa học Trung Quốc viết là chính xác thì có thể coi đây là hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông sau khi nước này đưa giàn khoan Hải Dương - 981 ra thăm dò trái phép trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.
Về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà không được phép của Việt Nam, đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.