Theo các chuyên gia về Triều Tiên, nhà hàng "Bình Nhưỡng" ở Scotland nếu được mở sẽ có cả món đặc sản thịt chó của người Triều Tiên. Chính phủ Scotland nói sẽ kiểm tra thông tin này.
Nếu nhà hàng được mở, sẽ là nhà hàng thứ hai của chính phủ Triều Tiên ở châu Âu, sau nhà hàng đầu tiên mở ở Amsterdam (Hà Lan) năm 2012.
Theo báo Daily Star (Anh), ông Kim dự tính mở một nhà hàng mới ở Vương quốc Anh, nên ông chọn một số địa điểm để mở rộng chuỗi nhà hàng quốc doanh "Bình Nhưỡng" của Triều Tiên, vốn đã mở ở vùng biên giáp Trung Quốc trong những năm 1990.
Tiếp đó, nhà hàng “Bình Nhưỡng” mở ở một số nước châu Á, trước khi mở đường qua châu Âu.
Nhà hàng “Bình Nhưỡng” ở Amsterdam sau đó bị đóng cửa, rồi mở lại với tên mới Haedanghwa.
Các nhà hàng “Bình Nhưỡng” nổi tiếng vì cách bài trí đẹp nhưng món ăn mắc, có trình diễn dân ca Triều Tiên để thực khách thưởng lãm.
Jim Hoare, một chuyên gia của Trường nghiên cứu châu Phi và Đông phương (SOAS) ở London, đã đến thăm một nhà hàng “Bình Nhưỡng” ở châu Á.
Ông nói mục đích chính của chuỗi nhà hàng này là để kiếm tiền, và nâng cao bộ mặt của Triều Tiên ở quốc tế.
Có thông tin rằng 30 % tổng doanh thu của các nhà hàng được chuyển vào công quỹ của Bình Nhưỡng, nhưng một số người chỉ trích rằng số tiền ấy sẽ được ông Kim sử dụng để trang trải cuộc sống xa hoa của ông.
Thông tin khác nêu chuỗi nhà hàng “Bình Nhưỡng” có đối tác là Phòng 39, một tổ chức ngầm của chính phủ Triều Tiên, để làm nguồn thu ngoại tệ hợp pháp, trong bối cảnh Triều Tiên bị cấm vận quốc tế.
Michael Madden, biên tập của trang blog Giám sát lãnh đạo Triều Tiên, nói với báo Edinburgh Evening News, rằng ông Kim bắt đầu quan tâm đến Scotland, từ khi nước này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để độc lập khỏi Anh:
“Dù dân Scotland nói không với việc tách khỏi Anh, lãnh dạo Triều Tiên vẫn nhận định Scotland thiên tả dễ nói chuyện hơn là Anh”.
Khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, Triều Tiên đã ủng hộ Scotland độc lập.
Madden nói ông Kim cũng đang nỗ lực lập quan hệ với các nước châu Âu thiên tả.
Ngoài ra, Scotland nổi tiếng thế giới với loại rượu whisky Scotch và pho-mát, mà ông Kim thì ưng ăn đồ béo như pho-mát Thụy Sĩ và uống whisky Scotch, trong khi đa số dân bị đói ăn.
Madden nói: “Người Triều Tiên thích whisky.
Du khách đến Triều Tiên được khuyên nên “bo” bằng rượu Scotch thay vì “bo” tiền”.
Dù vậy, chuyên gia Hoare vẫn bị bất ngờ việc ông Kim muốn mở nhà hàng ở Scotland:
“Người Scotland rất bảo thủ về chuyện ẩm thực, và ý tưởng họ sẽ dùng món ăn Triều Tiên….tôi không nghĩ đó là một điểm đến.
Kiểu nhà hàng ấy không dành cho đại bộ phận quần chúng Triều Tiên, mà nhắm vào người nước ngoài giàu có muốn tiêu tiền, nên có lẽ thích hợp ở London hơn”.