Triều Tiên muốn Nga-Trung đối đầu Mỹ-Hàn để "ngư ông đắc lợi"?

Hải Võ |

Học giả Trung Quốc cho rằng Triều Tiên có ý đồ rất rõ ràng nhằm vào các nước lớn khi không e ngại tiến hành vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa thời gian qua.

Triều Tiên hy vọng mâu thuẫn dâng cao giữa các "ông lớn"

Tình hình bán đảo Triều Tiên đã trở nên căng thẳng trong thời gian qua, kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Bình Nhưỡng ngày 6/1.

Để đáp trả, Mỹ đã liên tục tăng cường bố trí quân sự ở Đông Bắc Á, bao gồm việc điều động tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng chiến đấu cơ tàng hình F-22 đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

Washington và Seoul cũng gấp rút thúc đẩy lộ trình thảo luận về việc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên không hề có dấu hiệu nhượng bộ. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh sẵn sàng tiến hành thêm nhiều vụ phóng vệ tinh và thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Trong bài bình luận đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/2, học giả Lữ Siêu thuộc Viện nghiên cứu khoa học xã hội tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc trích dẫn một câu ngạn ngữ của Triều Tiên có đại ý là "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết".

Theo ông Lữ, trong cục diện quốc tế hiện nay, có thể đánh giá cách lý giải của Bình Nhưỡng đối với câu ngạn ngữ trên là "trâu bò chỉ lo đánh nhau thì ruồi muỗi càng có không gian sinh tồn".

"Mục tiêu chiến lược của Triều Tiên hoàn toàn không phải là 'buộc đầy lựu đạn vào người để quyết tử cùng Mỹ, Hàn Quốc', cũng không phải là làm bùng nổ chiến tranh để giành phần thắng trong đó.

Mục đích của Triều Tiên là Nga và Trung Quốc bị ép phải đối đầu với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trên bán đảo.

Nếu bán đảo Triều Tiên tái hiện trạng thái đối địch giằng co như thời Chiến tranh Lạnh thì Bình Nhưỡng, vốn bị xã hội quốc tế chỉ trích đồng loạt do hành động thử hạt nhân, sẽ không còn là mục tiêu chính nữa.

Như vậy là họ đã 'ngư ông đắc lợi'," ông Lữ Siêu nhận định.


30 máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ được tập trung ở Nhật Bản vào tháng trước. (Ảnh: Asahi Shimbun)

30 máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ được tập trung ở Nhật Bản vào tháng trước. (Ảnh: Asahi Shimbun)

Khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo

Tuy nhiên, học giả Trung Quốc cho rằng việc "quay ngược bánh xe lịch sử" chỉ là ý định không thực tế của phía Triều Tiên.

Trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên, Mỹ-Hàn không phải chỉ có một con đường là khơi dậy xung đột. Các biện pháp cấm vận về ngoại giao, kinh tế, dư luận quốc tế... đều có thể góp phần buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán lộ trình phi hạt nhân hóa.

Đồng thời, giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga, Hàn Quốc cùng các nước khác vẫn tồn tại cơ chế trao đổi thông tin mật thiết, quan trọng hơn là các bên dù ở mức độ khác nhau vẫn tán đồng việc trừng phạt Triều Tiên, và cuối cùng vẫn trở về quỹ đạo đàm phán.

Ông Lữ cho rằng, dưới tiền đề phi hạt nhân hóa bán đảo, mối quan ngại về an ninh của Triều Tiên cũng cần được xã hội quốc tế chú ý đúng mức. Chỉ như vậy mới có thể khiến nước này sẵn sàng tham gia ngăn chặn chiến tranh, xây dựng hòa bình.

Những tuần vừa qua, tình hình an ninh bán đảo liên Triều đã diễn biến tồi tệ với việc Mỹ-Hàn và Triều Tiên liên tục "chĩa giáo" vào đối phương, làm tăng nguy cơ xảy ra hỗn loạn.

Dù vậy, học giả Lữ Siêu đánh giá khả năng chiến tranh bùng phát không lớn bởi xu thế ngăn ngừa tình trạng hỗn loạn vẫn chiếm chủ yếu.

Bắc Kinh đã tuyên bố lập trường của mình với vai trò nước lớn có liên quan: Bán đảo Triều Tiên không được tồn tại hạt nhân; Không được giải quyết vấn đề bằng vũ lực; Không được ảnh hưởng lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Ngoài ra, tình hình bán đảo có liên quan đến lợi ích quan trọng của Nga ở khu vực này, do đó Moscow cũng sẽ nỗ lực để tránh xung đột xảy ra giữa các bên.

Ông Lữ phân tích: "Duy trì hiện trạng ổn định bán đảo là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên, nhưng vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã làm đảo lộn tất cả.

Mỹ cũng tranh thủ tăng cường sức mạnh quân sự ở Hàn Quốc, vượt ra khỏi nhu cầu cần thiết cho việc đề phòng Triều Tiên."

Theo ông, việc Mỹ "trở lại tình trạng lúc trước về chiến lược quân bị" và kiềm chế Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu vũ khí hạt nhân là 2 điểm mấu chốt vào thời điểm này để làm hòa dịu căng thẳng bán đảo.

"Nếu không may chiến tranh thực sự bùng phát trên bán đảo Triều Tiên thì điều này nhiều khả năng sẽ phá vỡ cục diện chính trị vốn có ở Đông Bắc Á và phạm vi lớn hơn.

Hậu quả sẽ là 'thảm họa' mà không bên nào gánh vác nổi đối với xu thế chính trị và kinh tế toàn cầu," ông kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại