Mới đây, một loạt tờ báo lớn của Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ nước này có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm ngăn chặn tình trạng quan chức sử dụng giấy tờ giả, bằng giả để tiến thân.
Hồi cuối tuần trước, tờ Hoàn Cầu cho hay nhà chức trách Trung Quốc đã phát động một chiến dịch “rà soát toàn diện” hồ sơ, lý lịch của toàn bộ đội ngũ quan chức nước này nhằm phát hiện các trường hợp giả mạo thông tin.
Đây được coi là một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để làm trong sạch đội ngũ quan chức sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nước này cho biết họ đã phát hiện rất nhiều trường hợp làm giả bằng cấp, giấy tờ, thông tin cá nhân của các quan chức trong quá trình điều tra chống tham nhũng.
Một tội phạm chuyên làm giả giấy tờ ở Trung Quốc bị đưa ra xét xử
Hoàn Cầu cho hay các cuộc thanh tra, kiểm tra chống bằng giả, hồ sơ giả tới đây sẽ tập trung xác minh thông tin cá nhân và bằng cấp của đội ngũ quan chức như ngày sinh, lý lịch làm việc, hồ sơ đảng và thông tin về các thành viên trong gia đình.
Trong khi đó, tờ Nhật báo Trung Quốc cũng gọi tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ là “một dạng tham nhũng” và cho rằng việc các quan chức thực hiện thủ đoạn “vô đạo đức và không đứng đắn” này phục vụ cho lợi ích cá nhân là không thể tha thứ được.
Tờ báo này nhận định: “Những người làm giả hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp để tiến thân cần phải bị khai trừ khỏi đảng và các cơ quan chính quyền”.
Một bài xã luận đăng trên tờ Thanh niên Bắc Kinh Nhật báo thì nhấn mạnh rằng tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ trong giới quan chức đã trở thành một “tệ nạn” trong những năm gần đây.
Tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp đã trở thành một "tệ nạn" ở Trung Quốc. Ảnh minh họa
Tờ báo này chỉ ra rằng việc buông lỏng quản lý hồ sơ của các quan chức cộng với quan niệm coi nhẹ sai phạm trong lĩnh vực này đã tiếp tay cho “tệ nạn” trên hoành hành.
Tờ báo tiết lộ: “Trong nhiều cơ quan cấp cơ sở, người ta có thể dễ dàng thay đổi hồ sơ cá nhân bằng cách đưa quà hoặc mời các quan chức phụ trách một bữa cơm”.
Thanh niên Bắc Kinh Nhật báo kêu gọi chính phủ có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, kể cả đuổi việc, đối với những quan chức có hồ sơ không nhất quán.
Tờ Tin tức Bắc Kinh thì cho rằng công tác quản lý hồ sơ của Trung Quốc hiện nay cần phải minh bạch hơn, và các thông tin cá nhân cơ bản của quan chức cần được công khai để người dân kiểm tra, giám sát.
Tờ báo nhấn mạnh: “Để xử lý tận gốc vấn đề này, các cơ quan chính quyền cần chú trọng vào khả năng làm việc của các quan chức, thay vì quá coi trọng vấn đề bằng cấp, tuổi tác và lý lịch gia đình như hiện nay”.