Nga-Trung Quốc tập trận và tác động lên tình hình khu vực
Cuộc tập trận quân sự chung "Liên hợp trên biển-2015 (II)" giữa Trung Quốc và Nga tại vùng biển Nhật Bản đã mở màn vào hôm qua (20/8) với sự tham gia của 25 tàu chiến, 15 máy bay có cánh cố định, 8 máy bay trực thăng và 400 lính lục quân.
Đây là lần đầu tiên Nga-Trung tổ chức tập trận chung tại biển Nhật Bản, cũng là lần đầu biên đội Hải quân Trung Quốc tập trận tại vùng biển này.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, các cuộc tập trận chung đang dần trở thành xu thế trên thế giới và ngày càng diễn ra với mật độ dày đặc ở các "điểm nóng" địa chính trị. Điều này phản ánh tính linh hoạt trong hoạt động ngoại giao quân sự thời hiện đại.
Theo Hoàn Cầu, tại châu Á-Thái bình Dương, các hoạt động quân sự như vậy thường phản ánh khá chân thực cục diện địa chính trị ở khu vực, do đó rất thu hút sự quan tâm của truyền thông phương Tây.
Trong số các quốc gia có sức mạnh quân sự ở châu Á, Trung Quốc "tự nhận" mình là nước "trung thành" nhất với một tuyên bố thường thấy, đó là "tập trận chung không nhằm vào bên thứ ba".
Tuy nhiên, các tuyên bố dạng này của Bắc Kinh thường chỉ được xem như "nói suông", không có giá trị thực tế.
Hoàn Cầu cho rằng, do tính chất đồng minh của Mỹ-Nhật là hết sức công khai nên sự "phô trương sức mạnh" trong các cuộc tập trận của liên minh quân sự này không còn lạ lẫm.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc liên tục khẳng định "không trở thành đồng minh" với Nga, thì cuộc tập trận trên biển Nhật Bản của Nga-Trung nhanh chóng được truyền thông quốc tế phân tích là động thái rõ rệt nhằm đối đầu với Mỹ-Nhật.
Hoàn Cầu giải thích, do quân đội Nga-Trung không có quan hệ phụ thuộc, khác với các quan hệ đồng minh thường do Mỹ đứng đầu, nên "dù Nga-Trung có tập trận như thế nào cũng không thể hiện được mức độ liên kết về chiến thuật, chiến lược so với các liên minh có Mỹ".
Hoàn Cầu phân tích, Trung-Mỹ vẫn duy trì quan hệ hợp tác nước lớn ở mức độ "miễn cưỡng", còn sự rạn nứt trong quan hệ Nga-Mỹ dù nghiêm trọng nhưng "còn xa mới mức trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Ngoài ra, Mỹ-Nhật là liên minh thân cận rõ ràng nhất, trong khi một đồng minh khác của Mỹ là Hàn Quốc lại hy vọng giữ được thái độ "trung lập" ở một mức độ nhất định.
Vì vậy, việc "chia" Đông Bắc Á thành 2 "chiến tuyến" Mỹ-Nhật-Hàn đối đầu với Nga-Trung-Triều Tiên chủ yếu mới chỉ dựa trên các đánh giá trong quá khứ.
Hoàn Cầu nhận định, Cục diện quân sự, chính trị Đông Á vẫn ẩn chứa nhiều diễn biến khó lường trong tương lai, nhưng có thể dự đoán các nhóm thế lực đang dần định hình ở khu vực này và khiến Bắc Kinh phải quan ngại về khả năng kiểm soát tình hình.
Việc Mỹ thúc đẩy chiến lược "xoay trục châu Á", bao gồm gia tăng hiện diện quân sự và tăng cường mối liên kết đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, hiển nhiên đã tạo ra sức ép lớn đối với cả Nga và Trung Quốc.
Dù Bắc Kinh khẳng định "Nga-Trung hỗ trợ nhau để tăng tiếng nói trong đối thoại với Mỹ", nhưng báo chí Trung Quốc đang tận dụng hết cỡ mối quan hệ hợp tác với Nga để rêu rao và "nâng tầm" sức mạnh quân sự của nước này, trong khi báo Nga hiếm khi làm điều ngược lại.
Không thể phủ nhận, cuộc tập trận chung của Nga-Trung đang đáp ứng được những nhu cầu thiết thực từ cả Moscow và Bắc Kinh.
Và dù không thừa nhận, nhưng động lực lớn nhất để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác quân sự với Nga, là để tạo thành "đối trọng" với Mỹ-Nhật.
Trung Quốc muốn gây áp lực lên Mỹ-Nhật bằng cuộc tập trận với Nga, nhưng vẫn tuyên bố "không nhằm vào bên thứ ba"?
"Đối đầu sức mạnh trong thế kỷ 21 sẽ thảm khốc"
Hoàn Cầu khẳng định Nga và Trung Quốc là "những quốc gia có sức mạnh lớn" và mối quan hệ giữa 2 nước này "chỉ thấp hơn quan hệ đồng minh một bậc, tức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện".
Trung Quốc tin rằng, việc duy trì mối quan hệ "đồng minh ảo" này là đủ để giúp Bắc Kinh có được vị thế của "người bảo vệ hòa bình châu Á-Thái Bình Dương".
Đây là một nước đi đầy toan tính, bởi nếu Trung Quốc tiến lên quan hệ đồng minh với Nga, giữa 2 nước sẽ buộc phải xác lập một quốc gia đóng vai trò chủ đạo, và vị thế này - như Bắc Kinh hiểu rõ - sẽ không nằm trong tay họ.
Bên cạnh đó, dù Trung Quốc chấp nhận trở thành "chiếu dưới" của Moscow trong quan hệ đồng minh, thì động thái của 2 quốc gia này cũng sẽ tạo thành mối đe dọa khủng khiếp đối với Washington và Tokyo, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược ngoại giao của cả Nga và Trung Quốc.
Hoàn Cầu lo ngại, Nhật Bản - với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ - đang đóng vai trò "quá tích cực" trong vấn đề an ninh khu vực.
Tờ này cảnh cáo, bên cạnh việc gia tăng sức mạnh và củng cố quan hệ đồng minh, Tokyo nên "quan tâm đến cảm nhận về an ninh của các quốc gia không phải đồng minh của họ".
Bắc Kinh tuyên bố, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng phải thừa nhận "đối đầu sức mạnh trong thế kỷ 21 sẽ rất thảm khốc" bởi xung đột chỉ xảy ra khi cục diện địa chính trị ổn định đã bị phá vỡ.