Tổng thống Putin mất uy ở “cái nôi của xe lửa Nga“

Bảo Vĩnh |

Kinh tế Nga suy thoái khiến Tổng thống Putin mất uy ở “cái nôi của xe lửa Nga”, theo báo New York Times.

“Cái nôi của xe lửa Nga” là thành phố Nizhny Tagil ở phía bắc dãy núi Ural. Nizhny Tagil có hai ngành công nghiệp trụ cột: một là sản xuất thép, hai là xí nghiệp Uralvagonzavod chuyên đóng đầu máy, toa xe cho ngành đường sắt, và chế tạo cả xe tăng.

Lương không công bằng, dẫn đến đình công

Vì kinh tế suy thoái, cả hai ngành này đều tuyên bố sa thải nhiều công nhân.

Do ông Putin không muốn cắt giảm chi quân sự dù ngân sách cạn kiệt, nên trong khi công nhân mảng đầu máy-toa xe phải chịu giảm 2/3 lương (chỉ lĩnh khoảng 260 USD/tháng) thì khâu lắp ráp xe tăng vẫn hoạt động hết công suất, công nhân mảng này lãnh đủ lương.

Đó là lý do không ít công nhân tổ chức đình công phản đối. Công nhân Ilya Korovin nói cuộc đình công này để đòi quyền lợi cho công nhân mảng đầu máy-toa xe.

Lương bị giảm, không có việc để làm, trong khi giá sinh hoạt tăng cao. Lãnh đạo xí nghiệp thì không lập được kế hoạch nào. Korovin kết luận: “Suốt hơn một năm, anh em chúng tôi đi làm nhưng chẳng làm gì.

Xí nghiệp đã cạn tiền, nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng “Putin yêu thương chúng mình, sẽ cho chúng ta ít tiền”. Nhưng chúng ta đang có một nền kinh tế thị trường. Bạn không thể ép buộc người ta mua sản phẩm của mình được.

Nhiều người trông cậy ông Putin, nhưng anh em chúng tôi không thể lập lại nền kinh tế tập quyền về trung ương”.

Năm 2012, 30.000 công nhân Uralvagonzavod từng ủng hộ cuộc tranh cử tổng thống của ông Vladimir Putin, vào lúc giá dầu thô là 100 USD/thùng, tiền bán được đổ về như suối, rất nhiều việc để làm. Lúc đó, chính phủ Nga có quỹ tiền mặt dự trữ nhiều hơn hiện nay.

Ông Putin được xem là vị cứu tinh của các thành phố công nghiệp, cùng các nhà báo đến thăm những trung tâm công nghiệp lâm rắc rối, trước khi ông tuyên bố các khoản tiền bảo lãnh giúp các ngành này tái cơ cấu hoạt động.

Đến năm 2015, ngay cả khi giá dầu rớt mạnh, nước Nga trải qua một cuộc suy thoái mạnh vì phải tung ra dòng ngoại tệ dự trữ để chi tiêu, từ các quan chức Điện Kremlin cho đến lãnh đạo công ty đều tuyên bố những vấn đề kinh tế đều nằm trong tầm kiểm soát.

Theo New York Times, hiện cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu tác động, mức lương thực hưởng bị giảm 6,3% hồi tháng 1.2016 so với một năm trước.

Doanh số bán xe ô tô con giảm 40% tại Nga, quốc gia gần đây được xem là tăng trưởng mạnh, có thể vượt qua Đức để trở thành thị trường xe con lớn nhất châu Âu.

Vì không còn nhiều hàng hóa vận chuyển, ngành đường sắt giảm hẳn hoạt động và phải hủy đặt hàng các đầu máy, toa xe mới. Hậu quả là phát sinh những cuộc đình công ở Nizhny Tagil và ở nhiều nơi trên nước Nga.

Năm 2012, khi ông Putin vận động tranh cử Tổng thống Nga, đốc công Igor R.Kholmanskikh của xí nghiệp Uralvagonzavod (ở Nizhny Tagil) xuất hiện trong một cuộc giao lưu được truyền hình toàn quốc, và người đốc công tuyên bố ông sẽ cùng “lính của tôi” sẵn sàng về Moscow để “đánh” người thành thị phản đối kế hoạch tranh cử tổng thống của ông Putin.

Ông Putin liền tuyên dương Kholmanskikh: “Ông đã cho thấy người Nga là thế nào, và người lao động Nga là ai”.

Kholmanskikh và các nhân công không hề đánh ai, nhưng hàng ngàn công nhân xí nghiệp Uralvagonzavod được chở trên nhiều xe buýt, đến các điểm mít tinh ủng hộ ông Putin.

Và ngay sau khi đắc cử tổng thống, ông Putin ký sắc lệnh đầu tiên chỉ định Kholmanskikh vào chức vụ cấp liên bang cao nhất vùng Ural: đại diện của Điện Kremlin ở vùng này.

"Họ chỉ treo mì ống vào tai chúng ta"

Vậy mà đến tháng 2.2016, khoảng 100 công nhân xí nghiệp Uralvagonzavod vừa tổ chức biểu tình ở quảng trường Những người thợ máy, phản đối việc họ bị sa thải, bị giảm lương. Họ cũng phản đối những người thân cận giàu có của ông Putin trong ngành đường sắt.

Cuộc biểu tình này diễn ra sau một năm các công nhân hầu như không có việc làm ở xí nghiệp xe lửa lớn nhất thành phố này. Hằng ngày, hàng ngàn công nhân đến xí nghiệp, chỉ ngồi không cho đến hết ca, bên cạnh các băng chuyền không hoạt động.

Công nhân Yevgeny M.Shukhin nói: “Lãnh đạo xí nghiệp nói họ có đơn đặt hàng, nhưng họ cũng cắt giảm lương của chúng tôi”. Shukin nói về việc Tổng thống Putin bị mất uy: “Tôi không nghĩ Uralvagonzavod sẽ lại bầu cho ông Putin nữa.

Chúng tôi đã thấy việc đó dẫn đến điều gì. Đó là ý kiến chung của anh em nhưng họ sợ không dám nói ra. Chúng tôi chỉ không hiểu vì sao họ sa thải nhiều nhân công”.

Ông Mikhail G.Scherbakov, một lãnh đạo đã về hưu của xí nghiệp Uralvagonzavod, cho biết sau 43 năm lao động, ông được hưởng mức trợ cấp 13.600 rúp/tháng (175 USD). Ông nói: “Một là họ vô ý thức, hai là họ chẳng còn tiền”.

Ông Nikolai Kalugin, thuộc đảng Người hưu trí, nói: “Họ chỉ treo mì ống vào tai chúng ta!”, sử dụng một thành ngữ Nga để chỉ việc lãnh đạo xí nghiệp tuyên bố có nhiều đơn đặt hàng toa xe là một trò lừa anh em công nhân.

Tại Moscow, ông Ilya Yashin, thủ lĩnh một tổ chức đối lập mà ông Kholmanskikh từng dọa “lính của tôi” ở xí nghiệp Uralvagonzavod sẽ đánh người chống ông Putin, đã viết Facebook động viên giới công nhân xí nghiệp này:

“Hỡi anh em lao động Uralvagonzavod, cuối cùng những người từng dọa đàn áp người biểu tình đã phải biểu tình chống sa thải nhân công và chống vi phạm quyền lao động. Thời gian đã xếp mọi sự vào đúng chỗ của nó”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại