Tổng thống Obama “bao che” quan chức Nhà Trắng “xì” tin mật

Vĩnh Thụy |

Tờ Washington Times nêu: chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama "bao che" quan chức Nhà Trắng "xì" tin mật, nhưng lại trù dập những người vạch trần những sai phạm này.

Việc chính phủ Obama "bao che" quan chức Nhà Trắng "xì" tin mật, được tờ báo Mỹ nêu: chính quyền 'xử' nhẹ tay với các "quan to", nhưng điều tra, truy tố nhân viên cấp thấp 'xì' thông tin mật và những người quản lý tồi bí mật quốc gia.

Hoạt động truy tố này của chính quyền Obama nhiều hơn các chính phủ tiền nhiệm trong lịch sử Mỹ: 6 người phải vào tù.

Đã là quan to còn thêm cả "ô dù", xử nhẹ

Nhưng khi chuyện 'xì' thông tin mật xảy ra đối với tướng thủy quân lục chiến về hưu  James E. Cartwright, Nhà Trắng lại từ chối hợp tác với công tố viên đặc biệt. Cartwright được xem là vị tướng mà ông Obama ưng ý nhất, từng là phó chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ (JCS).

Công tố viên đặc biệt bêu tên ông tướng này là mục tiêu điều tra vụ 'xì' bí mật về một chương trình ngầm nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Tờ Washington Post nêu: Nhà Trắng viện lý do “an ninh quốc gia” để không nộp các tài liệu về chương trình này cho công tố viên.

Còn NBC News viết: Cartwright là một mục tiêu điều tra, có nghĩa Cục cảnh sát liên bang (FBI) đã tập hợp được đủ chứng cứ để buộc tội. Luật sư của Cartwright nói vị thân chủ chẳng sai phạm gì.

Tiếp đến là vụ tướng bộ binh David H. Petraeus, một trong những gương mặt chống khủng bố, làm cố vấn cho Nhà Trắng về vấn đề an ninh quốc gia.

Là giám đốc CIA và là “cận thần” an ninh quốc gia thân cận nhất của ông Obama, Petraeus cũng quản lý tồi tài liệu mật, nhưng chỉ bị hai năm quản thúc và nộp phạt 100.000 USD.

Ông cũng khai man với FBI, về chuyện cung cấp thông tin mật cho “bồ nhí” là một nhà báo. Họ ngoại tình với nhau, khi ông tướng 4 sao này chỉ huy quân Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và nhà báo đến chiến trường để viết tiểu sử về ông.

Khi FBI khám nhà ông, họ phát hiện nhiều sách chứa thông tin tuyệt mật trong tủ ở phòng đọc sách.

Nhưng Petraeus đạt được một thỏa thuận giúp ông thoát cảnh phải ngồi tù.  Luật sư của các bị cáo khác phàn nàn thỏa thuận này giống hệt một dạng “xin nhận khuyết điểm” mà không bị kỷ luật nặng.

Obama
Tướng Petraeus với người tình 

Lấy thành tích che đi sai phạm

Tiếp nữa là những thông tin do chính chính phủ Obama để lộ ra, về vụ biệt kích SEAL hải quân Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan hồi tháng 5.2011.

Chiến dịch tái tranh cử tổng thống-và trúng cử-của ông Obama thường lấy thành tích này làm lý do vận động dân Mỹ lại bỏ phiếu cho ông.

Bộ trưởng quốc phòng lúc đó là Robert Gates choáng váng vì chính phủ công bố quá nhiều bí mật về các kỹ thuật, chiến thuật, đến độ ông phải năn nỉ các trợ lý của ông Obama “im miệng”.

Thanh tra Bộ quốc phòng Mỹ (IG) đã điều tra việc Nhà Trắng ủng hộ bộ phim "Zero Dark Thirty” kể vụ truy lùng Bin Laden hồi năm 2012.

IG phát hiện: Nhà Trắng chia sẻ thông tin tình báo chính dẫn đến chiến dịch cho nhóm làm phim, theo bản nháp báo cáo của IG  mà tổ chức Dự án giám sát chính phủ (POGO) có được.

IG mở cuộc điều tra trên theo yêu cầu của một nghị sĩ đảng Cộng hòa. IG còn phát hiện giám đốc CIA lúc đó là Leon Panetta lộ thông tin mật tại một lễ trao giải ở trung tâm CIA, có sự tham dự của đoàn làm phim dù nhóm này không được phép nghe thông tin mật.

Theo bản nháp báo cáo, ông Paneta tiết lộ tên tuổi của chỉ huy trong khi lẽ ra phải giữ kín. Ông cũng trao đổi về các tài liệu đóng dấu “TUYỆT MẬT //SI//REL”.

SI là “tình báo đặc biệt” hoặc nghe lén thông tin, còn REL có nghĩ có thể chia sẻ thông tin mật với một số quốc gia đồng minh (có danh sách hẳn hoi).

Báo cáo chính thức của IG công bố tháng 6.2013, không hề đề cập chuyện Panetta 'xì' tin mật. Panetta giải thích với AP: ông không biết có đoàn làm phim dự lễ trao giải.

9 người bị buộc tội, 6 người bị kết án

Không hề có thông tin công khai về chuyện các quan chức chính phủ Obama bị trừng phạt, vì cung cấp thông tin những vụ khiến Gates bị choáng váng.

Ngược lại, Bộ Tư pháp truy tố ít nhất 9 người 'xì' hoặc quản lý tồi thông tin mật gồm: một lính bộ binh, 2 nhân viên Cục an ninh quốc gia (NSA) 2 đặc vụ FBI, 1 nhà thầu Bộ Quốc phòng,  2 cựu quan chức CIA và tướng Petraeus.

Không được như tướng Petraeus, 8 người nêu trên đều là công chức cấp thấp, và 6 người đã bị lãnh án tù.

Chính phủ Obama cũng đưa nhiều người công bố sự thật vào diện điều tra vì “hành động trái phép”. Những người này xem chuyện điều tra là một âm mưu công khai để bịt miệng họ.

John Kiriakou, một cựu chuyên gia phân tích của CIA, bị tù 2 năm vì 'xì' tên một điệp viên CIA cho giới truyền thông. Năm ngoái, ông viết trên báo Los Angeles Times: những tiết lộ của Panetta “lẽ ra phải có hậu quả là tội danh hình sự gián điệp”.   

Kiriakou viết trong tù: “Tổng thống và tổng chưởng lý đã sử dụng Luật tình báo để chống lại nhiều người hơn tất cả các chính phủ khác cộng lại, nhưng không chống lại bọn phản quốc, điệp viên thật sự. Luật được áp dụng có chọn lọc, thường nhắm vào những người tố cáo sự thật và những người vạch trần các hành động phi pháp của chính phủ”.  

Kiriakou mãn án hồi tháng 2.2015.

"Một máy giải quyết chuyện công-tư cho tiện"

Hiện FBI đang điều tra việc bà Hillary Clinton chứa thông tin mật trong máy chủ ở nhà riêng, khi bà có 4 năm làm Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama.

Việc kiểm tra máy chủ cá nhân của bà Clinton có thể “khai quật” nhiều chi tiết hơn những gì mà bà đã gởi trong các thư điện tử.

Nó sẽ trả lời những câu hỏi về an ninh trong máy của bà, ai tiếp cận máy chủ, và liệu có chăng việc người ngoài toan thực hiện chiếm đoạt nội dung. FBI niêm phong máy, sau khi thanh tra gần đây nêu lo ngại thông tin mật có đi qua hệ thống này.

Một cựu sĩ quan tình báo nói với Washington Times: những sơ hở của bà Clinton rất nghiêm trọng, vì bà giữ thông tin tối mật cùng các thông tin mật trong một máy chủ không an toàn, có thể bị các thế lực thù địch xâm nhập.

Bà Clinton từng biện hộ: việc sử dụng máy chủ riêng để gởi cả thư điện tử công lẫn tư là vì “sử dụng chỉ một máy thì tiện hơn”.

Hồi tháng 3, bà Clinton từng nói: bà trao đổi khoảng 60.000 thư điện tử trong 4 năm làm Ngoại trưởng, một nửa số đó là thư tín cá nhân và đã xóa. Bà chuyển số thư còn lại đến Bộ Ngoại giao xem xét và công bố từng tháng.

Hồi tháng 7, IG của Bộ Ngoại giao cảnh báo: một số thông tin đi qua máy chủ của bà là thông tin mật của cộng đồng tình báo Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ ra sức phòng thủ với IG, ví dụ từ chối cung cấp bản sao 30.000 thư điện  tử bà đã gởi đến Bộ.

IG nói một số thư điện tử trong máy chủ riêng của bà chứa nhiều bí mật quốc gia, nhưng người phát ngôn bác và giải thích: Các thư điện tử của bà cho thấy có vài thông tin bà viết đã được Bộ Ngoại giao kiểm duyệt vì lý do an ninh trước khi công bố.

Chính phủ xóa các thông tin này theo Luật tự do thông tin, nhằm bảo mật thông tin quốc phòng và đối ngoại.

Một thăm dò mới đây cho biết: đa số dân Mỹ muốn phải có một cuộc điều tra hình sự đối với bà Clinton, và một số chính khách bảo thủ đang kêu gọi phải có một công tố viên đặc biệt điều tra hình sự đối với bà Clinton, người hiện là ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Tom Fitton, lãnh đạo tổ chức Giám sát pháp lý, đã nộp nhiều đơn kiện Bộ Ngoại giao Mỹ cùng các cơ quan khác, kêu gọi một cuộc truy tố độc lập, không giao cho Bộ Tư pháp.

Tuần trước, sau thông tin bà Clinton đã giao nộp máy chủ cho FBI, hạ nghị sĩ Daniel E. Issa (Cộng hòa) cũng kêu gọi phải điều tra hình sự đối với bà Clinton.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner (Cộng hòa) gợi ý mở cuộc điều tra hình sự: “Ngoại trưởng Clinton từng có các tuyên bố dối, rằng bà không nắm giữ thông tin mật. Việc bà ấy quản lý tồi thông tin mật phải bị điều tra đầy đủ”.

Obama
Tranh biếm bà Clinton nộp máy chủ cá nhân

Trong khi đó, chính quyền Obama tiếp tục điều tra những người 'tuýt còi' nói lên sự thật, cáo buộc họ quản lý tồi dữ liệu mật.

Ví dụ trung tá Jason Amerine, một anh hùng biệt kích Mỹ, ra trước quốc hội, vạch trần điều ông tin là một chủ trương giải cứu con tin “lộn xộn”. Bộ binh gạt ông khỏi văn phòng Lầu Năm Góc và điều tra hình sự đối với ông.

Hoặc người 'tuýt còi' Kirk Wiebe, một cựu nhân viên NSA, bị FBI khám nhà, tịch thu máy điện toán. Ông kiện họ, nhưng công tố viên liên bang buộc tội ông giữ thông tin mật trong ổ cứng. Wiebe phủ nhận, chưa bị truy tố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại