Tổng thống Nga ‘ra tay nghĩa hiệp’ với Tajikistan

Hàn Giang |

Hôm 15.9, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ hỗ trợ Tajikistan đảm bảo sự ổn định sau cuộc đọ súng khiến hơn 20 người thiệt mạng trong tháng này, dấy lên những lo ngại về tình trạng bất ổn liên quan đến hoạt động của các phần tử Hồi giáo ở quốc gia Trung Á.

Ông Putin trong chuyến thăm thủ đô Dushanbe của Tajikistan, đã phát biểu về cuộc đụng độ giữa các tay súng trung thành với cựu thứ trưởng quốc phòng của nước này với quân đội chính phủ.

Nguyên nhân của vụ việc hiện vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moscow lo ngại về sự lan tỏa bạo lực từ Asghanistan đến Tajikistan và các quốc gia khác ở khu vực Tây Á.

“Tajikistan đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trong khu vực.

Nhưng tôi muốn khẳng định rằng, chính phủ Dushanbe có thể dựa vào sự giúp đỡ và hỗ trợ từ Moscow trong bất cứ trường hợp nào”, ông Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một tổ chức an ninh bao gồm 6 quốc gia  thuộc Liên Xô cũ.

Sự ủng hộ từ phía Nga là rất quan trọng đối với Tổng thống Tajikistan Imomali Rakhmon, người đã cai trị đất nước từ năm 1992 và ít khoan dung với những người bất đồng chính kiến.

Moscow đã hậu thuẫn cho chính phủ Dushanbe trong cuộc nội chiến từ năm 1992-1997, chống lại các chiến binh Hồi giáo, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Hội nghị của CSTO năm nay do Tổng thống Rakhmon chủ trì. Các nhà phân tích đánh giá, CSTO như một đối trọng của các nước thuộc Liên Xô cũ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực.

Tổ chức này cũng có lực lượng phản ứng nhanh, được thành lập nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma túy và phần tử tôn giáo cực đoan.

Nga dẫn đầu trong các hoạt động của tổ chức, ngoài ra còn có Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Hiện tại, Moscow có một căn cứ bộ binh với 6.000 quân bên trong Tajikistan và một căn cứ không quân gần Kyrgyzstan.

Một số chính trị gia Nga đề cập đến Trung Á như một đối tác chiến lược quan trọng của Moscow, và tỏ ra khó chịu khi theo dõi kế hoạch rút quân của NATO ở Afghanistan.

Tổng thống Putin cùng giới chức lãnh đạo các nước trong CSTO nhận định, tình hình bên trong Afghanistan đang trở nên hỗn loạn sau khi NATO rút quân.

“Mối đe dọa tăng lên đáng kể, khi các nhóm khủng bố cực đoan có thể xâm nhập vào quốc gia láng giềng Afghanistan”, ông Putin cho biết trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng thể hiện sự quan tâm đến việc công dân nước này tham gia chiến đấu bên cạnh các chiến binh Hồi giáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại