Bắc Cực là vùng duy nhất trên thế giới không được xác định biên giới và Nga, Đan Mạch, Na Uy và Canada đều tuyên bố chủ quyền thềm lục địa và nguồn tài nguyên của Bắc Cực.
Ước tính có hàng tỉ tấn dầu - khí ở thềm lục địa nên 4 nước trên đều giành chủ quyền.
Tổng thống Nga Putin tung quân bảo vệ nguồn dầu khí Bắc Cực, còn triển khai tên lửa phòng không hiện đại đến vùng này.
Kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Nga gồm xây 13 đường băng và 10 trạm radar tại Bắc Cực vốn cũng giàu nguồn cá.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đang giám sát việc hoàn thành 6 căn cứ quân sự mới ở vùng lãnh thổ thuộc Nga nhằm ngăn cản sự cạnh tranh tài nguyên của các nước khác.
Hiện có 150 quân nhân Nga chờ đón Năm mới 2016 ở căn cứ Trefoil tại đảo Alexandra Land ở trung tâm Bắc Cực.
Bộ Quốc phòng Nga trong tháng 12 đã tuyên bố đưa tên lửa phòng không S-400 đến quần đảo Novaya Zemlya và cảng Tiksi.
5 căn cứ quân sự còn lại sắp xây xong ở các đảo Kotelny, đảo New Siberia, đảo Sredny thuộc quần đảo Severnaya Zemlya, vùng Rogachevo ở quần đảo Novaya Zemlya và đảo Wrangel cùng mũi Schmidt trên bán đảo Chukotka.
Nga còn có tàu chiến và tàu ngầm chạy bằng hạt nhân thuộc Hạm đội Biển Bắc, đóng ở bán đảo Kola cùng 2 đơn vị bộ binh cơ giới và xe đi tuyết, tàu đệm không khí.
Igor Korotchenko, biên tập viên của tạp chí Quốc phòng (ở Moscow) nói với báo The Times: “Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga, vì nguồn dự trữ dầu khí đáng kể của nó.
Điều kiện ở vùng này rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông, nên các căn cứ mới này sẽ cho phép quân Nga trú đóng suốt cả năm, kiểm soát không phận hàng trăm km xung quanh”.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Nga quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì thế cạnh tranh nguồn tài nguyên ở Bắc Cực. Nhưng Nga không là quốc gia duy nhất tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng đất lạnh giá này.
Gần đây, tàu ngầm Anh - Mỹ đã đến biển Bắc Cực và Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị lập hạm đội tàu phá băng Mỹ trong khi Canada tăng quân ở đây.
Thềm lục địa Bắc Cực cũng rất quan trọng đối với các nước tranh chủ quyền, do có khoảng 90 tỉ thùng dầu ở dưới. Vùng này cũng giữ khoảng 30% nguồn khí tự nhiên của thế giới.
Dự kiến vào tháng 2.2016, Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét tuyên bố chủ quyền Bắc Cực của Nga.