Tổng thống Nga Putin được và mất gì vì Ukraine?

Phạm Khánh |

Theo tờ Washington Post, mặc dù các chính sách mạnh mẽ của Tổng thống Putin ở Ukraine đã dẫn đến hàng loạt vấn đề cho Nga, nhưng những hậu quả đó có lẽ vẫn nằm trong sự chuẩn bị từ trước của Moscow.

Cách đây một năm, hầu hết người Ukraine đều không muốn nước mình gia nhập NATO. Xe tăng của Mỹ không tập trận gần biên giới Nga. Và đồng rúp vẫn đang có giá ổn định 33 rúp/USD.

Nhưng với tất cả những hỗn loạn ở Ukraine, Nga đang đối mặt với một thực tế đầy khó khăn. Đa phần người dân Ukraine đều muốn nước này hướng sang châu Âu.

Quân đội của NATO đang được báo động tại các nước khu vực Baltic (gồm 3 nước giáp với Nga là Estonia, Latvia và Lithuania). Đồng rúp mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bắt tay tại Minsk hôm 11/2/2015.

Tuy vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng giành rất nhiều chiến thắng quan trọng, đặc biệt nhất là việc sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014.

Ông Putin đã từng ca ngợi rằng, chiến thắng này sẽ được ghi trong biên niên sử của nước Nga.

Với các chính sách mạnh mẽ trong cuộc đối đầu với phương Tây và Mỹ vì Ukraine, ông Putin cũng đạt được sự ủng hộ vô cùng lớn của người dân Nga.

Kinh tế

Trong những tháng gần đây, nền kinh tế Nga đối mặt với nhiều vấn đề lớn.

Giá dầu và giá trị đồng rúp cùng giảm mạnh. Theo nhiều chuyên gia, với việc dòng chảy đồng USD vào Nga bị chặn bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moscow sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn nữa.

Hôm 18/12/2014, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev đã trả lời phỏng vấn tờ Vedomosti (Nga) rằng, các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga có khả năng sẽ được áp dụng trong một thời gian rất lâu, và có thể là hàng chục năm, đặc biệt là nếu Mỹ kí nó thành luật.

Cũng theo ông, các lệnh trừng phạt này sẽ còn khắc nghiệt hơn trong năm tới đồng thời thị trường dầu mỏ cũng sẽ trở nên ảm đạm hơn.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang vướng vào một trận bão hoàn hảo”.

Trong khi Ngân hàng Trung ương Nga dự báo nền kinh tế nước này có thể bị thu hẹp tới 4,8% vào năm 2015 thì các chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn.

Chưa bao giờ nước Nga phải đối mặt với tình trạng kinh tế ảm đạm như vậy dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Putin.

Tuy nước Nga đang bước vào năm mới với vị thế không ổn định, nhưng cho tới cuộc họp báo thường niên vào cuối năm 2014, ông Putin vẫn không hề có bất cứ biểu hiện nào cho thấy đang lo ngại về tình hình trên.

Thậm chí, ông còn thách thức, phương Tây nên tìm cách khác để tấn công Nga. Ông hứa hẹn nền kinh tế Nga sẽ hồi phục trong hai năm tới.

Nhiều cố vấn, nhà ngoại giao và các nhà phân tích Nga đều nhận định, họ không tin nền kinh tế sẽ sớm ổn định.

Tuy nhiên, ông Putin vẫn kiên quyết: “Đó không phải là cái giá chúng ta phải trả vì Crimea.

Đây thực ra là cái giá phải trả cho khát vọng bảo vệ quốc gia, nền văn minh và nhà nước của chúng ta”.

Mối quan hệ với phương Tây

(Từ trái sang), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Minsk hôm 11/2/2015.

Một trong những mục tiêu chính của ông Putin là chống lại NATO, một liên minh quân sự châu Âu mà nhiều người Nga xem là mối đe dọa đối với an ninh của họ.

Sự mở rộng của NATO năm 2004 ở các quốc gia Baltic bị xem là một cái “gai” lớn đối với ông Putin.

Các cố vấn của điện Kremlin cho biết, ông Putin luôn cho rằng, Ukraine sẽ là mục tiêu tiếp theo trong kế hoạch bành trướng của phương Tây.

Tuy nhiên, tờ Washington Post dẫn lời một số nhà ngoại giao khẳng định, NATO chưa bao giờ cân nhắc tới việc cho Ukraine gia nhập liên minh này, đặc biệt là khi phần lớn người Ukraine đều không đồng tình với ý tưởng đó.

Vài ngày sau khi Nga sáp nhập Crimea, số lượng chiến đấu cơ của NATO tuần tra trên bầu trời các nước Baltic đã tăng gấp ba lần.

Xe tăng của Mỹ liên tục tập trận ở Latvia, sát biên giới Nga. Hồi tháng 11/2014, xe tăng Mỹ còn tuần hành trên đường phố Riga để kỉ niệm ngày độc lập của Latvia.

Đức, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở châu Âu, cũng đang quay lưng lại với Nga.

Mặc dù dư luận Đức rất có cảm tình với Nga nhưng điều đó đã thay đổi sau vụ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi ở miền Đông Ukraine hồi tháng 7/2014.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga ngày càng khắc nghiệt.

Pháo kích bắn về phía quân đội Ukraine tại Debaltseve hôm 11/2/2015.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định rằng, Ukraine có thể không còn nằm trong quỹ đạo của Nga nữa nhưng cũng khó có thể hướng tới châu Âu với một nền kinh tế đang hết sức suy sụp.

Cựu cố vấn chính sách đối ngoại của điện Kremlin
Sergey Karaganov
Dưới thời ông Putin, lần đầu tiên trong 100 năm lịch sử nước Nga, Nga đang không phải lo sợ bất kì mối đe dọa bên ngoài nào.

Uy tín trong nước

Cho tới tận lúc này, ông Putin và phần lớn người dân Nga vẫn tỏ ra không hề quan tâm tới những khó khăn đó. Họ vẫn đang hân hoan với việc Moscow đã sáp nhập được Crimea mà không cần mất tới một binh sĩ.

Hồi tháng 3/2014, một cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu phi chính phủ Nga, Trung tâm Levada, cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin lên tới mức kỉ lục 80%.

Cho đến giờ, tỷ lệ này vẫn ở mức cao khi người dân vẫn đang muốn sát cánh cùng Tổng thống Nga đối phó các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Kết luận cho những gì mà Moscow đang phải trải qua, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nói.

"Chúng ta đang bước vào giai đoạn thay đổi. Chúng ta đang ở trong những ngày đầu của giai đoạn đó, nhưng tôi thấy nước Nga sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn.

Trong vài năm tới, khó có thể hy vọng về sự ổn định”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại