Toàn văn điếu văn tiễn biệt cha khiến người Singapore rơi lệ

Đức Huy |

"Ngày 9/8 năm nay đánh dấu 50 năm ngày Singapore giành được độc lập. Chúng ta đều đã hi vọng ông có thể cùng chia sẻ cột mốc vô cùng trọng đại ấy. Nhưng tiếc thay..."

LTS: Hôm nay, 29/3/2015, cả nước Singapore đã tổ chức lễ quốc tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người được coi là "người cha lập quốc" của đảo quốc Đông Nam Á này.

Ông Lý Quang Diệu qua đời vào rạng sáng thứ hai, 23/3/2015, hưởng thọ 91 tuổi.

Trong lễ tang, trước sự chứng kiến của gia đình, người thân, bạn bè, nội các Singapore cùng các nguyên thủ quốc gia khắp năm châu, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đọc một bài điếu văn cảm động tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng.

Dưới đây chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bản dịch đầy đủ của bài điếu văn này.

Tuần vừa qua, đối với đất nước Singapore, là một quãng thời gian đen tối.

Ngọn đèn soi sáng chúng ta suốt bao nhiêu năm qua đã tắt. Chúng ta đã mất đi người cha Lý Quang Diệu, người cả cuộc đời đã sống Singapore, thở Singapore. Ông cùng các cộng sự đã dẫn dắt thế hệ tiên phong xây dựng nên đảo quốc Singapore hôm nay.

Những ngày đầu sự nghiệp

Thời niên thiếu, ông không hề có ý định làm chính trị, chứ chưa nói đến trở thành lãnh đạo của một quốc gia. Ông nội ông thậm chí còn muốn cháu mình nhập quốc tịch Anh.

Nhưng những sự kiện diễn ra trước mắt cậu bé Lý Quang Diệu bấy giờ đã để lại trong ông những dấu tích không thể xóa mờ và thay đổi cuộc đời ông.

Ông đã tận mắt chứng kiến Singapore dưới sự thống trị của Đế quốc Anh. Ông đã trải qua vô vàn những khó khăn, những nỗi sợ, và những hiểm nguy thường trực khi đảo quốc này bị Nhật Bản chiếm đóng.

Chính những kí ức đó đã thôi thúc chàng trai Lý Quang Diệu chiến đấu để giành độc lập.

Trong một bài phát biểu trên sóng radio năm 1961, ông từng nói: "Tôi và các cộng sự đại diện cho thế hệ những chàng trai đã trải qua Thế chiến Thứ hai và sự thống trị của Nhật Bản.

Và khi đã thoát ra khỏi những năm tháng ấy, chúng tôi đặt quyết tâm rằng không một ai có quyền chà đạp lên sự tự do của chúng tôi."

Chúng tôi đặt quyết tâm rằng không một ai có quyền chà đạp lên sự tự do của chúng tôi. Ảnh: Google Images

"Chúng tôi đặt quyết tâm rằng không một ai có quyền chà đạp lên sự tự do của chúng tôi." Ảnh: Google Images

Lý Quang Diệu quyết giành được sự tự do cho Singapore thông qua việc sáp nhập với Malaya để tạo nên Liên hiệp Malaysia. Ông đã làm việc không biết mệt mỏi để hiện thực hóa mục tiêu đó, và ông đã thành công.

Không may là mối liên kết này không kéo dài được lâu. Chúng ta sớm bị tách khỏi Malaysia. Phải ly khai là một trong những nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông, nhưng nó cũng là bước ngoặt cho vận mệnh của Singapore sau này.

Từ đống tro tàn sau ly khai, Lý Quang Diệu bắt tay dựng nên một quốc gia độc lập. Khi đó, cách đơn giản nhất là chiều theo ý của đa số, tức bộ phận người Hoa tại Singapore. Tuy nhiên, ông đã chọn cách khác.

Ông quyết theo đuổi ước mơ vĩ đại về một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo.

Trong tầm nhìn của ông bấy giờ, Singapore sẽ không đồng nhất về sắc tộc, về ngôn ngữ, hay về tôn giáo, mà dựa trên những giá trị cơ bản: đa sắc tộc, bình đẳng, trọng dụng người có tài, sự ngay thẳng, và luật pháp.

Ông tuyên bố: "Singapore không phải là một đất nước của một cộng đồng nào cả; Singapore thuộc về tất cả chúng ta".

Ông tìm bằng được những phần tử có dấu hiệu phân biệt chủng tộc, và đảm bảo với các tộc người thiểu số rằng họ sẽ luôn được bảo vệ an toàn tại Singapore.

Ông nhấn mạnh việc phải giữ được tiếng mẹ đẻ (tiếng Hán - PV), kể cả khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ làm việc phổ thông.

Ông khuyến khích mỗi nhóm người hãy gìn giữ văn hóa, tín ngưỡng, và ngôn ngữ của riêng mình, đồng thời mở rộng không gian chia sẻ những giá trị chung với tất cả.

Ông đã bảo vệ chúng ta trước một thế giới bất ổn đầy rẫy những hiểm họa. Cùng với ngài Goh Keng Swee (cựu phó Thủ tướng Singapore - PV), ông đã xây dựng lực lượng vũ trang Singapore (SAF).

Khi mới thành lập, SAF chỉ có vỏn vẹn 2 tiểu đoàn bộ binh và một chiếc thuyền gỗ nhỏ bé. Dưới tay ông, SAF nay đã trở thành một lực lượng được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ.

Ông cho ra đời Nghĩa vụ Quốc gia (NS), và tự mình thuyết phục phụ huynh cho con cái mình nhập ngũ. Ông có thể thuyết phục được họ bởi chính ông đã làm tấm gương đi trước.

Hai người con trai của ông - tôi và em trai tôi, đã đăng kí gia nhập SAF như bao thanh niên Singapore khác.

Thêm vào đó, mọi người luôn có niềm tin vào ông, tin tưởng vào đường lối mà ông vạch ra cho Singapore. Cũng nhờ đó mà hôm nay đây, mỗi người chúng ta đều được ngủ an giấc, yên tâm rằng chúng ta đều được bảo vệ an toàn.

"Bàn tay thép" Lý Quang Diệu

Lý Quang Diệu đã tiếp thêm dũng khí giúp chúng ta đối mặt với một tương lai vô định. Ông luôn nói thẳng, không ngại những "sự thật mất lòng", kể cả khi chúng có liên quan tới chính ông.

Các bộ trưởng đôi khi cũng khuyên ông nên nhẹ nhàng hơn trong các bài phát biểu, sao cho giọng điệu của ông bớt cứng rắn để thích ứng với sự nhu nhược và yếu đuối của một số người nghe. Chính tôi cũng đã từng khuyên ông như vậy.

Ông cũng thường sửa lại theo lời khuyên của chúng tôi, nhưng thông điệp cốt lõi của ông thì không bao giờ thay đổi.

"Tôi luôn cố gắng nói đúng sự thật, chứ tôi không cố gắng làm vừa lòng tất cả." - ông từng nói.

Thì sao?; Điều đó có ý nghĩa gì với Singapore? Ảnh: StraitsTimes

"Tôi luôn cố gắng nói đúng sự thật, chứ tôi không cố gắng làm vừa lòng tất cả." Ảnh: StraitsTimes

Ông là một nhà hùng biện có tầm ảnh hưởng lớn. Những bài phát biểu của ông dù bằng tiếng Anh, Malay, Trung, hay thậm chí là tiếng Mân (một nhóm phương ngữ của tiếng Trung), thì cũng đều đầy cảm hứng và có sức thuyết phục.

Những bài phát biểu của ông được phát lại trên truyền hình tuần qua đã tái hiện lại cho chúng ta hình ảnh của một con sư tử Singapore nguyên dạng - dữ dội, quyết liệt, và không gì có thể chế ngự được.

Trên tất cả, Lý Quang Diệu là một chiến binh. Đối mặt với khó khăn, khi mọi thứ tưởng chừng như đã hết hi vọng, ông vẫn giữ được ngọn lửa trong mình, luôn đầy ý tưởng, kiên định trong cách giải quyết, và không hề nao núng.

Cứ như thế, ông đã dẫn dắt chúng ta vượt qua bao cuộc chiến: từ giành quyền sáp nhập với Malaysia và chống lại những thế lực đối lập người Mã, cho đến ly khai và chứng kiến quân đội Anh rút khỏi Singapore, đe dọa đến sự an nguy của 150.000 người.

Vì tinh thần ông không bao giờ bị lung lay, chúng ta cũng không bao giờ phải do dự. Vì ông đã dũng cảm chiến đấu, chúng ta cũng lấy cảm hứng từ dũng khí ấy để sát cánh cùng ông, và có được hôm nay.

Ông đã đưa Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một cường quốc như thế đấy.

"Không phải lo!"

Tại nhiều quốc gia, những lãnh đạo sau thành công đưa nước họ thoát khỏi chế độ thực dân và giành độc lập lại thất bại khi xây dựng đất nước.

Bởi vì những thử thách của việc xây dựng một quốc gia, kiến thiết nền kinh tế, và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khác rất nhiều so với việc tập hợp lòng dân đấu tranh giành độc lập.

Nhưng với sự trợ giúp của đội ngũ các bộ trưởng, Lý Quang Diệu đã làm được cả hai.

Chỉ vài tuần sau khi tách khỏi Malaysia (1965), ông mạnh dạn tuyên bố rằng "10 năm sau, nơi đây (Singapore) sẽ trở thành một kinh đô hiện đại. Không phải lo!".

Và ông đã biến tuyên bố đó thành hiện thực.

Ông áp đặt kỉ luật và trật tự lên Singapore, để đảm bảo rằng mọi vấn đề xảy ra trong nội bộ Singapore đều có thể được giải quyết.

Ông giáo dục tầng lớp trẻ tuổi của Singapore.

Ông biến những cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người lao động thành sự hợp tác bình đẳng giữa họ với chính phủ.

Ông đứng sau những chiến dịch cải thiện kĩ năng và tăng năng suất cho người lao động, đồng thời ví những cố gắng nâng cao trình độ của họ như một cuộc chạy marathon không có điểm dừng.

Ông cho phép đội ngũ làm kinh tế đề ra kế hoạch và thực thi chúng để thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, và đi tới một Singapore thịnh vượng.

Tuy nhiên, ông luôn khẳng định rằng mặc dù "phát triển kinh tế là mục tiêu thiết yếu, phát triển tổ chức xã hội cũng không kém phần quan trọng".

Do đó, ông đã xây dựng một xã hội mà trong đó mỗi người đều có quyền được hưởng thành quả của sự phát triển. Việc học trở thành nền tảng dẫn đến nghề nghiệp ổn định và cuộc sống đầy đủ.

Những khu nhà mới do Hội đồng Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB) xây dựng lần lượt xuất hiện: Queenstown, Toa Payoh, Ang Mo Kio, và nhiều khu khác sau này.

Lý Quang Diệu quan tâm đến người dân Singapore, những người ông sống để phục vụ.

Khi dịch cúm gia cầm (SARS) hoành hành vào năm 2003, ông lo cho cái ăn của đội ngũ tài xế taxi, những người mất đi thu nhập vì nguồn khách du lịch giảm sút. Ông thúc giục chúng tôi nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp đỡ họ.

Lý Quang Diệu cũng quan tâm đến những người phục vụ ông.

Một buổi tối vài năm trước, ông gọi điện cho tôi nói rằng một nhân viên an ninh phục vụ mẹ tôi từ lâu đã muốn có con nhưng chưa thành công, và ông muốn giúp cô ấy. Ông hỏi tôi có biết cách nào giúp cô ấy nhận nuôi một đứa bé không.

Ông quan tâm đến từng người qua những cử chỉ, những hành động thực tế.

Nước nhỏ, nhưng tiếng nói không hề nhỏ

Ông đã có công nâng tầm vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Ông không chỉ quan sát nhạy bén các vấn đề trên thế giới, mà còn luôn đặt những lợi ích quốc gia lên hàng đầu và mở rộng không gian chiến lược của Singapore.

Trong những bước ngoặt quan trọng cả trong nước lẫn quốc tế, từ việc Anh rút quân khỏi Singapore cho tới sự trỗi dậy của Trung Quốc, những quan sát và tư vấn của ông đã có ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ đó, ông đã xây dựng được một hệ thống đồng minh trong chính trị và bạn bè ngoài đời thường. Ông biết từng lãnh đạo Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông và tất cả các đời Tổng thống Mỹ từ Lyndon Johnson.

Ông có quan hệ mật thiết với cựu Tổng thống Suharto của Indonesia, một trong những mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của Singapore.

Đặng Tiểu Bình, Margaret Thatcher, Helmut Schmidt, George Schultz, Bill Clinton, hay Henry Kissinger, tất cả đều đánh giá cao sự thẳng thắn và những suy nghĩ sáng suốt của ông.

[Cựu Thủ tướng Anh] Thatcher đã từng nói:

Cố Thủ tướng Anh
Margaret Thatcher
Ông Lý có một biệt tài nhìn xuyên thấu làn sương mù của tuyên truyền và xác định rõ những vấn đề của thời đại, cũng như cách giải quyết. Ông chưa bao giờ sai.

Đó là lý do tại sao, tiếng nói của Singapore luôn được lắng nghe. Dù chỉ là một nước nhỏ, nhưng tầm ảnh hưởng của chúng ta trên trường quốc tế không hề nhỏ.

Lý Quang Diệu không bước một mình trên con đường sự nghiệp của ông. Ông là một nhà lãnh đạo xuất chúng của một đội ngũ cộng sự xuất sắc.

Goh Keng Swee, S Rajaratnam, Othman Wok, Hon Sui Sen, Lim Kim San, Toh Chin Chye, Ong Pang Boon, Devan Nair, cùng nhiều người khác. Họ với ông như những người đồng chí, và ông không bao giờ quên họ.

Đó là lý do tại sao dù ông đã giành được rất nhiều danh hiệu trong sự nghiệp, nhưng ông hiếm khi mang theo trên người những huân chương danh hiệu này.

Trong buổi lễ nhận Huân chương Tự do do thành phố London trao tặng năm 2012, ông từng nói:

"Tôi cảm thấy mình như một nhạc trưởng cúi đầu nhận những tràng pháo tay từ khán giả, nhưng không thể quay lại và mời dàn nhạc của mình cùng đứng dậy để đón nhận sự tán dương dành cho những gì họ đã làm.

Điều hành một chính phủ cũng không khác mấy so với chỉ huy một dàn nhạc, không một lãnh đạo nào có thể gặt hái nhiều thành công nếu đằng sau họ không có những "kép phụ" xuất sắc."

Nhạc trưởng Lý Quang Diệu cũng dàn nhạc PAP của ông. Ảnh: Google Images
"Nhạc trưởng" Lý Quang Diệu cũng "dàn nhạc" PAP của ông. Ảnh: Google Images

Vì ông không làm việc đơn độc mà có sự trợ giúp của một đội ngũ cộng sự có trình độ.

Vì mọi người biết rằng ông quan tâm đến họ.

Vì ông có có niềm tin rằng người dân Singapore sẽ sát cánh cùng ông đi đến những thành công.

Đó là những lý do tại sao Lý Quang Diệu đã thu hút được lòng tin và sự tín nhiệm tuyệt đối của người dân Singapore.

Năm 1996, tôi từng gặp một người phụ nữ là chủ của một nhà hàng cơm rang nổi tiếng ở Singapore. Bà nói với tôi rằng: "Hãy nói với Lý Quang Diệu rằng tôi luôn ủng hộ ông."

Tôi sinh năm 1948. Năm nay tôi đã 48 tuổi rồi. Tôi đã chứng kiến những gì ông đã làm cho tôi, và cho Singapore".

Bà và những người cùng thế hệ hiểu rằng: "跟着李光耀走不会死的" - "Nếu sát cánh cùng Lý Quang Diệu, sẽ luôn có con đường sống".

"Khi tôi đã muốn làm gì, tôi sẽ theo đuổi mục tiêu đó đến khi thành công"

Ông đã phủ lên Singapore những tính cách đặc trưng của mình. Ông xây dựng Singapore trở thành một đảo quốc sạch sẽ và không tham nhũng. Nhà của ông nội thất giản dị, bản thân ông sống cũng rất tiết kiệm.

Ông mặc một chiếc áo khoác trong nhiều năm, khi rách thì khâu vá lại chứ không mua áo mới. Những đức tính này của ông cũng được chính phủ Singapore thấm nhuần.

Kể cả khi đã già yếu, trong buổi tiệc mừng sinh nhật thứ 90 của ông, Lý Quang Diệu vẫn không quên dặn dò các thành viên Nghị viện rằng Singapore phải luôn giữ được sự trong sạch của mình, và các thành viên Nghị viện phải là tấm gương trong việc thực thi điều đó.

Ông theo đuổi những ý tưởng của mình với một nhiệt huyết phi thường. Ông thường nhận xét về bản thân rằng:

"Tôi thấy mình là người quyết tâm và kiên trì. Khi tôi đã muốn làm gì, tôi sẽ theo đuổi mục tiêu đó đến khi thành công. Có thế thôi".

Nói thì dễ, nhưng để làm được như ông thì rất ít. Đó là cách mà ông nắm bắt thời cơ, nhận ra những cơ hội mà nhiều người khác bỏ qua.

Ông không hề ngần ngại thay đổi quan điểm khi mà một chính sách nào đó do ông đặt ra không còn hiệu quả. Nhận thấy tỉ lệ sinh giảm xuống dưới mức cho phép, ông đã loại bỏ chính sách chỉ cho sinh hai con và khuyến khích các cặp đôi sinh đẻ.

Ông từng đề cao việc kiểm soát thị trường tài chính, nhưng khi thời thế thay đổi, ông quyết định đã đến lúc phải thay đổi và tự do hóa dần dần. Đó là lý do tại sao trung tâm tài chính của Singapore có thể phát triển và được như hôm nay.

Ông luôn xác định rõ chiến lược cần tuân thủ, nhưng không bao giờ tự áp đặt mình vào một chiến lược đã lỗi thời và bỏ qua những thay đổi cần thiết để phù hợp với thời thế.

Không gì minh chứng cho điều này tốt hơn câu chuyện về nguồn nước sạch cho Singapore, một trong những quan tâm hàng đầu của Lý Quang Diệu trong suốt cả cuộc đời.

Trong Hiệp ước Ly khai kí với Malaysia, ông đã thiết lập hai thỏa thuận cung cấp nước với bang Johor. Từ đó, ông tự mình quản lý tất cả những cuộc trao đổi liên quan đến vấn đề nước sạch với phía Malaysia.

Trong nước, ông khởi xướng các chiến dịch tiết kiệm nước, xây hồ chứa, biến cả đảo quốc trở thành lưu vực trữ nước mưa để xử lý và sử dụng. Ngoài ra, ông đốc thúc công tác thanh lọc sông Singapore và lưu vực Kallang.

Và khi Hội đồng Lợi ích Công cộng Singapore (PUB) phát minh hệ thống nước sạch NEWater, khi công nghệ khử muối đã đi vào hoạt động, ông cũng ủng hộ hết mình những hướng đi mới này.

Kết quả là ngày nay, Singapore đã có thể chủ động về nguồn nước sạch, trở thành nước dẫn đầu trong công nghệ nước sạch, và biến sở đoản thành sở trường.

Vậy nên trời hôm nay mưa lớn như khóc thương cho ông, âu cũng hợp lý...

Trời mưa tầm tã trong lễ quốc tang Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Singapore.
Trời mưa tầm tã trong lễ quốc tang Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Singapore.

Với Lý Quang Diệu, không vấn đề gì là tiểu tiết. Trong các chuyến đi, khi ông phát hiện những loài thực vật có khả năng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu Singapore, ông tự tay mang hạt giống về nước.

Ông dùng vườn Istana (nơi ở của Tổng thống và Thủ tướng Singapore - PV) như một vườn ươm, và tự mình "khám sức khỏe" cho từng cây một. Thủ tướng của Singapore cũng đảm nhiệm luôn vai trò anh làm vườn của cả thành phố.

Ông có một nghị lực phấn đấu phi thường. Kể cả khi tuổi đã cao, ông vẫn học hỏi, tìm tòi những cái mới. Ở tuổi 70, để có thể viết hồi kí, ông học cách sử dụng máy tính.

Thỉnh thoảng ông gọi điện nhờ tôi giúp đỡ, có lúc ngay cả khi đã khuya, và tôi hướng dẫn ông qua điện thoại, chỉ cho ông cách lưu một file, hoặc tìm một văn bản mà theo lời ông đã "biến mất" ở đâu đó trong ổ cứng. Nếu không liên lạc được với tôi, ông lại hỏi vợ tôi.

Ông học tiếng Trung không ngừng nghỉ trong nhiều thập kỉ. Ông tranh thủ nghe lại băng ghi âm cách phát âm của giáo viên khi cạo râu mỗi sáng, hay lúc tập thể dục vào buổi tối. Suốt cả cuộc đời ông không từ bỏ việc học tiếng Trung.

Thật vậy, cuộc hẹn cuối cùng của ông hôm 4/2, một ngày trước khi ông rơi vào trạng thái nguy kịch, là với người gia sư tiếng Trung của ông.

Luôn nghĩ đến Singapore

Lý Quang Diệu cho chúng ta nguồn cảm hứng để luôn cố gắng hết mình.

Ông luôn nghĩ đến Singapore. Trong buổi tổng tuyển cử năm 1988, ông từng nói: "Kể cả khi tôi đang nằm trên giường bệnh, kể cả khi tôi đã nằm dưới mồ, mà tôi cảm thấy có gì đó không ổn với Singapore, tôi sẽ đứng dậy."

Ông thực sự nghĩ như vậy.

Kể cả khi đã rời nội các, ông luôn tìm đến tôi mỗi khi có một vấn đề quốc gia quan trọng ông muốn thảo luận.

Trong cuộc tranh luận ngân sách hai năm về trước, các thành viên nghị viện tranh cãi gay gắt về giá sinh hoạt, phương tiện công cộng và các vấn đề khác liên quan mà người dân Singapore quan tâm.

Biết chuyện, ông nói với tôi rằng dường như Singapore đã quên đi những giá trị cốt lõi giúp đất nước chúng ta tồn tại.

Ông gửi email cho tôi, trong đó đính kèm bản nháp một bài diễn văn mà ông muốn phát biểu trước nghị viện, để nhắc nhở người dân Singapore về những giá trị không bao giờ thay đổi này.

Nhưng tôi thuyết phục ông hãy để việc này cho tôi và các bộ trưởng giải quyết. Và ông đã nghe theo tôi.

Nỗi lo lớn nhất của ông là thế hệ trẻ Singapore sẽ mất đi khả năng xác định những gì có lợi cho đất nước. Đó là lý do tại sao ông tiếp tục viết sách khi đã ở tuổi 90.

Ông muốn thế hệ mới của dân tộc có thể học hỏi từ những kinh nghiệm xương máu của người đi trước, và hiểu được rằng an ninh, thịnh vượng và tương lai của Singapore phụ thuộc vào những gì.

Một trong những di sản vĩ đại nhất mà ông để lại đó là hành trang mà ông chuẩn bị sẵn cho các hậu bối tiếp nối sự nghiệp của ông. Ông tin rằng thử thách lớn nhất đối với một nhà lãnh đạo đó là tìm được người thay thế xứng đáng.

Một cách có hệ thống, ông chọn ra một đội ngũ những người kế cận và đào tạo họ. Ông mở đường cho ngài Goh Chok Tong lên chức Thủ tướng, và tiếp tục có mặt trong nội các để giúp đỡ đội ngũ lãnh đạo mới đi đến thành công.

Ông đem lại sự ổn định và kinh nghiệm cho thế hệ mới, đồng thời lẳng lặng nâng cao quyền lực của Thủ tướng Goh.

Ông luôn biết cách chỉ dẫn mà không can thiệp quá sâu, biết cách theo dõi sát sao nhưng cũng để tầng lớp lãnh đạo mới tạo dựng những nét riêng của họ.

Ông tự gọi mình là "linh vật" (mascot) của nội các. Nhưng ai cũng hiểu được "linh vật" này đặc biệt đến mức nào, và cảm thấy may mắn khi có sự hiện diện của "linh vật" bên cạnh.

Tương tự như vậy, khi tôi nhậm chức Thủ tướng, ông Goh chuyển sang làm Bộ trưởng cấp cao còn cha tôi trở thành trưởng cố vấn, một chức danh ông cho rằng phản ánh đúng vai trò của ông.

Dần dần, ông để các vấn đề chính sách nội bộ cho chúng tôi tự giải quyết, nhưng thường chia sẻ với chúng tôi quan điểm về đối ngoại, và đưa ra lời khuyên trong các vấn đề quan trọng trong tương lai mà ông dự liệu.

Thủ tướng nhiều nước khác nói với tôi rằng họ không thể tưởng tượng được làm việc chung một nội các với hai cựu Thủ tướng ra làm sao. Nhưng tôi nói với họ rằng bố trí như vậy thực sự đem lại hiệu quả, đối với bản thân tôi cũng như cả nước Singapore.

Ngoài những trách nhiệm với đất nước, cha tôi cũng có gia đình riêng của mình. Mẹ tôi là một mảnh ghép quan trọng của cuộc đời ông. Tình yêu của họ cực kì sâu đậm. Mẹ tôi là một người vợ chung thủy và là tri kỉ của cha tôi.

Vợ chồng ông Lý cùng cậu con trai đầu lòng Hiển Long - Thủ tướng đương nhiệm của Singapore. Ảnh: Google Images
Vợ chồng ông Lý cùng cậu con trai đầu lòng Hiển Long - Thủ tướng đương nhiệm của Singapore. Ảnh: Google Images

Bà đi cùng ông khắp mọi nơi, quan tâm đến ông từng li từng tí, giúp ông soạn thảo diễn văn, và là hậu phương vững chắc của ông. Họ là một cặp bài trùng hoàn hảo, một người bố, người mẹ tuyệt vời.

Khi mẹ tôi qua đời, cha tôi cảm thấy như bị cướp đi một phần của cuộc sống. Ông cảm nhận được sự mất mát của người bạn đời, một người, như chính ông từng nói, đã giúp ông có được như ngày hôm nay.

Cha tôi gửi gắm trọng trách chăm sóc nuôi dạy con cái cho mẹ tôi. Nhưng ông là trụ cột của gia đình, ông luôn quan tâm sâu sắc đến từng đứa chúng tôi từ khi còn nhỏ cũng như khi chúng tôi đã trưởng thành.

Ông không thể hiện nhiều, không cảm xúc ủy mị, nhưng ông yêu thương chúng tôi sâu sắc.

Sau khi người vợ đầu tiên của tôi, Ming Yang, qua đời, cha mẹ tôi khuyên tôi nên học thiền. Họ đưa cho tôi vài đầu sách để đọc, nhưng tôi không cảm thấy khá hơn là mấy.

Trước đó, cha tôi cũng đã thử liệu pháp này, nhưng cũng không đem lại kết quả. Khi người hướng dẫn bảo ông hãy thư giãn, bình tâm và thả lỏng, ông đáp lại:

Cố Thủ tướng Singapore
Lý Quang Diệu
"Nhưng nếu tôi thả lỏng, thì chuyện gì sẽ xảy ra với Singapore?"

Khi tôi bị chẩn đoán mắc ung thư hạch, ông khuyên tôi nên tập ngồi thiền nghiêm túc hơn. Ông nghĩ như vậy sẽ giúp tôi trong quá trình điều trị. Ông tìm được cho tôi một người hướng dẫn và nói chuyện riêng với anh ấy về tôi.

Từ đó, tôi đã có tiến triển.

Sau khi mẹ mất, cha tôi cũng đã thử ngồi thiền trở lại, với sự trợ giúp của Ng Kok Song, một người quen của ông tại Cục lưu trữ ngoại tệ Singapore.

Kok Song giới thiệu cho cha tôi tới gặp một người bạn của ông, một thầy tu Ki-tô giáo chuyên về thiền. Cha tôi không theo đạo, nhưng ông vui vẻ nhận lời học thiền từ thầy tu này.

Thậm chí, ông còn gọi điện cho tôi và khuyên rằng tôi cũng nên đi gặp vị thầy tu này. Và tôi nhận lời. Có lẽ ông cảm thấy tôi cũng cần tập thiền trở lại.

Đó là một ngày năm 2011, chỉ vài tháng sau cuộc bầu cử nghị viện. Khi đó tôi đã gần 60, và ông cũng gần 90. Nhưng với ông, tôi vẫn là một cậu con trai để ông chăm lo, và với tôi, ông vẫn là một người cha để tôi yêu thương và kính trọng, như khi tôi còn nhỏ.

Thế nên, sáng nay, trước khi lễ tang được cử hành tại Tòa nhà Nghị viện, chúng tôi đã có ít phút cùng nhau. Tôi ngồi bên ông, và thiền...

Con trai Thủ tướng

Lớn lên, tôi không tránh khỏi việc phải tiếp xúc với chính trị từ sớm. Tôi còn nhớ khi còn là một cậu bé, khu tuyển cử của cha là Tanjong Pagar, tôi luôn tự hào vì biết ông là cố vấn luật pháp cho nhiều hội đồng giao thương.

Tôi luôn phấn khích mỗi khi có bầu cử diễn ra, khi ngôi nhà của chúng tôi trở thành hội đồng tranh cử.

Tôi còn nhớ cuộc bầu cử nghị viện mang tính sống còn năm 1963, cái đêm đảng PAP của cha tôi đánh bại đảng Barisan Sosialis.

Mẹ tôi bắt đi ngủ sớm, nhưng tôi đã thức đợi kết quả. Khi tôi biết PAP đã giành được đủ ghế để tái xây dựng chính phủ, tôi mới thiếp đi.

Tôi còn nhớ một ngày khi chúng tôi chơi golf tại Istana, bỗng dưng ông nói với tôi rằng nếu có chuyện gì xảy ra với ông, ông muốn tôi chăm sóc mẹ tôi và hai em thật chu đáo...

Tôi còn nhớ cái đêm mà mấy anh em chúng tôi phải ngủ trên sàn nhà trong phòng ngủ của cha mẹ tôi tại Temasek, Kuala Lumpur, vì căn nhà khi ấy đã biến thành nơi tập hợp tất cả các bộ trưởng lặn lội từ Singapore sang.

Thỉnh thoảng, cha tôi lại ra khỏi giường để ghi lại một cái gì đó, trước khi quay lại nằm nghỉ. Nhưng đương nhiên là ông đâu có ngủ được. Đó là ngày 7/8/1965, hai ngày trước khi Singapore tách khỏi Malaysia.

Lớn lên với cha tôi bên cạnh, sống cùng một nhà với ông qua những năm tháng ấy, đã tạo nên con người tôi ngày hôm nay.

Ngày 9/8 năm nay sẽ đánh dấu 50 năm Singapore tồn tại với tư cách một quốc gia độc lập. Chúng ta đều đã hi vọng rằng ông sẽ cùng chúng ta chia sẻ cột mốc trọng đại ấy.

Vì chính ông đã đấu tranh cho một Singapore đa sắc tộc, khiến chúng ta trở thành một nước cộng hòa độc lập, có chủ quyền ngày hôm nay.

Vì chính ông đã đoàn kết cả dân tộc, đã xây dựng đất nước, đã khiến ngày 9/8/2015 tới đây trở thành một cột mốc đáng nhớ.

Tiếc thay...

Nhưng chúng ta đều có thể cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì Lý Quang Diệu đã được tận mắt chứng kiến thành quả cuộc đời mình.

Năm ngoái, tại cuộc diễu hành nhân ngày quốc khánh, khi ông xuất hiện trên màn hình lớn, đám đông đã tặng cho ông một sự hoan nghênh nhiệt liệt.

Tháng 11 năm ngoái, Đảng Nhân dân Hành động (PAP) kỉ niệm ngày thành lập tại Hội trường Victoria, nơi Lý Quang Diệu đã khai sinh PAP 60 năm về trước. Những thành viên có mặt hôm ấy, khi thấy ông xuất hiện, đã tặng cho ông một tràng pháo tay đầy cảm xúc.

Người dân Singapore chào đón ông Lý Quang Diệu trong ngày quốc khánh 2014. Ảnh: Straits Times
Người dân Singapore chào đón ông Lý Quang Diệu trong ngày quốc khánh 2014. Ảnh: Straits Times

Chúng tôi không bao giờ quên khoảnh khắc ấy.

Thánh đường St. Paul tại London được xây dựng bởi Ngài Christopher Wren. Vị kiến trúc sư này đã được chôn cất ngay tại thánh đường, cũng là tuyệt tác và thành quả của cả cuộc đời ông.

Trên bia mộ của vị kiến trúc sư này có ghi dòng chữ: "Nếu các bạn đang tìm tượng đài của Ngài Christopher Wren, hãy nhìn xung quanh mình".

Lý Quang Diệu đã dựng nên Singapore. Những ai đến Singapore hỏi tượng đài Lý Quang Diệu ở đâu, người dân Singapore có thể tự hào đáp lại: "Hãy nhìn xung quanh bạn".

Tôi có nói rằng ngọn đèn soi sáng chúng ta bao nhiêu năm qua đã tắt. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Vì những nguyên tắc và lý tưởng mà Lý Quang Diệu để lại sẽ còn tiếp tục là ngọn đèn soi sáng cho chính phủ và dẫn đường cho người dân Singapore.

Cuộc đời ông sẽ còn là niềm cảm hứng cho người Singapore, cũng như nhiều người khác trên thế giới, trong nhiều thế hệ sau này.

Lý Quang Diệu từng nói rằng "chúng ta phải làm sao để 1000 năm sau, Singapore vẫn còn đây. Và đó là trách nhiệm của bạn, và của tôi."

Nay ông đã làm tròn trách nhiệm của mình, thậm chí còn hơn thế. Còn chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp nối thành quả của cuộc đời ông, tiến lên với ngọn đuốc mà ông để lại, và giữ ngọn lửa mãi bùng cháy.

Tất cả chúng ta đều đã mất đi một người cha. Chúng ta đã đón nhận nỗi đau này cùng nhau. Chúng ta đều rất đau buồn.

Nhưng trong đau buồn, chúng ta đã cho thấy những tinh hoa của một Singapore do Lý Quang Diệu dựng nên.

Trong cả tuần quốc tang, mỗi ngày người dân Singapore đều không ngần ngại chia sẻ đồ uống, ô dù cùng nhau, giúp đỡ nhau khi xếp hàng, từ sáng đến khuya.

Những nhân viên an ninh, những thành viên hậu cần, những người quét dọn, tất cả đều làm việc không biết mệt mỏi 24/7. Nỗi buồn chung đã đưa chúng ta xích lại gần nhau, khiến chúng ta mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Nhưng chúng ta xích lại gần nhau không chỉ để chia sẻ nỗi buồn. Chúng ta cùng nhau ca tụng cuộc đời của Lý Quang Diệu, những thành tựu mà ông đã đạt được cùng chúng ta, những người dân Singapore.

Hãy cùng nhau xây dựng quốc gia xuất chúng này. Hãy cùng nhau giúp đảo quốc này giữ vững vị thế một kinh đô hiện đại.

Để phản ánh đúng những lý tưởng mà Lý Quang Diệu đã dành cả cuộc đời để đấu tranh.

Để hiện thực hóa những giấc mơ mà ông đã tạo cảm hứng.

Để xứng đáng với những người đã chiến đấu hi sinh để ngày hôm nay, chúng ta có thể gọi Singapore là quê hương.

Cám ơn ngài Lý Quang Diệu. Mong ông an nghỉ.

Video: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đọc điếu văn trong lễ tang cha, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại