Tin đồn liên tục xuất hiện quanh số phận của chiếc máy bay MH370

Một năm trôi qua kể từ khi chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích, việc còn nhiều dữ liệu chính trong sự kiện chưa được làm rõ đã giúp tạo ra vô số tin đồn, giả thuyết và các cuộc tranh luận nóng bỏng trên mạng Internet.

Một khoảng trống thông tin đã nuôi dưỡng một đội ngũ các chuyên gia và người nghiệp dư trên không gian mạng.

Họ liên tục mổ xẻ vụ mất tích MH370 để tìm xem chuyện gì đã thực sự xảy ra với chiếc máy bay Boeing 777 cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Các giả thuyết hình thành từ những "phân tích" này dao động rất rộng, từ chỗ MH370 bị người ngoài hành tinh bắt cóc cho tới chỗ chiếc máy bay bị bắn hạ ở Đông Ukraine, cùng địa điểm với vụ máy bay MH17 gặp nạn.

Cũng có giả thuyết chất vấn liệu chiếc máy bay có nằm ở vùng biển Ấn Độ Dương mà người ta đang tìm kiếm hay không.

Điều duy nhất người ta đồng tình là các mảnh ghép chính trong bí ẩn này vẫn chưa được tìm thấy.

"Thật kinh ngạc trước việc chúng ta vẫn chưa có được nhiều thông tin về vụ này sau chừng ấy thời gian," Jeff Wise, một chuyên gia hàng không gần đây phát hành cuốn sách "The Plane That Wasn't There" tạm dịch "Chiếc máy bay không nằm ở đó" đã lọt vào Top 1 sách số bán chạy nhất trên trang Amazon.

MH370 đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, không lâu sau khi cất cánh rời khỏi Kuala Lumpur (Malaysia) để tới Bắc Kinh (Trung Quốc).

Sự việc diễn ra vào ngày 8/3/2014, khi chiếc máy bay đang di chuyển dọc theo Vịnh Thái Lan, tại khu vực gần điểm lộ trình mang tên Igari.

Chuyện gì đã xảy ra trong ngày đó vẫn gây tranh cãi tới tận giờ.

Không lực Malaysia nói rằng hệ thống radar quân sự của họ đã phát hiện ra chiếc máy bay khi nó quay đầu trở lại xuất phát điểm, băng qua bán đảo Malay rồi bay thẳng ra ngoài bờ biển Tây Bắc.

Giới chức điều tra đã sử dụng bản phân tích tín hiệu ping MH370 gửi tới vệ tinh, do Công ty Inmarsat của Anh thực hiện, để xác định 2 hướng mà chiếc máy bay có thể đã đi tới - một nằm ở phía Bắc và một ở phía Nam.

Kết hợp các tín hiệu ping với dữ liệu từ máy bay, họ kết luận nó đã quay đầu về phía Nam rồi bay trong nhiều giờ, trước khi rơi xuống Nam Ấn Độ Dương vì hết nhiên liệu.

Tuy nhiên nhiều blogger hàng không và nhà điều tra tự do đã không chấp nhận hướng giả thuyết này. Họ chất vấn về dữ liệu rađa và các giả định xung quanh tốc độ bay, tốc độ đốt nhiên liệu của chiếc máy bay.

Tim Clark, lãnh đạo hãng Emirates Airlines, đã gây chú ý vào tháng 11 năm ngoái sau khi tuyên bố người ta vẫn đang che giấu thông tin quanh MH370.

Ông chất vấn tuyên bố của quân đội Malaysia rằng đã không đưa ra hành động gì vì xác định được MH370 là "quân mình" khi nó đột ngột đảo hướng.

Chính quyền Malaysia, nơi đã có kế hoạch công bố một bản báo cáo nội bộ về cuộc điều tra MH370 trước lễ kỷ niệm diễn ra vào ngày 8/3 tới, đã luôn bác bỏ việc kìm giữ thông tin.

Tranh cãi nóng bỏng

Wise, giống nhiều người khác, thừa nhận đã gần như bị ám ảnh bởi vụ MH370.

Wise thậm chí còn mua dữ liệu vệ tinh để tăng sức nặng cho giả thuyết của ông, rằng chiếc máy bay đã đi về phía Bắc, dọc theo biên giới nhiều quốc gia để tránh radar, trước khi hạ cánh ở Kazakhstan.

Một nhà điều ra độc lập khác là cựu kỹ sư viễn thông John Fiorentino cũng không tin vào báo cáo chính thức, đánh giá máy bay rơi ở Ấn Độ Dương.

Giả thuyết của ông đã nhận được sự ủng hộ của nhóm Voice370 đại diện cho nhiều gia đình của các nạn nhân.

Mức độ "say mê" với bí ẩn quanh MH370 đã dẫn tới nhiều màn tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm ủng hộ các giả thuyết đối ngược nhau.

Tuần này nhóm Independent Group (IG), gồm khoảng một chục chuyên gia vệ tinh, dữ liệu, toán học và hàng không, đã đuổi cổ Wise ra khỏi hội, sau khi có nhiều bài báo dẫn nguồn thông tin từ sách của ông.

"Đó là một mớ thông tin rác rưởi," thành viên Duncan Steel của IG nói.

Về phía mình, Wise đã cấm người khác trích sử dụng từ "sét đánh" được viết trên trang web của ông. Fiorentino cũng bị vài blog "cấm cửa" do chất vấn nhiều giả thuyết quanh MH370.

Không phải giả thuyết nào cũng có sức nặng và đáng tin. Cựu giám đốc hãng hàng không khu vực Proteus của Pháp là ông Marc Dugain từng tuyên bố chiếc máy bay đã di chuyển về hướng căn cứ quân sự Mỹ đóng ở đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương và bị bắn hạ

Quyền được biết sự thật

IG có lẽ là nhóm đáng tin nhất trong cuộc chiến giữa các giả thuyết.

Nhóm vẫn kiên trì với giả thuyết chiếc máy bay nằm ở Nam Ấn Độ Dương, gần khu vực được gọi là vòng cung số 7, đang được đội tìm kiếm quốc tế do Australia lãnh đạo tiến hành kiểm tra.

Tuy nhiên IG nói rằng các dữ liệu quan trọng còn thiếu sẽ giúp chỉ ra chính xác nơi máy bay rơi và có khả năng chúng đang nằm ngoài khu vực tìm kiếm.

Nhiều blogger dẫn lý do gia đình các nạn nhân có quyền được biết chuyện gì đã xảy ra để đưa ra giả thuyết của họ.

Sarah Bajc, người yêu của hành khách Phillip Wood, nói rằng cô cảm ơn những người vẫn kiên trì tiến hành điều tra xem chuyện gì đã xảy ra với MH370.

"Tôi vô cùng cảm kích nỗ lực mà IG đã bỏ ra... để làm rõ các thông tin không chính xác trong nhiều câu chuyện bịa đặt," Bajc nói với Reuters qua thư điện tử.

Tuy nhiên cô không ủng hộ giả thuyết riêng của IG, cho rằng cũng có khả năng chiếc máy bay không nằm ở Nam Ấn Độ Dương.

"Tôi muốn một cuộc điều tra độc lập... có thể do Liên hợp quốc lãnh đạo," cô nói.

"Bất chấp nhiều nỗ lực đã được bỏ ra, chúng ta vẫn không biết vì sao MH370 lại đột ngột câm lặng ở Igari, hay chiếc máy bay đang nằm tại nơi nào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại