Tiếp quan chức Nhật dưới... đèn mờ, TQ "vừa đấm vừa xoa" Tokyo

Hải Võ |

Bắc Kinh thông báo "rầm rộ" về chuyến thăm của Cục trưởng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi, nhưng lại tỏ thái độ lạnh nhạt trong các cuộc tiếp xúc với ông này.

Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 15/7 thông báo, nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết trì, Cục trưởng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi sẽ thăm Trung Quốc từ 16-18/7. Song phương sẽ tổ chức đối thoại chính trị cấp cao bàn về các vấn đề quan tâm chung hôm 16/7.

Đáng chú ý là, trong chuyến công du của mình, ông Yachi không chỉ hội đàm với Dương Khiết Trì, mà còn gặp mặt Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trang Đa Chiều cho hay, việc một thân tín của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe như ông Yachi nhận được sự tiếp đón từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là điều hiếm thấy.

Kể từ khi mâu thuẫn Trung-Nhật leo thang do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 2012, đây mới là lần đầu ông Lý Khắc Cường tiếp kiến một quan chức của Nhật.

Trung Quốc "lạnh nhạt" đón tiếp Shotaro Yachi

Trong cuộc hội kiến với ông Yachi, Thủ tướng Trung Quốc không hề nhắc tới dự luật an ninh mới của Nhật Bản - vốn được xem là công cụ cho phép quân đội Nhật tham chiến tại nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lý tuyên bố quan hệ Trung-Nhật hiện tại mang đậm tính nhạy cảm và phức tạp.

Theo Đa Chiều, bức ảnh chụp ông Yachi và ông Lý tại Tử Quang Các "có ánh sáng rất u ám". Với chất lượng và điều kiện đèn điện bên trong Trung Nam Hải, điều này đương nhiên không thuộc vấn đề kỹ thuật mà chỉ có thể là sự sắp đặt cố ý từ Bắc Kinh.

Trang này bình luận, "ánh đèn mờ" bao phủ cuộc gặp của Shotaro Yachi và Lý Khắc Cường cũng giống như khuôn mặt "u ám" của ông Tập Cận Bình khi bắt tay Shinzo Abe hồi tháng 11/2014, nhằm tỏ thái độ bất mãn với việc Nhật Bản muốn thoát khỏi trật tự thế giới hậu Thế chiến II.

Ánh đèn u ám bao phủ cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) với Cục trưởng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi.

Ánh đèn "u ám" bao phủ cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) với Cục trưởng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi.

Khác với thái độ mang nhiều "ẩn dụ" từ Thủ tướng Trung Quốc, các ông Dương Khiết Trì, Thường Vạn Toàn tỏ rõ thái độ lạnh lùng với Cục trưởng An ninh Nhật Bản.

Do Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh của Nội các Thủ tướng Abe đúng vào ngày 16, nên trong cuộc hội kiến, Dương Khiết Trì ngay lập tức chất vấn ông Yachi và "tỏ rõ sự quan ngại sâu sắc từ phía Trung Quốc".

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thì nhắc nhở Tokyo "ghi nhớ bài học lịch sử, chú ý đến sự quan ngại của các nước láng giềng, thận trọng trong hành động quân sự".

Đa Chiều cho rằng, các quan chức cấp cao của Trung Quốc từ phụ trách ngoại giao như Dương Khiết Trì tới quân sự như Thường Vạn Toàn "luân lưu" bàn chuyện quan hệ Trung-Nhật và chỉ trích dự luật an ninh mới là điều khá bất thường.

Động thái này của Bắc Kinh được cho là lời "cảnh cáo" tới Tokyo, rằng các lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh đang hết sức chú ý đến động thái của Nhật và gấp rút nghiên cứu đối sách.

Tướng Thường Vạn Toàn nói: "Quan hệ chính trị là tiền đề cho quan hệ quốc phòng." 

Câu này có nghĩa là, nếu Nhật không "xét lại" các vấn đề lịch sử liên quan tới quan hệ song phương, ví dụ như Thế chiến II, thì quan hệ quân sự 2 nước về cơ bản không có khả năng cải thiện, bởi căng thẳng về chính trị dẫn tới đối đầu quân sự là điều không tránh khỏi.

Gương mặt tối sầm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trước Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 11/2014.

Gương mặt "tối sầm" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trước Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 11/2014.

Phía Trung Quốc thường "nhắc đi nhắc lại" rằng, 2015 là năm mấu chốt trong quan hệ Trung-Nhật, và việc 2 nước có cải thiện thái độ được hay không là phụ thuộc vào "biểu hiện khôn ngoan của Thủ tướng Shinzo Abe trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II".

Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ "soi mói" từng hành động, lời nói của ông Abe, cũng như việc ông có "chịu" nhận lời tới lễ duyệt binh ngày 3/9 tới của Trung Quốc hay không.

Thâm ý đằng sau chuyến công du công khai của "cánh tay phải Shinzo Abe"

Đa Chiều cho biết, ông Shotaro Yachi chính là người phụ trách cao nhất các vấn đề an ninh Nhật Bản, đặc biệt là các chính sách đối ngoại châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Yachi chịu trách nhiệm trực tiếp trước 4 quan chức cấp cao Nội các Nhật Bản gồm Thủ tướng Shinzo Abe, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Ngoại trưởng Fumio Kishida và Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani.

Vì vậy, những thông tin mà Shotaro Yachi truyền đạt thường được giới quan sát "mặc định" xem như thể hiện xu hướng chính sách đối ngoại của chính phủ Nhật Bản.

Mặt khác, những chuyến công tác công khai hoặc bí mật trước đây của Cục trưởng An ninh Nhật Bản tới Trung Quốc cho thấy ông Yachi có mối quan hệ cá nhân khá thân mật với Bắc Kinh, và là một trong số ít chính khách Nhật "có tiếng nói trước Trung Quốc".

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tuyên bố "rầm rộ" về chuyến thăm của Shotaro Yachi tới nước này.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) không cảm xúc khi bắt tay ông Yachi.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) "không cảm xúc" khi bắt tay ông Yachi.

Trên thực tế, các chuyến công du Trung Quốc những năm gần đây của ông Yachi thường không được truyền thông Trung Quốc nhắc tới. Riêng trong tháng 6/2013, ông này đã tới Bắc Kinh 2 lần.

Tháng 6/2014, Yachi tiếp tục được chính phủ Nhật cử sang "thăm bí mật" Trung Quốc để thảo luận về khả năng tái khởi động hội đàm thượng đỉnh Trung-Nhật cũng như giải quyết tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên chuyến đi không thu được kết quả.

Chỉ 1 tháng sau đó, cựu thủ tướng Nhật Fukuda Yasuo tới Trung Quốc "hội đàm kín" với ông Tập Cận Bình. Báo chí Nhật đưa tin, Shotaro Yachi cũng có mặt trong chuyến đi này.

Do đó, khi mà cả Bắc Kinh và Tokyo cùng công khai thông báo hành trình thăm Trung Quốc của ông Yachi, giới quan sát đã lập tức so sánh với những chuyến đi bí mật để "phá băng" quan hệ Mỹ-Trung của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Trong quá khứ, ông Kissinger đã hết sức nỗ lực để tạo tiền đề cho Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc.

Mặc dù sự so sánh này có nhiều điểm chưa phù hợp mang tính thời đại, nhưng xét trong bối cảnh lịch sử dài hạn, quan hệ Trung-Nhật dường như đang nằm trong một "giai đoạn then chốt" như vậy.

Không khó nhận ra chính phủ Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều đang hết sức thận trọng thăm dò từng động thái của đối phương để thúc đẩy việc phá vỡ trạng thái đối đầu hiện tại.

Đa Chiều đánh giá, với tác phong thận trọng thường thấy của Trung Nam Hải, việc tuyên bố công khai chuyến thăm của Shotaro Yachi, đồng thời hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiếp kiến Cục trưởng An ninh Nhật Bản, cho thấy Trung Quốc hoàn toàn tự tin với bước đi của mình.

Khả năng ông Yachi "tay trắng trở về" từ Bắc Kinh sau ngày 18/7 cũng gần như không thể xảy ra.

Chưa thể xác định dự luật an ninh mới của Nhật Bản có phải là tác nhân khiến Trung Quốc phải e ngại và nhượng bộ hay không, nhưng từ quy cách tiếp đón cao cấp mà Bắc Kinh dành cho Shotaro Yachi có thể thấy, nước này đang "chìa cành ô liu" về phía Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại